Quán ăn “lên app", chất lượng lên tầm
(Dân trí) - Với không ít nhà hàng, quán ăn, chuyện “lên app” gần như là điều đương nhiên nếu muốn tồn tại trong thời điểm hậu Covid-19. Riêng với các nhà hàng, quán ăn nhỏ lẻ, việc bắt tay với nền tảng giao nhận thức ăn còn mang đến nhiều lợi ích bất ngờ.
“Lên app”, lên cả chất lượng
Chưa tới 12h trưa, hàng cơm gà của chị Thu Thuỷ (quận Bình Thạnh) đã tấp nập màu áo xanh đỏ, người tới gọi món, người giao mang về. Chị Thủy chặt gà liền tay, xếp từng miếng vàng ươm vào hộp, anh Phúc chồng chị đảm nhận phần đóng gói, cũng không quên xịt khuẩn, sát trùng đầy đủ. Trong gian bếp ngăn nắp, mọi thứ đều được chuyên môn hoá rõ ràng.
Chị Thuỷ cho hay, “Ban đầu, thấy người này người kia rủ nhau “lên app" thì mình cũng lên thôi. Đâu nghĩ nhiều đến việc giữ gìn khu vực chế biến ra sao cho đảm bảo hay làm thế nào để giảm tỉ lệ hủy đơn. Những chuyện như thu hút thêm khách hàng mới càng chẳng nghĩ tới”.
Hậu Covid-19, nhiều chủ cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán ăn như chị Thủy quyết định “lên app" nhằm nhanh chóng thích ứng với trạng thái bình thường mới và hưởng lợi từ các nền tảng số. Điều họ không ngờ đến là các dịch vụ giao nhận thức ăn đặt ra không ít tiêu chuẩn, trở thành động lực để họ nâng cao chất lượng phục vụ.
“Từ khi tham gia GrabFood, bên họ đưa ra chương trình Quán ngon 3 chuẩn và nêu rõ các tiêu chí để tham gia chương trình. Nhìn lại quán mình có cái được cái chưa nhưng mình căn theo các tiêu chí đó để phấn đấu thêm” – chị Thu Thuỷ chia sẻ.
Cụ thể, đây là chương trình Grab đề ra từ giữa năm 2020. Nhà hàng đáp ứng đủ các tiêu chí như cung cấp giấy phép vệ sinh ATTP, khu chế biến, giao đồ ăn sạch sẽ, đảm bảo, khẩu trang xịt khuẩn đầy đủ, số sao khách hàng đánh giá trung bình trên 4.3, tỉ lệ hủy đơn dưới 1%… sẽ được Grab công nhận là Quán ngon 3 chuẩn - chuẩn ngon, sạch và nhanh. Với các nhà hàng này, Grab hỗ trợ nhiều lợi ích về truyền thông và khuyến mại để quán tăng khách hàng và cải thiện doanh thu.
“Hiện nay đến 70% hoạt động của quán tôi là phục vụ giao món tận nơi. Thời gian đầu, tỉ lệ hủy đơn phải tới gần 5%, nhất là mùa khuyến mãi đơn tăng đột ngột thì tỉ lệ đơn tôi phải hủy càng cao. Sau này tôi cố gắng tăng tốc độ chế biến, phân công nhân viên hiệu quả hơn để đưa tỉ lệ này về đúng tiêu chuẩn tham gia chương trình của GrabFood", anh Phúc, chủ quán cơm tấm tại Gò Vấp cho biết.
Với những hàng quán đã hoạt động trong guồng quay lặp lại của việc kinh doanh truyền thống thì động lực để cải tiến chất lượng là rất thấp, thậm chí việc làm thế nào để cải thiện cũng là một bài toán phải “lần mò”. Lúc này, những chương trình vạch rõ tiêu chí, đưa ra chỉ dẫn rõ ràng, lượng hoá thành những con số cụ thể…như GrabFood đã làm là nhân tố hữu hiệu giúp các quán thay đổi cục diện.
Đâu cần "mặt tiền" khi đã có "mặt app"
Theo thống kê của Công ty Dcorp R-Keeper Việt Nam, cả nước có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống nhưng đến 430.000 là các cơ sở kinh doanh nhỏ. Dù chiếm tỷ lệ áp đảo nhưng các cửa hàng, quán ăn nhỏ lẻ lại chưa có đủ cơ hội và tiềm năng để phát triển do những hạn chế về vốn, mặt bằng, công nghệ, khả năng quảng bá…
Việc “lên app” không chỉ dừng lại ở sự lựa chọn mà thật sự đã trở thành giải pháp kinh doanh tất yếu trong thời đại công nghệ. Không yêu cầu phải bỏ ra quá nhiều chi phí và thời gian, ngược lại các hàng quán còn “bội thu” hàng loạt lợi ích.
Điều dễ thấy là các quán với mặt bằng eo hẹp, vỏn vẹn vài mét vuông, thậm chí không cần vị trí đắc địa vẫn có thể kinh doanh “ào ào” nhờ bắt tay với các dịch vụ giao nhận thức ăn. “Trước tôi có tính mở thêm một chi nhánh bán bún buổi sáng nữa nhưng ngẫm lại, thấy khá tốn kém, nhất là vụ mặt bằng. Tôi mới duy trì địa điểm cũ cộng bán thêm trên GrabFood vậy mà chắc ăn. Mùa dịch ai đóng cửa sao chứ quán tôi vẫn ổn” – anh Nguyễn Hùng - chủ quán bún thịt nướng, quận Tân Phú (TP.HCM) cho biết.
Không chỉ hàng quán nhỏ lẻ mà các nhà hàng, quán ăn lớn cũng chọn hợp tác với các nền tảng giao nhận thức ăn để mở rộng lượng khách hàng tiềm năng từ nhiều khu vực khác nhau. Với những siêu ứng dụng như Grab thì tệp khách hàng khổng lồ là việc không cần bàn cãi. Ngoài ra, lợi ích hấp dẫn không kém chính là những hỗ trợ về quảng cáo, marketing ngay trên nền tảng của những siêu ứng dụng này. Với sự hỗ trợ của các nền tảng, dù không sở hữu nguồn lực tài chính lớn hay khả năng tiếp thị chuyên sâu, các quán ăn nhỏ lẻ vẫn có thể cạnh tranh với các mô hình kinh doanh khác.
Trước đây, trong lĩnh vực giao đồ ăn, ứng dụng nào có tốc độ giao hàng nhanh hơn sẽ chiếm ưu thế. Hiện tại, sau thời gian phát triển, tốc độ vẫn là yếu tố được các ứng dụng tiếp tục đẩy mạnh thông qua việc phát triển mạng lưới đối tác tài xế rộng khắp. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, dưới tác động của dịch Covid-19, người tiêu dùng đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ và đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn về vấn đề vệ sinh thực phẩm. Từ đó, hàng quán cũng có thêm động lực nâng cấp tiêu chuẩn dịch vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và không bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh nhà nhà, quán quán cùng “lên app” như một xu thế kinh doanh tất yếu trong tương lai.