Phát hiện nhiều loài sinh vật quý hiếm, kỳ lạ tại Việt Nam

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), kể từ năm 2012, các nhà khoa học đã phát hiện được 367 loài mới tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

 

Loài dơi Grifin mũi lá. (Nguồn: AFP)
Loài dơi Grifin mũi lá. (Nguồn: AFP)

Trong số này các loài mới được phát hiện có 24 loài cá, 21 loài lưỡng cư, 28 loài bò sát, 1 loài chim và 3 loài động vật có vú.

Tại Việt Nam, các nhà khoa học đã phát hiện ra một số loài rất đặc biệt như loài ếch bay Helen (Rhacophorus helenae), được phát hiện cách Thành phố Hồ Chí Minh chưa tới 100km.

Bên cạnh đó, còn có loài dơi Grifin (Hipposideros griffin) với chiếc mũi thịt kỳ cục hay một loài cá có cơ quan sinh sản ngay ở miệng.

Khu vực Mekong mở rộng trải dài từ Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, đến Việt Nam và bao gồm cả phía Tây Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Kể từ năm 1997, đã có 2077 loài mới được các nhà khoa học phát hiện tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Cũng theo báo cáo của WWF, do sự phát triển không bền vững và việc săn bắn ngày càng tăng, các loài mới phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
 
Một con cá nóc lạ được tìm thấy ở Thái Lan. (Nguồn: AFP)
Một con cá nóc lạ được tìm thấy ở Thái Lan. (Nguồn: AFP)
 
Theo Huy Đồng
Vietnam+