Phụ nữ là để yêu, không phải để đánh
Lâu nay, người ta vẫn quan niệm, nạn nhân của các vụ bạo hành thường rơi vào những phụ nữ bình thường, còn các cô hoa hậu, người đẹp thì ai nỡ mắng chửi chứ nói gì đến bị đánh. Vậy nhưng, thực tế thì phụ nữ bị bạo hành không phụ thuộc vào việc họ là ai, xinh hay xấu...
Người đẹp bị đánh do chồng quá ghen
Xinh đẹp, tài năng, nhẹ nhàng duyên dáng, nữ hoàng màn ảnh Thanh Lan từng là người đẹp vạn người mê và ao ước được lấy làm vợ. Nhưng rồi số phận đưa đẩy hay do mù quáng trong tình yêu, Thanh Lan đã nhanh chóng kết hôn với một thiếu gia nhà giàu khi mới 18 tuổi. Khi yêu, Thanh Lan được công tử nhà giàu này vô cùng nâng niu chiều chuộng, nhưng khi lấy về thì coi cô như món đồ sở hữu. Những cuộc gặp gỡ, công việc của Thanh Lan bị kiểm soát vì chồng cô là người quá ghen tuông, không chỉ ngoài đời mà còn cả trên phim ảnh. Không chịu được nổi những trận đòn, Thanh Lan phải ôm con về nhà và đâm đơn ra tòa xin ly hôn.
Hoa hậu Diễm Hương, người mẫu Dương Yến Ngọc, người mẫu Ngọc Thúy cũng nằm trong danh sách người đẹp từng lên báo tố cáo bị chồng đại gia bạo hành. Dù câu chuyện, hoàn cảnh dẫn đến kết cục này của mỗi người có nhiều uẩn khúc, nhưng dường như họ cùng có một điểm chung là chồng khá ghen. Trong khi đó, đặc thù nghề nghiệp của các người đẹp phải thường xuyên tiếp xúc với những người đàn ông thành đạt, nổi tiếng. Vì tính chất công việc cũng có mà vì hâm mộ, có cảm tình với các người đẹp cũng có. Phải chăng những người chồng của các người đẹp vốn là đại gia, không lạ gì môi trường này nên lúc nào cũng có suy nghĩ “đi dép trong bụng người khác”?
Năm 2012, nhà văn Trang Hạ được mời làm truyền thông cho một Tổ chức phi chính phủ về phòng, chống nạn bạo hành gia đình. Khi đó, chị đã đưa ra ý tưởng mời các cô chân dài mặc thật đẹp, đứng ở các ngã tư đường, chờ có đèn đỏ là cầm tấm biển “Em là để yêu, xin đừng đánh em” đi qua. Lý do chọn các người đẹp được nhà văn Trang Hạ lý giải: “Nếu là một cô bán rau bị đánh thì chắc chẳng ai quan tâm, nhưng nếu đó là một cô chân dài, xinh đẹp mà bị đánh thì sẽ tạo được sự dung lắc trong xã hội về vấn nạn bạo hành. Nhưng rồi sau đó, họ sợ vi phạm luật giao thông, lo ngại liệu xã hội có thực sự quan tâm đến không hay nghĩ đây là chiêu lăng xê rẻ tiền. Hoặc nghi ngờ tính hiệu quả của dự án, rằng: “Em cứ đẹp như thế kia thì ai đánh em, chỉ có các mụ vợ ở nhà lắm điều mới bị chứ?”. Cho nên ý tưởng đó đã không được thực hiện. Nhưng rồi việc các người đẹp bị bạo hành vẫn xuất hiện trên báo đã cho thấy, họ đang diễn vai truyền thông xã hội trong cuộc đời thực của họ. Một sự trùng hợp hết sức trớ trêu”.
Tuy nhiên, để khái quát thành một hiện tượng mang tính quy luật kiểu “người đẹp và đại gia khó hạnh phúc vì sự khác biệt về quan điểm, công việc” thì nhà văn Trang Hạ cho là rất khó chính xác. “Đó là câu chuyện xảy ra ở bất cứ tầng lớp nào, từ anh phụ hồ cho đến những ông chồng tri thức đầy mình vẫn đánh vợ như thường. Dù đó là ai thì khi đã yêu hay chung sống cũng đều rơi vào vòng xoáy tình-tiền. Điều khiến tôi ngạc nhiên không phải họ là ai mà ở chỗ, khi các nạn nhân bị bạo hành, họ không có thói quen gọi luật sư, cảnh sát hay mở luật phòng, chống bạo lực gia đình ra để nghiên cứu mà bảo vệ bản thân. Nếu đi kèm với phân chia tài sản thì may ra họ mới làm đơn tố cáo lên công an, tòa án. Còn nếu không, hành động của họ chỉ dừng lại ở việc tố trên Facebook hoặc cùng lắm là nói với báo chí”, nhà văn Trang Hạ nói.
Chỉ sắc đẹp thì khó hợp với đại gia
Ở góc nhìn tâm lý học, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý phân tích rằng, một mối quan hệ hôn nhân trục trặc là điều xảy đến với bất kỳ ai, nhưng với những quan hệ người đẹp-đại gia chóng vánh đường ai nấy đi thì nó cũng có những căn nguyên cơ bản: Do đặc thù công việc khiến họ có những điểm vênh nhất định về quan niệm, lối sống. Các người đẹp vốn quen được chiều chuộng, sống hào nhoáng nên phải là đàn ông có tiền mới đủ điều kiện chiều được họ. Họ vẫn đến với nhau bằng tình yêu, nhưng trong quá trình chung sống, người đẹp luôn muốn được chồng chiều chuộng như những ngày đầu, nhưng người đàn ông thì không thể. Là người làm kinh doanh, tiền với họ chính là mồ hôi, là nước mắt nên không thể cứ mãi rộng rãi chiều theo sở thích như trước, thành ra người đẹp sẽ bị vỡ mộng về các “đại gia”. Hay chỉ đơn giản như chuyện họ muốn chồng mình xuất hiện trong các sự kiện, tiệc tùng, nhưng bản thân người làm kinh doanh lúc nào cũng bận rộn. Đi không đi được, nhưng lại nghi ngờ các buổi gặp gỡ của người đẹp.
Theo bà Quý, đại gia cũng cần một người vợ không chỉ đẹp mà còn phải hiểu biết, có thể chia sẻ được những nỗi buồn trong công việc với mình. Nhưng các người đẹp thì công bằng mà nói, họ có sắc đẹp, nhưng đó là do trời cho, còn trình độ thì khó có thể trở thành điểm tựa cho chồng. Cái này không phải do họ kém, mà do đặc thù nghề nghiệp khiến hai lĩnh vực này có nhiều điểm vênh nhau trong cuộc sống. Nếu để có mối quan hệ bền vững ở đây thì bản thân người đẹp đó phải có nhiều thứ “cao” và “dài” nữa chứ không chỉ ở mỗi đôi chân và số đo hình thể.
Theo Minh Nhật
Gia đình & Xã hội