Phía sau con đường đến World Cup của "người hùng tóc ngắn" Bích Thùy

Quốc Triều

(Dân trí) - "Là một người mẹ, thật lòng cô không muốn Thùy theo con đường bóng đá. Chỉ mong Thùy trở về bên mình như ngày xưa. Có điều, Thùy bây giờ không phải của riêng cô, nó còn nhiệm vụ với đất nước".

Bàn thắng của cầu thủ Nguyễn Thị Bích Thùy vào lưới tuyển Đài Loan (Trung Quốc) giúp tuyển nữ Việt Nam lần đầu đặt chân đến đấu trường World Cup. Chiến thắng này đã tạo nên cơn "địa chấn" ở khu vực Đông Nam Á.

Sau thành tích lịch sử, Bích Thùy và đồng đội đã được người hâm mộ vinh danh. Nhiều mỹ từ như "người hùng", "bông hồng thép" được dành cho cầu thủ mang áo số 23. Thế nhưng, đằng sau vinh quang luôn là những giọt nước mắt. Bích Thùy phải mất 14 năm cố gắng không mệt mỏi, cả những hy sinh để biến ước mơ thành hiện thực.

Phía sau con đường đến World Cup của người hùng tóc ngắn Bích Thùy - 1

Bàn thắng của Bích Thùy vào lưới tuyển Đài Loan (Trung Quốc) giúp tuyển nữ Việt Nam lần đầu đặt chân vào đấu trường World Cup.

 Những hy sinh thầm lặng

Ngày xưa tóc Thùy dài lắm, còn bây giờ em nó khác nhiều, tất cả cũng vì hy sinh cho bóng đá, bà Trần Thị Thuyền - mẹ cầu thủ Bích Thùy, mở đầu câu chuyện với PV Dân trí. Dù được gọi là "người hùng", "bông hồng thép", nhưng trong mắt bà Thuyền, Bích Thùy vẫn luôn là cô con gái nhỏ.

Hai tuổi, Bích Thùy đã rời xa vòng tay ba mẹ. Nhà nghèo, bà Thuyền cùng chồng rời vùng quê Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) vào TPHCM mưu sinh. Ba anh em Thùy được ông bà nội chăm sóc.

Ngay từ nhỏ, Thùy và chị gái đã bộc lộ năng khiếu thể thao. Mới đầu, cả 2 được cho học võ. Sau một thời gian, chỉ còn chị gái theo nghiệp võ, Bích Thùy chuyển sang mê mẩn với trái bóng tròn. Niềm đam mê đó là động lực để Bích Thùy rời gia đình vào TPHCM tập luyện khi mới 14 tuổi.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi, Bích Thùy đã trở thành một trụ cột của đội tuyển bóng đá nữ TPHCM, sau đó là tuyển nữ Việt Nam. Những thành công bước đầu trong sự nghiệp "quần đùi, áo số" của Bích Thùy là niềm vui cho cả gia đình, nhất là người cha. Ông luôn hãnh diện vì có cô con gái được mọi người khen đá bóng giỏi. Thế nhưng, ông không thể đợi được đến lúc con gái cùng đồng đội làm nên kỳ tích.

Đầu tháng 1/2016, bệnh tình ông trở nặng. Đó là thời điểm Bích Thùy chuẩn bị sang Trung Quốc thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia. Được về thăm cha, Thùy khóc ngất. Cô không đành bỏ cha trong lúc này. Thế nhưng, người cha một đời hy sinh vì con đã dùng chút sức lực cuối cùng động viên cô lên đường cùng đội tuyển. Ông hứa sẽ đợi Thùy mang chiến thắng trở về.

"Ông ấy nắm lấy tay Thùy và bảo: Con cứ đi, ba sẽ đợi con mang chiến thắng trở về," bà Thuyền nhớ lại. Vậy mà, chỉ 2 ngày sau, khi Thùy cùng đồng đội đang thi đấu, ông đã trút hơi thở cuối cùng. Sau trận đấu, Thùy mới nhận được hung tin, cô đành bái vọng cha từ phương xa.

Phía sau con đường đến World Cup của người hùng tóc ngắn Bích Thùy - 2

Bích Thùy được người hâm mộ vinh danh, nhưng sâu thẳm trong lòng người mẹ là nỗi xót xa vì thương cô con gái nhỏ.

Chị gái của Thùy - Nguyễn Thị Thẩm cũng là một vận động viên chuyên nghiệp môn boxing. Ngày trước, cả 2 chị em đều có những bến đỗ đầy hứa hẹn để phát triển tài năng. Nhưng vì hoàn cảnh, lúc đó chỉ được chọn một. Thẩm đã lùi lại nhường cơ hội cho em.

Là một vận động viên từng đạt nhiều giải cao cấp quốc gia, Thẩm hiểu hơn ai hết những thiệt thòi của vận động viên nữ. Dù vậy, cô luôn động viên mẹ ủng hộ ước mơ của em.

