"Phải lòng" đất sét mẹ đảm trổ tài làm đồ chơi tí hon tặng con gái
(Dân trí) - Với sự tỉ mỉ và khéo tay, mẹ đảm Nguyễn Ánh Hồng (34 tuổi, Hà Nội) "trổ tài" làm các loại trái cây, rau củ, hay món ăn tí hon từ đất sét tặng cho con gái thu hút nhiều sự chú ý của cư dân mạng.
Biết đến bộ môn nặn đất sét tí hon qua những trang mạng xã hội rồi "phải lòng", chị Ánh Hồng tự mày mò, tham khảo các video hướng dẫn sử dụng nguyên liệu và bắt tay vào thực hiện.
Chị nói, công việc này đòi hỏi phải tỉ mỉ từng công đoạn, để làm ra các sản phẩm giống thật đến từng đường nét, chị Hồng phải ngồi hàng giờ xem hình ảnh, cảm nhận hình dáng, màu sắc của từng loại hoa quả, rau củ mà mình định làm rồi mô phỏng lại.
Theo mẹ đảm, các sản phẩm rau củ quả tí hon được chị làm bằng đất sét trắng sau đó phối màu và tạo chi tiết bằng cọ đầu nhỏ. Một sản phẩm hoàn thiện, chị mất khoảng 15-20 phút, tùy vào độ khó của sản phẩm mà thời gian hoàn thiện cũng khác nhau.
"Thời gian giãn cách vừa qua, mình có nhiều thời gian ở nhà nên đã lên ý tưởng làm một sạp rau tí hon bằng đất sét tặng con gái, giúp con không bị nhàm chán khi phải ở trong nhà nhiều ngày", chị Hồng nói.
Để làm ra những sản phẩm có kích thước nhỏ hơn 12 lần so với bản gốc, chị Hồng phải thực hiện nhiều công đoạn phức tạp như nhào đất, trộn màu, tạo hình chi tiết, vẽ màu, phủ bóng hay phủ bảo vệ.
Trong quá trình làm, chị Hồng nói khâu khó nhất là tạo chi tiết và làm màu để sản phẩm giống thật, bởi mỗi loại rau củ lại có một nét đặc trưng riêng. Vì vậy, quá trình làm phải kết hợp màu cũng như các chi tiết riêng sao cho thật nhất.
Bên cạnh đó, kích thước các loại rau của quả rất nhỏ, dễ rơi và nhanh bị khô nên khi làm phải kiên trì, không nóng vội và tập trung cao độ, tỉ mẩn đến từng chi tiết… mới có thể hoàn thiện được sản phẩm đẹp mắt.
"Nguyên liệu tạo nên những đồ vật này làm từ đất sét Nhật Bản hoặc đất sét Thái Lan thuộc dòng tự khô, loại này có ưu điểm mau khô, dễ nắn nhưng vì tính mau khô nên trong quá trình tạo hình thao tác phải nhanh tay.
Màu sử dụng là màu Winsor Newton, màu Tamiya gốc cho ra màu khá chân thực, không bị phai. Tiếp đến là tạo hình cho đồ vật, đây là khâu đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. Sau đó là dặm màu và cuối cùng là phủ một lớp bảo vệ thành phẩm", mẹ đảm chia sẻ.
Tạo hình những sản phẩm mini mang lại cảm giác thú vị cho chị Hồng, giúp chị có thêm niềm vui và rèn luyện kỹ năng kiên trì. Khi bắt tay vào làm, chị chỉ định nặn một vài sản phẩm tặng cô con gái, nhưng càng làm chị càng thấy yêu thích và dành thời gian cho bộ môn nghệ thuật này nhiều hơn.
Vốn có chút khéo tay, lại được làm quen với việc nặn, tạo khối trên kẹo đường fondant nên không khó để chị Hồng bắt đầu "bộ môn nghệ thuật" mới. Nguyên liệu tạo nên những đồ vật này làm từ đất sét Nhật Bản hoặc đất sét Thái Lan thuộc dòng tự khô.
"Tùy nhiên, để cho ra đời những sản phẩm ưng ý, mình tốn khá nhiều thời gian. Bởi, những sản phẩm này không chỉ nhỏ về kích thước, mà hình dáng, màu sắc cũng phải đạt chuẩn.
Vật có kích thức càng nhỏ thì càng khó tạo hình, chẳng hạn như củ cà rốt hay quả trứng chiên mình chỉ mất khoảng 5 - 10 phút để nặn, nhưng những sản phẩm yêu cầu độ tỉ mỉ như nải chuối hay quả thanh long phải nắn và điêu khắc để lộ rõ từng chi tiết trên vỏ, thường mình sẽ mất 20 - 30 phút, thậm chí cả giờ đồng hồ", chị Hồng cho hay.
Chia sẻ với Dân Trí, mẹ đảm 8X cho biết, nặn đất sét tí hon là bộ môn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, với chất liệu từ đất sét, bố mẹ cũng có thể cho con nhào nặn cùng, vừa rèn luyện tính kiên nhẫn, khả năng quan sát, vừa tự tay làm ra những món đồ tí hon mà con yêu thích.
"Thấy sạp rau củ quả mini làm bằng đất sét con gái mình rất bất ngờ và yêu thích, ngồi ngắm nghía mãi, mỗi lần chơi xong bé rất nâng niu giữ gìn", chị Hồng bày tỏ.
Đến nay, chị Hồng đã làm ra gần 100 mẫu sản phẩm với nhiều kiểu dáng phong phú như: nho, chuối, thanh long, cà rốt, củ cải, xu hào…
Các sản phẩm tí hon của chị Hồng sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận về nhiều lượt yêu thích, chia sẻ và bình luận. Hầu hết mọi người đều tỏ ra thích thú, trầm trồ vì sự sinh động của sản phẩm cũng như độ khéo tay của tác giả, giúp mẹ đảm có động lực để tạo ra nhiều sản phẩm hơn.