Quán ăn hỗ trợ shipper bị "bom hàng" ở TPHCM
(Dân trí) - Quán Maika ở quận 5 do Kim Huyền quản lý sẽ nhận lại thức ăn, hoàn tiền cho shipper khi bị "bom hàng". Còn bà Hồng Hà ở TP Thủ Đức thì tặng mỗi shipper một ly nước ngọt hay trà đá khi đến nhận đơn.
12h, quán ăn Maika trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 (TPHCM) tấp nập thực khách đến ăn trưa. Giờ cao điểm, các shipper cũng ra vào liên tục để nhận đơn mang đi giao cho khách đặt hàng qua ứng dụng.
Nhiều shipper bất ngờ khi đối diện khu vực ngồi chờ là tấm bảng nhỏ với nội dung: "Hỗ trợ shipper bị bom. Khi khách không nhận hàng, quán sẽ nhận lại thức ăn trong ngày và hoàn tiền lại cho shipper. Khi khách báo thiếu món trong đơn hàng, quán sẽ hỗ trợ shipper khác giao sang. Anh (chị) shipper không cần quay lại quán. Với sự cộng tác của quán, mong các shipper sẽ an tâm khi làm việc".
Cứu cánh của shipper
Lần đầu tiên đến nhận đơn tại quán Maika, ông Nhựt, 63 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chia sẻ: "Trong quá trình làm việc, tôi thấy rất ít quán ăn có chương trình hỗ trợ shipper như ở đây. Đến những quán có chương trình hỗ trợ người giao hàng như thế này tôi thấy yên tâm hơn và thoải mái hơn khi làm việc".
Nội dung hỗ trợ shipper của quán Maika được cộng đồng mạng chia sẻ rộng khắp thời gian qua. Vương Thị Kim Huyền, quản lý quán nói, nội dung hỗ trợ shipper đã có từ hơn 3 năm trước. Thời điểm đó, dịch vụ đặt thức ăn online nở rộ tạo điều kiện để shipper có thêm công việc, thu nhập tốt.
Tuy nhiên, hình thức giao hàng lúc đó chủ yếu là hình thức mua hộ, shipper bỏ tiền mua thức ăn trước sau đó đi giao cho khách rồi mới nhận lại tiền hàng và tiền vận chuyển. Chính vì thế, có nhiều khách hàng đặt xong nhưng "bom hàng" không nhận dẫn đến shipper phải ôm trọn món hàng mình vừa mua.
Có những đơn thức ăn, trà sữa lên đến vài trăm nghìn, bằng tiền công một ngày đi làm của shipper nhưng họ bất đắc dĩ phải ăn vì chẳng biết bán lại cho ai.
"Ở quán tôi thì ít xảy ra tình trạng khách bom hàng nhưng nhiều lần nghe các shipper ngồi tâm sự thường xuyên gặp phải tình trạng này nên thấy rất thương. Vì thế, chúng tôi đặt tấm bảng với hy vọng có thể đồng hành, hỗ trợ các anh shipper trong khả năng của quán mình", chị Huyền chia sẻ.
Theo đó, nếu gặp tình trạng này, họ cứ việc quay lại quán gửi trả thức ăn, sau đó sẽ được hoàn tiền. Nếu trong quá trình soạn đơn, quán ăn làm thiếu món của khách thì sẽ liên lạc với shipper để thỏa thuận nếu quay lại lấy thì hỗ trợ thêm tiền công 10.000 - 20.000 đồng. Nếu đã đi xa, gần đến địa điểm giao hàng thì quán sẽ đặt shipper khác đến để tiếp tục giao.
"Phương châm của chúng tôi luôn đặt khách hàng lên hàng đầu. Người giao hàng cũng là người góp phần vào việc làm đẹp hình ảnh của quán nên phải hỗ trợ các anh", chị Huyền nói.
Ấm lòng từ những điều nhỏ nhặt
Khi đưa ra chính sách như thế, quán ăn Maika cũng chấp nhận chịu thiệt phần nào. Các món ăn được trả lại sẽ bán rẻ cho nhân viên có nhu cầu. Nếu không có ai mua thì để dành đãi chung cho tất cả mọi người.
Thời gian gần đây, quán ăn sử dụng hình thức buộc khách thanh toán trực tiếp qua ứng dụng rồi mới giao hàng nên ít có tình trạng bom hàng. Kim Huyền cho biết, không rõ những chỗ khác như thế nào nhưng ở Maika, mọi người đều sợ các shipper chịu thiệt nếu lỡ bị bom hàng nên họ vẫn để bảng như lời động viên để shipper an tâm làm việc.
Cách quán Maika gần 20km là quán ăn vặt nhỏ của bà Hồng Hà, 58 tuổi, ở phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức. Mới bán đồ ăn vặt chừng 3 năm nhưng bà Hà đã có hơn 2 năm giúp đỡ nhiều shipper khi đến quán mình nhận đơn.
Hồi tháng 6/2021, sau một thời gian bán tại chỗ thì dịch bệnh bùng phát khiến bà phải xoay sở học hỏi cách bán hàng qua ứng dụng để shipper đi giao. Cũng từ đây, bà biết được có tình trạng khách bom hàng khi nghe shipper than thở.
"Cậu ấy vừa bị bom 2 hộp cơm gà, số tiền bằng cả nửa ngày làm việc. Shipper thu nhập không cao, họ đâu có nhu cầu ăn cơm đắt như thế nhưng không bán được cho ai nên 'bấm bụng' mà ăn", bà Hà nhớ lại.
Thấy vậy, người phụ nữ ngỏ ý mua lại hộp cơm để hỗ trợ anh shipper. Kể từ đó, bà bảo con gái đi in tấm bảng đặt ở cửa để shipper yên tâm khi đến quán của bà Hà nhận đơn.
Vì căn nhà đi thuê chật chội, nhiều người ra vào nên hiện tại tấm bảng đã bị gỡ ra. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn nhắc shipper nếu có bị bom hàng thì đừng ngại mang đến trả lại.
Tuy buôn bán đồ ăn vặt không lời nhiều, nhưng bà vẫn mua những chai nước ngọt lớn để sẵn dùng mời shipper trong khi họ chờ bà chuẩn bị đơn hàng. Mấy tháng gần đây, quán của bà Hà vắng khách, có hôm chỉ bán được 1 - 2 đơn. Đồ ăn mua về bán nhiều lần phải đổ bỏ nên hụt vốn. Hết tiền, bà không mời shipper nước ngọt nữa mà thay vào trà đá, ai có mang theo bình nước, bà Hà cũng cho bình nước đá đầy để họ mang theo uống.
"Tôi không có nhiều tiền và thời gian để đi làm từ thiện nên cứ coi như việc làm nhỏ này của tôi cũng giúp được mọi người phần nào đó", bà Hà tâm niệm.