Phi công may mắn nhất thế giới, thoát chết sau 11 vụ tai nạn máy bay

(Dân trí) - Một phi công đã về hưu người Brazil nhận mình là “phi công may mắn nhất thế giới” khi đã gặp phải 11 vụ tai nạn khác nhau trong thời gian vẫn đang cầm lái những chiếc máy bay, trong đó có nhiều vụ rơi xuống rừng rậm Amazon, nhưng cuối cùng vẫn sống sót.

Clinger Borges do Vale, một phi công đã về hưu, từng dành ra khoảng thời gian 4 thập kỷ để điều khiển máy bay vận chuyển những thợ mỏ vàng trái phép và gái mại dâm khắp các khu rừng rậm ở Brazil.

Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Itaituba, nằm sâu trong những khu rừng ở trung tâm Brazil, những đứa trẻ ở đó chỉ có 2 lựa chọn nghề nghiệp: trở thành một thợ khai thác vàng trái phép hoặc trở thành phi công lái máy bay để vận chuyển những người khai thác vàng trái phép khắp rừng rậm Amazon.

Clinger Borges do Vale trên một chiếc máy bay do mình điều khiển để chở các thợ mỏ trái phép và gái mại dâm vào rừng
Clinger Borges do Vale trên một chiếc máy bay do mình điều khiển để chở các thợ mỏ trái phép và gái mại dâm vào rừng

Cuối cùng Clinger và 6 anh chị em của mình đã quyết định lựa chọn trở thành phi công vì cuộc sống khá giả hơn và ít gặp nguy hiểm hơn so với nghề khai thác vàng. Clinger đã trở thành một trong số hàng ngàn phi công điều khiển máy bay để chở các thợ mỏ trái phép, gái mại dâm và nhiều thiết bị khác từ sân bay thành phố Itaituba vào các mỏ vàng bất hợp pháp nằm sâu trong rừng.

Trong suốt 40 năm làm nghề phi công, Clinger đã bay vào và ra sân bay Itaituba - được xếp loại là một trong 10 sân bay nguy hiểm nhất thế giới, hàng trăm lần, sau đó lại phải điều khiển chiếc máy bay cỡ nhỏ xuống những đường băng tạm thời trong rừng cây, hay thậm chí đáp xuống những sườn đồi dài mà hầu như không được dọn dẹp trước.

Một đường băng tạm được dựng nên trong rừng để máy bay có thể hạ cánh
Một đường băng tạm được dựng nên trong rừng để máy bay có thể hạ cánh

Dĩ nhiên, với điều kiện khó khăn như vậy, việc gặp tai nạn máy bay là điều không thể tránh khỏi và bản thân Clinger đã gặp phải 11 vụ tai nạn máy bay trong suốt sự nghiệp cầm lái của mình. Clinger đã mất 2 hành khách và 3 người anh em của mình trong những vụ tai nạn đó.

Anh trai cả của Clinger cũng đã chết sau một vụ tai nạn máy bay do anh này cầm lái từ cách đây 40 năm, còn em út cũng đã chết sau một vụ tai nạn máy bay khác vào tháng 12 năm ngoái.

“Không nghi ngờ gì nữa, đây là nơi nguy hiểm nhất để bay”, Clinger chia sẻ. “Tôi đã mất rất nhiều bạn bè và người thân trong những vụ tai nạn máy bay. Tôi là phi công may mắn nhất thế giới”.

Clinger (phải) bây giờ đã nghỉ hưu, nhưng con cháu của ông vẫn tiếp tục theo đuổi “sự nghiệp” làm phi công
Clinger (phải) bây giờ đã nghỉ hưu, nhưng con cháu của ông vẫn tiếp tục theo đuổi “sự nghiệp” làm phi công

Mặc dù nguy hiểm, nhưng bù lại Clinger có được một nguồn thu nhập cao từ nghề phi công này, giúp ông có thể dùng tiền để tiệc tùng, mua ma túy và xe hơi đắt tiền. Dù hiện tại Clinger đã không còn tiếp tục lái máy bay vì các vấn đề về sức khỏe, tuy nhiên con trai và cháu của ông đã tiếp tục theo bước “truyền thống gia đình”, bất chấp những nguy hiểm đang phải đối mặt.

Hiện tại chính phủ đang nỗ lực ngăn chặn những mỏ khai thác vàng trái phép, tuy nhiên các chuyến bay trái phép liên quan đến các mỏ vàng lậu vẫn chiếm đến 80% các chuyến bay từ sân bay Itaituba.

T.Thủy
Theo DM/Guardian

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm