Ông lão không chân “giữ lửa” nghề đan thúng chai xuất ngoại

Đã từ lâu, làng Hà Quảng (nay thuộc phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) nổi tiếng là nơi có nghề sản xuất thúng chai truyền thống, giúp ngư dân cả nước bám biển, vươn khơi, phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng, do sự xuất hiện của những con tàu hiện đại, có quy mô lớn, đã làm cho nghề đan thúng chai ở Hà Quảng dần bị mai một. Hiện nay, chỉ còn có 1 hộ dân còn bám trụ với nghề. Điều đáng nói là người “giữ lửa” cho làng nghề này lại là một ông lão bị mất cả hai chân…

Ông Trần Dư năm nay đã 81 tuổi, trú tại khối phố Hà Quảng Đông, phường Điện Dương. Ông tâm sự rằng, sinh ra trong một gia đình làm nghề đi biển nên từ nhỏ, ông đã được theo cha vươn khơi, bám biển. Nhưng rồi, tuổi thanh niên đang độ sung sức thì ông bị chiến tranh cướp mất đôi chân lành lặn. Bị cụt đôi chân, ông không còn đi biển được nữa nên theo những người trong làng học nghề đan thúng chai.

Ông lão không chân “giữ lửa” nghề đan thúng chai xuất ngoại - 1
Ông Trần Dư tỉ mỉ vót từng ngọn tre làm nguyên liệu.

Cho đến bây giờ, tuy đã ở tuổi xế chiều, tóc đã nhuốm bạc, nhưng ông vẫn giữ cho mình thói quen dậy sớm, cặm cụi vót tre để có đủ nguyên liệu đan thúng hàng ngày. Những chiếc thúng chai được thiết kế tưởng chừng như đơn giản, song thực ra lại khá công phu. Ông Dư cho biết, để hoàn thành xong 1 chiếc thúng thì cần phải trải qua 7 giai đoạn, bao gồm: Chọn tre, vót mượt, phơi, đan thúng, trét dầu, cuối cùng là đan sườn. Việc chọn tre để làm thúng cũng được xem là một khâu quan trọng ảnh hưởng đến giá trị của thúng chai.

Ông nhấn mạnh, tre chọn đan thúng chai phải là loại tre trồng ở đất thịt, vừa đạt được độ già thì mới bền và dẻo. Vì thế ông chỉ đặt hàng những mối quen ở các địa phương lân cận để chủ động về nguồn nguyên liệu. Khi phần bụng thúng được đan xong là chuyển sang giai đoạn trét dầu rái. Anh Trần Thái Thanh (con trai ông Dư) cho biết, theo như kinh nghiệm của cha mình truyền lại, trước khi quét lớp dầu rái để làm bóng thúng thì phải trét phân bò lên để che khít tất cả các lỗ trống. Cũng chính vì sự cẩn thận, tỉ mỉ này mà sản phẩm của gia đình anh khi được xuất ra thị trường có độ bền lên đến 12-15 năm, cao hơn nhiều so với các cơ sở khác…

Tính đến thời điểm này, nghề đan thúng chai của gia đình ông Dư đã trải qua hơn 200 năm với 4 thế hệ nối nghiệp nhau. Trước đây, ngoài gia đình ông còn có ông Nguyễn Ừ, Nguyễn Lư là 3 cơ sở làm nghề mạnh nhất. Nhưng, các hộ kia đến bây giờ đã bỏ hết, chỉ còn lại mình gia đình ông là còn “sống- chết” với nghề. “Tui nay tuổi cũng đã già, tất cả mọi bí quyết và kinh nghiệm làm thúng tui đều truyền hết lại cho con trai, với hy vọng nghề truyền thống này được gìn giữ và đợi chờ một ngày không xa, làng nghề sẽ dần được hưng thịnh lại”, ông Dư bày tỏ nỗi lòng.

Anh Thanh cho biết thêm, trung bình mỗi chiếc thúng chai cỡ nhỏ có giá từ 2,5- 3 triệu đồng; đối với loại thúng máy được gắn động cơ để chạy thì giá dao động từ 9-18 triệu đồng, tùy theo kích cỡ. Thúng chai của gia đình ông Dư làm ra không chỉ được các khách hàng ở Hội An, TP Đà Nẵng, Vũng Tàu thu mua, mà nay lại còn vươn xa đến châu Âu, châu Mỹ…

Theo Công Thành

Báo Công An Nhân Dân

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm