Phu nhân Phó Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi cam kết về bình đẳng giới
(Dân trí) - Trên biểu tượng bàn tay xóa bỏ bạo lực về giới tại Học viện Phụ nữ, phu nhân ngài Paul Mashatile, Phó Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi thể hiện cam kết ủng hộ, nỗ lực vì bình đẳng cho phụ nữ.
Chiều 13/12, Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp đón bà Humile Mashatile, phu nhân ngài Paul Mashatile, Phó Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi cùng phái đoàn đến thăm và làm việc. Bà Humile Mashatile bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, bồi dưỡng của Học viện.
Đặc biệt, hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11 đến 15/12), phu nhân và cộng sự cùng ghi khẩu hiệu, lời chúc lên biểu tượng bàn tay xóa bỏ bạo lực tại khu vực triển lãm của Học viện.
Trên biểu tượng, bà thể hiện cam kết ủng hộ, nỗ lực vì một tương lai bình đẳng cho phụ nữ: We continue to strive to ensure the equal opportunities for women! (Chúng tôi tiếp tục nỗ lực để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ).
Tại lễ tiếp đón, PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ về triết lý giáo dục toàn diện, chất lượng và bình đẳng của Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Ông cũng chia sẻ những thông tin để phu nhân hình dung rõ hơn về mô hình giáo dục ưu việt, hướng tới sự phát triển toàn diện, của tất cả sinh viên, hướng tới sự thúc đẩy bình đẳng trong cộng đồng xã hội.
Không chỉ vậy, PGS.TS Trần Quang Tiến cũng cho biết, sự khác biệt lớn nhất của đơn vị này với các trường đại học khác, luôn đặt mục tiêu bình đẳng lên hàng đầu.
Học viện lồng ghép kiến thức về bình đẳng giới trong các chương trình đào tạo. Sinh viên của Học viện có nền tảng về kiến thức giới và sẽ đóng vai trò là những cá nhân tiên phong về vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới, bình đẳng giữa mọi đối tượng trong cộng đồng xã hội.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, trải qua 10 năm thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói riêng.
Với nỗ lực của Chính phủ và ngành giáo dục, Việt Nam cơ bản đã xóa bỏ bất bình đẳng giới trong giáo dục ở các cấp học; khoảng cách học vấn giữa phụ nữ và nam giới ngày càng được thu hẹp; tỷ lệ biết chữ cao; chất lượng giáo dục được cải thiện và đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và chất lượng giáo dục vẫn tồn tại giữa các nhóm dân tộc và giữa các khu vực địa lý; khuôn mẫu giới vẫn còn.