Quái vật hồ Loch Ness - Kho chuyện không bao giờ kể hết (2)

Giống những con "quái vật" ở một số hồ khác, từ lâu, Nessie đã trở thành đối tượng săn bắt. Năm 1975, qua phân tích những bức ảnh chụp được, một nhóm các nhà khoa học khẳng định: "Chắc chắn trong hồ Loch Ness có một loại động vật thủy sinh khổng lồ chưa rõ loài đang sinh sống".

2. Những giả thiết về Nessie

Một con Nessie mô phỏng được đặt ven hồ Loch Ness

Một con Nessie mô phỏng được đặt ven hồ Loch Ness

Ngay sau đó, Anh và Mỹ đã phối hợp tổ chức một chiến dịch săn bắt Nessie quy mô lớn. Hơn 20 chiếc tàu được huy động để kéo những tấm lưới giăng ngang, quét dọc hồ Loch Ness. Kết quả lại không như mong muốn. Nessie vẫn nhởn nhơ ngoài mành lưới.

Quả thật, để bắt được Nessie không phải chuyện dễ. Đáy hồ Loch Ness địa hình rất phức tạp, có nhiều hang động lớn. Chỉ cần thấy động, Nessie chui vào đó thì không chỉ lưới mà cả máy quét điện tử cũng không thể phát hiện ra. Đó là chưa tính tới việc hồ Loch Ness ăn thông với biển, nên Nessie hoàn toàn có thể trốn ra ngoài biển một thời gian, thấy yên lại vào và đáy hồ Loch Ness có một lượng lớn than bùn (dày hàng mét) khiến cho tầm nhìn của các loại camera gần như bằng không. Trong khi chưa xác định được Nessie thuộc loại động vật nào và chưa bắt được một con Nessie nào để làm chứng, cuộc tranh luận về con "thủy quái" trứ danh này vẫn không dứt. Dưới đây là một số giả thiết chính về Nessie:
 
"Quái vật" hồ Loch Ness là hậu duệ của loài xà long cổ đại (thằn lằn đầu rắn)?
 
Giả thiết này bắt nguồn từ việc các nhà khoa học Anh phát hiện hóa thạch 150 triệu năm tuổi của loài xà long cổ đại, bên bờ hồ Loch Ness. Điều đó có nghĩa loài xà long cổ đại - một loại động vật thủy sinh lớn là bà con xa của khủng long, được mệnh danh là bá vương trên biển vào đại Trung sinh, từng sống bên hồ Loch Ness ở kỷ Giura. Kết hợp với việc phân tích những bức ảnh chụp Nessie, người ta thấy giữa loài xà long cổ đại và Nessie có khá nhiều điểm giống nhau, nhất là ở chiếc đầu rắn, cổ dài, thân to rộng, răng sắc nhọn. Nhưng vấn đề đặt ra là loài khủng long đều đã tuyệt diệt sau khi trái đất bị một tiểu hành tinh va phải cách đây khoảng 65 triệu năm. Liệu loài xà long cổ đại đó đã tồn tại được tới ngày nay bất chấp những biến đổi khắc nghiệt của thời tiết khí hậu? Câu hỏi này hiện vẫn chưa có sự trả lời thấu đáo.

Quái vật hồ Loch Ness trong bức ảnh của bác sĩ Robert Kenneth Wilson công bố năm 1934

"Quái vật" hồ Loch Ness trong bức ảnh của bác sĩ Robert Kenneth Wilson công bố năm 1934

"Quái vật" hồ Loch Ness chẳng qua là loài thông cổ đại?
 
Khi những nỗ lực tóm được một con Nessie thất bại, quan điểm cho rằng hồ Loch Ness không có "quái vật" lại có dịp nổi lên. Theo một kĩ sư về hưu người Anh, cái gọi là "thủy quái" hồ Loch Ness chẳng qua là loài thông cổ đại. Bởi hơn một vạn năm trước, xung quanh hồ Loch Ness xanh ngắt một màu thông. Sau khi thời kỳ băng giá kết thúc, nước trong hồ Loch Ness dâng lên, nhấn chìm những cánh rừng thông xuống đáy. Những cây thông thỉnh thoảng nổi lên, nhìn từ xa giống phần cổ và thân của con "quái vật". Tuy nhiên, những bức ảnh, đoạn phim ghi lại hình ảnh Nessie sau này dường như đã chống lại giả thiết trên.
 
"Quái vật" hồ Loch Ness là loài cá trèn trăm năm tuổi?

Cá trèn - loài động vật dưới nước bị nghi là cùng loại với Nessie

Cá trèn - loài động vật dưới nước bị nghi là cùng loại với Nessie

Đây là giả thiết của Friman. Nhà khoa học này cho rằng, trong hồ Loch Ness hiện có ít nhất vài con cá trèn đã sống được khoảng 100 năm. Thông thường, khi lên 10 tuổi, những con cá trèn này ở hồ Loch Ness bơi ra biển tới bang Florida (Mỹ) để đẻ trứng, sau đó chết ở đây. Nhưng có một số con cá trèn thuộc loại "thái giám", do không thể sinh sản được, nên không thể mạo hiểm bơi ra biển, đành lưu lại hồ Loch Ness, càng ngày càng lớn, cuối cùng biến thành "thủy quái", giống như những gì nhiều người nhìn thấy.
 
"Quái vật" hồ Loch Ness là kiệt tác của ông chủ đoàn xiếc Bertram Mills?

Giả thiết này do chuyên gia nghiên cứu khủng long, sinh vật học cổ đại của Anh, Nil Clark đưa ra. Theo Clark, ảnh chụp Nessie vào những năm 1930 thực chất là chụp một con voi thuộc đoàn xiếc của Bertram Mills đang bơi. Cái cổ dài của Nessie trên thực tế là chiếc vòi voi. Khi xem voi tắm, ông chủ Mills đã liên tưởng tới Nessie và vạch ra kế hoạch đánh bóng tên tuổi đoàn xiếc. Đó chính là lý do ông Mills đã treo giải thưởng ngất trời dành cho ai bắt được Nessie. Quả thực, sau đó, tên đoàn xiếc Bertram Mills đã được cả thế giới biết đến. Tuy nhiên, nếu đúng là vậy thì những lần xuất hiện sau này của Nessie sẽ phải giải thích ra sao, nhất là sau khi ông Mills qua đời (năm 1938)?
 
Theo Nam Khánh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm