Ông lão U70 miệt mài 30 năm "bám ngựa" mưu sinh

(Dân trí) - Dẫu đã gần tuổi 70, nhưng 30 năm nay, bác Nguyễn Lưu Dung (trú ngụ tại xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) vẫn đang gắn bó với nghề đánh xe ngựa.

Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với bác Dung đầy tình cờ. Người đàn ông với nước da ngăm đen vì sương gió, nụ cười thân thiện đậm chất lính ngày nào vẫn luôn nở trên môi đã mang đến cho chúng tôi những hồi ức về cuộc chiến năm xưa, về những nỗi trầm tư sau cuộc chiến và cái nghề bám ngựa mưu sinh đầy trồi sụt nhưng cũng lắm niềm vui suốt mấy chục năm ròng.

Bác Nguyễn Lưu Dung đã có ngót 30 năm gắn bó, mưu sinh với nghề đánh xe ngựa. Vất vả, nhọc nhằn, nhưng đổi lại nhờ cái nghề ấy mà bác đã có niềm vui lớn với gia đình.
Bác Nguyễn Lưu Dung đã có ngót 30 năm gắn bó, mưu sinh với nghề đánh xe ngựa. Vất vả, nhọc nhằn, nhưng đổi lại nhờ cái nghề ấy mà bác đã có niềm vui lớn với gia đình.

Nỗi buồn thời hậu chiến

Sáng sớm nay là một ngày không lấy gì làm vui đối với bác Dung và những người hành nghề đánh xe ngựa mưu sinh như bác. Đã 9h sáng rồi, mà những chiếc xe ngựa như của bác Dũng vẫn chưa lăn bánh. Cả chủ và ngựa đang đợi khách đến thuê ở một góc tuyến đường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh. Vó ngựa chưa đánh lạch cạch trên mặt đường, nên dễ hiểu bác nào cũng trầm tư. Có thể thêm một ngày nữa bác Dung và những người bạn của mình nhẵn túi trở về nhà.

Nói thế thôi, nhưng có lẽ cũng quá quen với với những buổi sáng như thế này rồi, nên khi gặp chúng tôi, những người tuổi bậc cháu của mình, bác Dung vẫn rất ung dung. Chúng tôi như chìm đắm trong một không gian hoài niệm đầy xúc cảm của người đàn ông dày dặn kinh nghiệm và đáng ngạc nhiên khi hơn 60 xuân đi qua nhưng tinh thần của người lĩnh cũ vẫn căng tràn để sống và để mưu sinh.

Nhập ngũ từ năm 1972 thuộc Tiểu đoàn 75, Trung đoàn 285, Sư đoàn 367 và 4 năm sau đó xuất ngũ. Điều làm bác buồn lòng là trở về từ cuộc chiến, mang theo những thương tích sau cuộc chiến khốc liệt, nhưng do thất lạc giấy tờ, bác Dung không được hưởng trợ cấp thương bệnh binh. Nói ra mới biết, trong lúc cả Trung đoàn 285 tổng lực tiến vào chiến trường miền Nam đầu năm 1975 thì bác bị sốt rét nặng phải lùi lại phía sau để dưỡng thương.

“Cả Trung đoàn, đồng đội tiến về phía chiến trường, còn bác được đưa về tuyến sau. Nhìn đồng đội chiến đấu, chiến thắng bác tự hào lắm. Bác buồn là mình vì thương tích mà không được chiến đấu đến thắng lợi cùng đồng đội”, bác Dung nhớ lại.

Xuất ngũ về quê, năm tháng trôi, lòng bác Dung có phần nặng trĩu. “Cũng hơi tủi các cháu ạ! Bác xuất ngũ vì bệnh, bị thất lạc giấy tờ, không được đơn vị cấp giấy chứng nhận, nên bác không được hưởng một thứ trợ cấp gì. Chỉ có những bạn chiến đấu và những người thân quen mới hiểu sự tình, thiệt thòi của bác” - bác Dung mủi lòng tâm sự.

Rồi bác Dung chìa cánh tay và bả vai cho chúng tôi xem. Những vết thẹo in trên da thịt từ bom đạn chiến tranh vẫn còn nguyên, khó có thể phai mờ dù năm tháng đã lùi xa.

Ngã rẽ từ… con ngựa

Sau giải phóng, trở về quê, người cựu binh thành lập gia đình và làm nhà trên mảnh đất được nhà ngoại để lại. Ở thời điểm đó khó khăn bủa vây bất cứ gia đình nào. Không có đất canh tác, cặp vợ chồng trẻ phải lăn lộn làm đủ thứ nghề đề kiếm sống, từ buôn bán con gà con vịt, những mở rau vườn cho đến đi lưới chài thâu đêm suốt sáng ở những con rạch hay mương khe....

Nghề nông trăm đường vất vả không đủ miếng ăn, nên bác Dung quyết định vay vốn mua ngựa tiện nghề cày cấy, tiện nghề đánh xe. Từ đó, cái nghề tưởng chừng lênh đênh lại gắn bó như một cơ duyên mà bác xem đó là một “ kế mưu sinh” băng qua những tháng năm gian khổ.

Suốt gần 30 năm gắn bó với con ngựa để mưu sinh, bác Dung đã trải qua nhiều chát mặt của nghề.
Suốt gần 30 năm gắn bó với con ngựa để mưu sinh, bác Dung đã trải qua nhiều chát mặt của nghề.

Bác Dung kể, đã có 5 con ngựa đi qua cuộc đời bác, mỗi con có một nét riêng, nhưng điểm chung là chúng rất khỏe, rất gần gũi, thân thuộc với bác. “Còn tôi thì rất hiểu, chúng như người bạn tri kỉ, vui buồn có nhau, cho đến bây giờ bác vẫn nhớ như in những kỷ niệm với chúng”- bác Dung vuốt ve con ngựa yêu quý của mình rồi nói về những chú ngựa gắn liền với cuộc sống gia đình bác trước đó.

Rồi bác kể những ngày rong ruổi từng con ngựa để kiếm cơm nuôi gia đình. Cái nghề này không phải lúc nào cũng suôn sẻ, không chỉ tùy thuộc vào sự khôn khéo của chủ ngựa, cạnh tranh với người đánh xe ngựa khác, mà còn phụ thuộc vào thời tiết các mùa. Nhiều khi cả mùa mưa không ai thuê làm gì cả, nhưng nắng nóng lại nhận không hết việc. Khi có việc, ham hố kiếm tiền, cả chủ và ngựa không ít lần lăn ra đổ bệnh.

Những chuyện dở khóc dở cười, nhiều tủi hờn tới rơi nước mắt cũng bắt đầu từ đó. “Mệt nhất là những lúc ngựa bị ốm hay xe kéo bị hư phải bỏ giữa chừng, chậm chuyến, chậm hàng của khách. Người hiểu và thông cảm cho còn đỡ, có người còn mắng thẳng vào mặt, trách móc đủ điều. Những lúc như thế vừa mệt, vừa thương ngựa mà khóc ròng trong lòng mình không ai hay”- bác Dung buồn bã kể những chuyện ngậm ngùi với nghề đánh xe ngựa.

Nỗi lo, những cơ cực từ nghề chưa hết. Bác Dung kể, ngoài ngón nghề kiếm khách, đã sống bằng nghề đánh xe ngựa còn phải học đối phó với nhiều tình huống bất đắc dĩ nếu không muốn bị phạt. “Lúc cao điểm, thành phố ra quân dẹp trật tự, những người mưu sinh bằng nghề đánh xe ngựa như bác có khi cũng toát mồ hôi, bị đội trật tự truy đuổi vì đậu xe sai chỗ. Rồi mình cũng phải luôn để ý để ngựa không phóng uế mất vệ sinh. Nếu để xảy ra những điều như thế ngựa và xe bị tạm giữ thì hỏng việc”- bác Dung kể tiếp.

Ngoài bị phạt vì đậu sai chỗ, những người mưu sinh bằng nghề đánh xe ngựa như bác Dung cũng phải luôn để ý để ngựa không phóng uế mất vệ sinh
Ngoài bị phạt vì đậu sai chỗ, những người mưu sinh bằng nghề đánh xe ngựa như bác Dung cũng phải luôn để ý để ngựa không phóng uế mất vệ sinh

Buồn nhất với bác Dung là dù thời gian, đời sống của người dâm đã thay đổi, thì miếng cơm manh áo mà những người đánh xe ngựa như bác nhận được chẳng thay đổi là bao. “Bây giờ một chuyến người ta thuê chở xi măng, sắt thép, cây cảnh,... từ 1-2km cháu có biết giá bao nhiêu không, chỉ với 50-100 ngàn đồng. Ngày may mắn thì kiếm được vài ba trăm, những ngày hẩm hiu không một bóng người thuê. Những lúc như thế, không phải bác mà ai gắn bó với nghề đánh xe ngựa này cũng buồn, cũng tủi chứ"- bác Dung rầu lòng kể.

Niềm vui sau bánh xe lăn

Cực nhọc, tủi hờn là thế, ấy vậy mà nhìn lại bác Dung đã gắn bó được với nghề đánh xe ngựa ngót 30 năm. Và thật khó tin là cái nghề nhọc nhằn ấy đã giúp bác nuôi dạy con cái khôn lớn, thành người.

Vợ chồng bác Dung sinh được 4 người con, 2 người đã ra cửa nhà, 1 cô con gái học đại học, còn cậu con trai út đang đi du học tại Nhật Bản. “Nói tất cả sống nhờ vào nghề đánh xe ngựa là không đúng, vì bà nhà tôi còn lam lũ khối việc, bà ấy cũng giỏi tằn tiện để chăm lo cho gia đình. Nhưng thực lòng không nhờ vào những con ngựa đã gắn bó với gia đình, thì con cái tôi khó lòng được như hôm nay. Cái ăn, cái mặc, học hành cũng từ đó mà ra cả. Chúng nó vẫn hay đùa là có lẽ cả nhà phải dựng tượng để đặt chúng trong gia đình”- bác Dũng nở nụ cười gần gũi chuyện trò.

Bác Dung lại đứng chờ khách gọi chở hàng.
Bác Dung lại đứng chờ khách gọi chở hàng.

Trời gần ngả bóng, lại thêm một buổi chiều vắng khách. Nhưng không sao cả, bác đã quen với những chuyện chờ đợi như thế rồi. Hôm nay vắng khách, thì ngày mai, ngày kia chuyến xe ngựa của bác sẽ lại lăn bánh bù lại.

Cường Huấn – Trần Điều