"Ba và nội là những người nó yêu thương nhất, nhưng nó không thể về chịu tang. Ngày em lấy chồng, nó cũng ở xa. Thùy phải đánh đổi quá nhiều, nhưng đã theo nghiệp này phải chấp nhận", Thẩm chia sẻ.

Phía sau con đường đến World Cup của người hùng tóc ngắn Bích Thùy - 3

Khoảng thời gian vui vẻ hiếm hoi của Bích Thùy và mẹ (Ảnh: NVCC)

Trong câu chuyện về thành công của Bích Thùy, gia đình thường nhắc đến người thầy đầu tiên. Anh Trương Đức Dũng - giáo viên trường THCS Hành Thuận - là người đã đưa Thùy đến với con đường bóng đá chuyên nghiệp.

Đó là cô gái đầy nghị lực, anh Dũng nói về Bích Thùy. Là người được đào tạo chuyên sâu về bóng đá, anh Dũng nhìn được ngay Bích Thùy có tố chất của một cầu thủ chuyên nghiệp.

Dù là người xa lạ, nhưng với niềm đam mê bóng đá, anh Dũng không muốn Bích Thùy chỉ ghi bàn trên sân bóng của trường. Bằng nỗ lực cá nhân, anh Trương Đức Dũng đã thuyết phục gia đình, kết nối với người quen giúp Thùy thi tuyển vào đội nữ TPHCM. Nỗ lực của 14 năm trước đã giúp tạo nên một "bông hồng thép" cho tuyển nữ Việt Nam.

"Thể trạng nhỏ bé, nhưng bằng sự nỗ lực, Thùy đã trở thành cầu thủ xuất sắc. Tố chất chỉ là nền tảng cơ bản ban đầu, điều quan trọng nhất là nỗ lực không mệt mỏi đã giúp Bích Thùy thành công", anh Dũng chia sẻ.

Nỗi lòng người mẹ!

Con gái thành công, là người mẹ, bà Thuyền vui hơn ai hết. Bà bảo đã khóc rất nhiều khi Bích Thùy thành công. Nhưng cũng có những giọt nước mắt bà đành giấu vào lòng.

Có lần, qua điện thoại bà đã quát lên: "Về đi, mẹ nuôi. Không đá bóng nữa". Đó là lần Bích Thùy dính chấn thương nặng ở gối. Mỗi lần chứng kiến Thùy va chạm trên sân bóng, lòng người mẹ như thắt lại.

Khi tuyển nữ Việt Nam ra sân, nhà bà Thuyền có rất đông người đến cổ vũ. Căn nhà nhỏ như vỡ tung mỗi khi Bích Thùy và đồng đội ghi bàn. Bà Thuyền cũng hòa vào niềm vui chung đó. Nhưng có lúc, bà thất thần quay đi, không dám nhìn khi con gái đau đớn nằm trên sân cỏ.

"Thấy nó và đồng đội chiến thắng mà khóc vì mừng. Nhưng thấy nó đau, rồi mỗi lần nhớ nó cô lại khóc. Hạnh phúc cũng khóc, thương cũng khóc đến nỗi mọi người không muốn cho cô xem nó thi đấu", bà Thuyền nói.

Phía sau con đường đến World Cup của người hùng tóc ngắn Bích Thùy - 4

Bà Thuyền nâng niu từng phần thưởng Bích Thùy đạt được cho vơi đi nỗi nhớ con.

Tết đến, bà Thuyền cũng mua hoa, cũng chăm chút nhà cửa mong được sum vầy với con cháu. Nhưng Tết này, Thùy không về. Nhìn bạn bè cùng trang lứa với con vui vẻ bên gia đình, nỗi buồn lại ập đến.

Bóng đá nữ, đằng sau vinh quang là sự thiệt thòi quá nhiều. Bà lo, thanh xuân người con gái trôi qua rất nhanh. Với Thùy, quãng thời gian tươi đẹp đó cô đã dành trọn cho sự nghiệp "quần đùi, áo số".

14 năm là quãng thời gian kể từ cái ngày bà Thuyền bị thuyết phục để gật đầu cho Bích Thùy rời gia đình vào TPHCM. Trong quãng thời gian đó, cô gái nhỏ của bà đã kịp ghi danh vào nền bóng đá nữ Việt Nam. Nhưng là một người mẹ, có lúc bà Thuyền vẫn cảm thấy nuối tiếc vì quyết định của mình lúc đó.

"Là một người mẹ, thật lòng cô không muốn Thùy theo con đường bóng đá. Chỉ mong Thùy trở về bên mình như ngày xưa. Có điều, Thùy bây giờ không phải của riêng cô, con gái còn nhiệm vụ với đất nước", bà Thuyền nói khẽ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm