Con đường hoa hồng gai leo nở rộ giữa núi rừng Kỳ Sơn

Nguyễn Duy

(Dân trí) - Giữa núi rừng biên viễn của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), một con đường hoa hồng gai leo bản địa đang nở rộ, mở ra hy vọng về một miền biên giới xanh, đẹp và tràn đầy sức sống.

Trên hành trình chinh phục đỉnh Puxailaileng, nóc nhà của dãy Trường Sơn, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước một con đường hoa hồng leo cánh kép đang dần hình thành tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Đây là thành quả đầu tiên của Dự án ươm mầm Kỳ Sơn, một sáng kiến bảo tồn và phát triển cây bản địa do thế hệ trẻ huyện biên giới khởi xướng.

Con đường hoa hồng gai leo nở rộ giữa núi rừng Kỳ Sơn - 1

Các học sinh người Mông chụp ảnh bên con đường hoa hồng gai leo (Ảnh: Trung Kiên).

Không chỉ tạo cảnh quan, những nhành hồng gai leo, loài cây gắn bó lâu đời với người Nghệ An, đang được hồi sinh và phát triển đúng bản sắc ở vùng biên giới.

Những cây hoa hồng gai leo mềm mại, nở bung những cánh kép rực rỡ sắc hồng, tô điểm cho miền sơn cước thêm phần thi vị.

"Chúng tôi mong muốn người dân, nhất là lớp trẻ, cùng giữ gìn và nhân rộng những giá trị bản địa, vừa làm đẹp bản làng, vừa tạo sinh kế lâu dài. Cây bản địa sẽ giúp giữ đất, giữ nước và giữ hồn quê giữa miền biên ải", đại diện nhóm dự án chia sẻ.

Một cán bộ Đồn Biên phòng Na Ngoi cho biết, đơn vị đã trồng thử nghiệm 20-30m hoa hồng gai leo trước cổng đồn để trang trí cảnh quan. Thấy hiệu quả, nhiều hộ dân trong bản cũng bắt đầu trồng hoa dọc hai bên đường để làm hàng rào bảo vệ và làm đẹp cho bản làng.

Con đường hoa hồng gai leo nở rộ giữa núi rừng Kỳ Sơn - 2
Những bông hoa hồng gai leo nở màu tím khiến các em học sinh thích thú (Ảnh: Trung Kiên).

Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, bày tỏ mong muốn nhân rộng mô hình, biến những tuyến đường dẫn vào vùng lõi Puxailaileng trở thành "con đường hoa" ấn tượng, góp phần quảng bá hình ảnh vùng biên giới.

Ông kỳ vọng Đồn Biên phòng Na Ngoi sẽ phối hợp chặt chẽ với người dân, cùng với sự đồng hành từ ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, để tiếp tục lan tỏa mô hình đường hoa bản địa.

Các thầy cô, học sinh sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc trồng và chăm sóc hoa, qua đó giáo dục tình yêu thiên nhiên, gìn giữ bản sắc và vun đắp tình cảm với quê hương.

Huyện cũng vận động mở rộng diện tích trồng hoa bản địa kết hợp thêm các loài như đào rừng, hoa anh đào... nhằm tạo nên một không gian sinh thái đa dạng, giàu tính thẩm mỹ và đậm đà bản sắc vùng cao.

Con đường hoa hồng gai leo nở rộ giữa núi rừng Kỳ Sơn - 3
Một cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Ngoi hái bông hoa cài lên mái tóc học sinh chụp ảnh làm kỷ niệm mùa hoa bung nở (Ảnh: Trung Kiên).

"Chủ tịch huyện rất kỳ vọng vào việc tuyên truyền, vận động để người dân cùng tham gia, biến những con đường lên đỉnh Puxailaileng trở thành điểm đến độc đáo không chỉ về cảnh quan mà còn mang đậm nét văn hóa vùng cao", cán bộ đồn Biên phòng Na Ngoi chia sẻ.

Dự án không dừng lại ở một con đường, mà đang được nhân rộng bởi chính thế hệ trẻ vùng biên. Từ thành công bước đầu ở xã Na Ngoi, các "con đường hoa", "đồi hoa" và "bản hoa" mới sẽ tiếp tục hình thành tại các bản làng khác của huyện Kỳ Sơn.

Giữa vùng biên ải còn nhiều gian truân, nơi con người đối mặt với khắc nghiệt và thiếu thốn, một dự án tưởng chừng nhỏ bé lại lặng lẽ khơi dậy hy vọng, chứng minh rằng ở nơi tận cùng Tổ quốc, sức sống vẫn âm thầm vươn lên từ những điều gần gũi, giản dị nhất.