Quán cháo huyết 5000 đồng làm "ấm lòng" lao động nghèo
(Dân trí) - Bất chấp giá cả leo thang, hàng chục năm nay, chị Hồng vẫn duy trì quán cháo huyết 5.000 đồng với đầy đủ thịt, da heo, huyết, tôm khô... để hỗ trợ người có thu nhập thấp.
Cháo huyết nghĩa tình hơn 40 năm tuổi
Giữa Sài Gòn rộng lớn nhưng hiện nay rất khó để tìm được một quán phở, hủ tíu, cháo... với mức giá dưới 20.000 đồng. Tuy vậy, tại đường Nguyễn Hữu Hào (quận 4) vẫn tồn tại quán cháo huyết với mức giá 5.000 đồng/tô. Quán đã có tuổi đời hơn 40 năm và hiện chị Phan Thị Thu Hồng (52 tuổi) là đời thứ 2 của quán.
"Hơn 30 năm trước, tôi rời Kiên Giang theo chồng vào TPHCM sinh sống. Cũng nhờ vậy mà tôi được mẹ chồng chỉ bí quyết nấu cháo và truyền nghề lại. Gánh cháo này chính là nguồn thu nhập chính của gia đình, nhờ có nó mà tôi có tiền lo cho các con ăn học thành tài", chị Hồng cho biết.
Chị Hồng chia sẻ, mục đích của gia đình chị khi mở cửa hàng cháo chủ yếu phục vụ người lao động. Khi mới mở, một tô cháo chỉ có giá vài trăm đồng, sau đó lên một ngàn đồng, ba ngàn đồng và hiện giờ là 5.000 đồng. Thường giá cả tăng giá rất nhanh nhưng khoảng 10 năm quán mới tăng giá một lần và tăng rất ít.
Dù mỗi phần cháo chỉ có 5.000 đồng nhưng khá đầy đủ các thành phần như thịt heo, huyết, da heo luộc, tôm khô, rau giá, gừng,… Khách có thể gọi thêm bánh quẩy nếu muốn ăn kèm. Giá nửa quẩy là 3.000 đồng và nguyên quẩy cũng chỉ có 5.000 đồng. Do vậy, mỗi ngày hàng trăm lao động nghèo đến với quán để có một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.
"Nếu như các thực khách lâu năm đã ăn cháo do mẹ tôi nấu ra sao thì món cháo hiện tại vẫn giống y như vậy, công thức không hề thay đổi. Bao nhiêu huyết, bao nhiêu gừng, bao nhiêu da heo, nêm nếm ra sao… mấy chục năm vẫn y chang. Tới tô đá, muỗng nhôm hồi xưa còn giữ nguyên luôn mà. Nhiều khách của tôi ăn từ khi còn nhỏ xíu đến hiện tại đã đi làm, có người đã lập gia đình và đã có con. Thỉnh thoảng vẫn ghé lại đây ăn và nói chuyện với tôi", chị Hồng hào hứng kể.
Mỗi ngày, hàng cháo của chị Hồng chỉ bán khoảng 4 tiếng từ 6h đến 10h sáng là hết sạch nồi. Chị Hồng không thể đếm nổi là bán được bao nhiêu phần một ngày, chỉ biết mỗi sáng hàng cháo nấu hơn 6 kg gạo.
Còn sức còn giúp lao động nghèo
Mỗi ngày, từ 2h sáng chị Hồng cùng với chồng đã phải dậy vo gạo và chuẩn bị nguyên liệu. Khoảng 5h, khi cháo đã chín thì cả nhà chị Hồng bắt đầu dọn hàng ra bán dần. Nồi cháo được nấu rất cẩn thận và đầy đủ gia vị nên trông khá bắt mắt.
Vì giá khá rẻ và ngon nên quán cháo thu hút được rất đông khách tìm đến vào mỗi buổi sáng. Người đến ăn không chỉ có thành phần lao động thu nhập thấp, mà cả đồ đạc sang trọng, xe hơi bóng loáng cũng vẫn cứ tấp vào hàng cháo không bàn, không bảng hiệu này.
"Trước khi truyền nghề cho tôi, mẹ chồng có dặn dò kỹ con ơi con, nhớ giữ nồi cháo để giúp đỡ người nghèo… Vì thế, từ mấy chục năm nay, tôi vẫn nghe theo lời dặn của mẹ, cố gắng giữ lấy mức giá thấp nhất có thể nhưng chất lượng nồi cháo không đổi. Tôi mong muốn giúp những khách lao động có thu nhập thấp có bữa ăn sáng để họ đi làm".
Chị Hồng cho biết, giờ các con đã lớn và có công việc ổn định. Hiện, 2 vợ chồng chị, ăn uống không bao nhiêu nên cứ cố mà giữ giá thấp cho những người cực khổ hơn. Việc kinh doanh của chị cũng không đặt nặng việc lời lãi, miễn giúp được nhiều người là chị vui.
"Tôi mong là nồi cháo này vẫn sẽ được truyền thêm nhiều thế hệ nhưng cũng phải giữ mức giá thấp như thế này để còn giúp người lao động thu nhập thấp. Giúp họ có được phần ăn trước khi vào giờ làm là bản thân tôi vui lắm", chị Hồng mong ước.