Phân bổ ngân sách cứu sinh mạng trẻ em khỏi đuối nước, việc cần làm ngay
(Dân trí) - Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, công tác phòng chống đuối nước cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ chính quyền các địa phương. Không phân bổ nguồn lực mà mong tử vong do đuối nước giảm là rất khó.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, cứu sinh mạng trẻ em phải là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước ở trẻ em chưa được nhiều địa phương quan tâm đúng mức, có tỉnh thậm chí không phân bổ ngân sách cho hoạt động này.
Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đặng Hoa Nam bày tỏ trăn trở khi vừa qua, tại Tam Nông, Phú Thọ, xảy ra vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 5 trẻ em đang tuổi ăn tuổi lớn.
Vẫn có địa phương không phân bổ ngân sách cho phòng, chống đuối nước
Vụ 5 học sinh THCS ở Phú Thọ thiệt mạng khi chơi tại bãi cát sông Hồng khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Khi nghe những thông tin này, cảm xúc của ông ra sao?
- Không riêng tôi, có lẽ bất cứ ai khi đọc thông tin về vụ việc này cũng cảm thấy xót xa. Vụ việc khiến tôi nhớ lại tai nạn đuối nước cách đây 5 năm tại phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình, 8 cháu bé đã tử vong trên dòng sông Đà.
Ngay trong đêm, tôi cùng đoàn công tác của Cục Trẻ em đã về thăm hỏi các gia đình, thắp tâm nhang cho các cháu. Chúng tôi lặng người khi chứng kiến không khí tang thương trong con ngõ nhỏ. Đoạn đường chưa đầy 500m mà có tới 8 đám tang, có nơi 2 đám tang chỉ cách nhau vách tường rào.
Mỗi lần đến thăm các gia đình có trẻ tử vong do đuối nước, cùng với việc chia sẻ nỗi đau, tôi luôn tìm hiểu về hoàn cảnh, môi trường sống và nguyên nhân khiến trẻ tử vong.
Khi xảy ra đuối nước, người đứng đầu chính quyền địa phương và các ban ngành, thường đến thăm hỏi gia đình các nạn nhân. Đó là hành động sẻ chia đáng ghi nhận.
Song tôi mong rằng, sau mỗi tai nạn và sinh mạng của trẻ bị đuối nước cướp đi, chính quyền địa phương, các ban ngành có liên quan phải nhìn thẳng vào vấn đề, phân tích rõ nguyên nhân, xác định những gì cần phải làm ngay trước mắt và lâu dài để không lặp lại những vụ việc tương tự, để phòng, chống hiệu quả tai nạn đuối nước trẻ em.
Cục Trẻ em đã nhiều lần gửi công văn cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh yêu cầu báo cáo kịp thời về các vụ đuối nước tại địa phương. Bên cạnh đó, các sở cần đánh giá nguyên nhân, lập tức đưa ra giải pháp khắc phục hạn chế để không lặp lại các vụ việc, trước hết ở ngay địa bàn xảy ra tai nạn và những địa bàn có nguy cơ đuối nước cao.
Chẳng hạn, bổ sung biển báo cho các khu vực nước sâu, nguy hiểm; phân công cảnh giới ở những khu vực nguy hiểm vào mùa hè và thời gian cao điểm xảy ra đuối nước, đầu tư xây dựng bể bơi, tổ chức các lớp học bơi an toàn, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước ở những vùng nguy cơ cao xảy ra đuối nước…
Tuy nhiên, vẫn còn địa phương khi gửi báo cáo chưa xác định được lộ trình, giải pháp, hành động cụ thể.
Việt Nam hiện vẫn là quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở mức cao. Đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 16 tuổi. Ông nghĩ sao về con số này? Theo ông nguyên nhân của việc này đến từ đâu?
- Việt Nam đứng thứ 7 ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương về tử vong do đuối nước. Tỷ lệ này ở Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Tử vong do đuối nước xảy ra trong khu vực cộng đồng (ao, hồ, sông suối) là 76,6%, trong gia đình là 22,4%. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ tử vong do đuối nước chỉ do người lớn thiếu giám sát. Trẻ mất mạng thậm chí chỉ vì bị ngã, ngụp vào xô, chậu nước trong nhà.
Gần đây, số vụ đuối nước gia tăng trở lại ở một số địa phương. Ví dụ ở Đắk Nông, nhiều trẻ nhỏ tử vong ngay tại vườn nhà khi gia đình phát triển quy mô trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, buộc phải đào các hố trữ nước trong vườn để tưới cây.
Tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam những năm qua có xu hướng giảm. Năm 2010, số trẻ tử vong do đuối nước ở Việt Nam là 3.300 trẻ. Năm 2016, con số này giảm xuống còn 2.350 và năm 2023 là 1.800 em.
Mỗi năm đã kéo giảm từ 3% đến 5% số vụ trẻ em tử vong do đuối nước, tương ứng với khoảng 100 sinh mạng trẻ được cứu sống. Tuy vậy, trẻ em tử vong do đuối nước ở Việt Nam vẫn giảm chậm và luôn có nguy cơ tăng trở lại do nước ta rơi vào vùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bão lũ bất thường.
Tôi lo ngại, số ca tử vong do đuối nước sẽ tăng trở lại nếu địa phương không triển khai thực hiện những giải pháp, mô hình ứng phó, ngăn chặn kịp thời.
Trẻ đuối nước để lại nỗi đau, mất mát to lớn cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Thời gian qua, các biện pháp để hạn chế tình trạng đuối nước mặc dù thường xuyên được nhắc tới, nhưng dường như chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng?
Những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Thủ tướng Chính phủ có quyết định ban hành Chương trình quốc gia về phòng chống tại nạn thương tích trẻ em đến năm 2025 và 2030, trong đó có giảm thiểu đuối nước trẻ em.
Một số giải pháp, mô hình can thiệp, giảm thiểu tử vong do đuối nước trẻ em ở Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Chính sách y tế toàn cầu của Hoa Kỳ (GHAI) đánh giá cao và cho rằng các biện pháp này có thể phổ biến cho những quốc gia có điều kiện kinh tế, xã hội tương tự Việt Nam.
Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp về phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Trẻ em… đều có công điện, công văn gửi các địa phương yêu cầu tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đặc biệt trong dịp hè.
Tuy nhiên, đến năm nay, theo thống kê nhanh, số ca tử vong do đuối nước đang có xu hướng nhích lên.
Qua phân tích chúng tôi nhận thấy, ngân sách các địa phương phân bổ cho công tác phòng, chống tai nạn thương tích nói chung và phòng, chống đuối nước nói riêng đang có xu hướng giảm.
Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn năm 2021-2030 đặt chỉ tiêu giảm 20% số ca tử vong do đuối nước ở trẻ em vào năm 2030 so với 2021.
Để đạt mục tiêu này, Cục Trẻ em và nhóm nghiên cứu của Đại học Y tế Công cộng dự toán tổng ngân sách cần chi đến năm 2025 phải đạt khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này đang quá ít ỏi.
Hiện có 30 tỉnh, thành phố có phân bổ ngân sách địa phương hàng năm (2022-2023-2024) cho công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
10 tỉnh, thành phố chỉ chi ngân sách cho 1 năm đầu của chương trình (năm 2022), thậm chí có 13 tỉnh thành không có kinh phí riêng cho công tác phòng, chống đuối nước mà lồng ghép với các công tác khác.
Một số tỉnh, thành phố có mức chi cao hơn so với các tỉnh khác đó là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, An Giang với số tiền trong khoảng từ 200 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, lại có một số tỉnh đầu tư chưa đến 40 triệu đồng cho công tác này thì rất khó để kéo tỷ lệ tử vong do đuối nước giảm.
Thống kê sơ bộ của Cục Trẻ em cho thấy, hiện tổng chi ngân sách địa phương và ngân sách trung ương cho công tác phòng chống tai nạn đuối nước giai đoạn 2021-2023 chỉ khoảng 54 tỷ đồng, trong đó 32% từ các nguồn trong nước và 68% đến từ quỹ hỗ trợ, vận động quốc tế.
So sánh con số này với mức ngân sách cần chi để đạt mục tiêu kéo giảm số ca tử vong do đuối nước xuống còn 1.400 trẻ/năm, chúng ta sẽ thấy vẫn đang là thách thức lớn.
Qua đánh giá, chúng tôi nhận thấy, những địa bàn xã có các giải pháp can thiệp, đặc biệt là triển khai mô hình dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn nước cho học sinh, trẻ em thì sau 3 đến 5 năm, tỷ lệ tử vong do đuối nước trẻ em giảm xấp xỉ một nửa.
Thiết nghĩ, để thực hiện những giải pháp căn cơ các địa phương cần chủ động phân bổ ngân sách và tổ chức thực hiện hợp lý. Hiện tại, mức chi ngân sách ở các tỉnh, thành phố không đảm bảo đạt được mục tiêu kéo giảm nhanh và bền vững tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước.
Với hơn 700.000 đồng, sinh mạng một đứa trẻ có thể không bị đe dọa
Phải chăng kinh phí dạy trẻ biết bơi và trang bị kỹ năng an toàn dưới nước quá lớn khiến nhiều địa phương gặp khó hoặc chần chừ khi triển khai công tác phòng, chống đuối nước thưa ông?
- Theo tính toán từ dự án phòng chống đuối nước trẻ em đang được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của WHO, GHAI và Quỹ từ thiện Bloomberg, kinh phí để một trẻ em được học bơi an toàn và được trang bị các kỹ năng an toàn, đạt tiêu chí bơi an toàn phòng, chống đuối nước (tự bơi được 25m và tự nổi trong 90 giây) là khoảng 700.000 đồng/trẻ.
Con số này bao gồm các chi phí về lắp đặt bể bơi, nhân công, điện nước, hướng dẫn viên dạy bơi…. Các địa phương có thể triển khai cuốn chiếu, đào tạo, trang bị cho các độ tuổi theo từng năm, mỗi năm một ít thì dần dần sẽ có hàng triệu trẻ em được bảo vệ.
Các địa phương đầu tư, triển khai các mô hình can thiệp đều có thể kéo tỷ lệ tử vong do đuối nước xuống thấp.
Điển hình là Đồng Tháp, Nghệ An. Nghệ An ban hành Nghị quyết của HĐND về lắp đặt bể bơi ở các trường học và các xã khó khăn miền núi, hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp học bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở các xã khó khăn. Đồng Tháp đã phân bổ dòng ngân sách riêng cho phòng, chống đuối nước trẻ em.
Việt Nam đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 50% trẻ 6-15 tuổi biết bơi; 60% trẻ được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước trong những năm tới. Theo ông, để đạt được mục tiêu này cũng như ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ cần có những giải pháp cụ thể nào?
- Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã chỉ rõ: "Trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển; được ưu tiên lồng ghép trong chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển quốc gia, ngành, địa phương".
Chính vì vậy, lãnh đạo các địa phương cần xem việc phòng chống, đuối nước trẻ em là một ưu tiên đặc biệt để phân bổ ngân sách cứu sinh mạng trẻ em.
Tập trung đầu tư nguồn lực cả về tài chính lẫn con người cho nhiệm vụ này cần được xem là nhiệm vụ bắt buộc trong chương trình hành động của chính quyền các địa phương chứ không phải là việc "cân nhắc" hay "đưa lên đặt xuống" bên cạnh các mục tiêu kinh tế xã hội khác.
Về giải pháp cụ thể, phòng chống tai nạn đuối nước cần chú trọng hai nhóm giải pháp. Thứ nhất, cần xây dựng môi trường sống an toàn, tăng cường truyền thông, giáo dục nhận thức về nguy cơ và yêu cầu phòng, chống đuối nước trẻ em cho cộng đồng, gia đình và chính trẻ em, học sinh.
Ngoài ra, chúng ta cần thiết lập môi trường nước an toàn: Lập rào chắn ở khu vực ao, đặt lắp đậy khu vực bể nước, đặt biển báo ở khu vực hồ nước, tổ chức cảnh giới, phân công nhiệm vụ cho các tổ chức chính trị xã hội tổ chức đội ngũ cảnh giới nhắc nhở, các khu vực biển, bể bơi cần có đội ngũ cứu hộ, tăng cường giám sát trẻ em trong mùa hè.
Và giải pháp cần tập trung ưu tiên triển khai là tăng độ bao phủ trẻ em, học sinh được học bơi phòng, chống đuối nước và học các kỹ năng an toàn nước.
Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ với Dân trí!