Ông lão bệnh tim hơn 30 năm chèo xuồng vớt xác ở TPHCM
(Dân trí) - Ông Nguyễn Ngọc Thi (49 tuổi) mang trong mình căn bệnh nhồi máu cơ tim vẫn chọn cuộc sống lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ ven sông Sài Gòn để vớt xác những người xấu số.
Hơn 40 năm sống lênh đênh trên sông, hai thế hệ gia đình ông Thi sống trên một chiếc thuyền nhỏ, được dựng bằng mái tôn ở cầu Bình Lợi (TPHCM). Năm 8 tuổi, ông theo cha làm nghề đánh bắt cá trên sông và không nhớ mình bắt đầu nghề vớt xác từ bao giờ. Ông chỉ nhớ, hơn 30 năm nay, công việc vớt xác đã gắn bó với ông như một định mệnh cuộc đời.
Ngần ấy thời gian, bao nhiêu thi thể đã được ông vớt, bao nhiêu người ông cứu sống ông cũng không nhớ nổi. Tuy vậy, câu chuyện khó quên nhất đối với ông chính là lần ông vớt thi thể ông Bảy (thường gọi là Bảy Nhỏ), một người bạn thân cùng làm nghề vớt xác. Ông Bảy chèo xuồng qua sông chở người nhà đi đám giỗ nhưng xuồng bị lật. Thấy vậy, ông Thi mặc trời mưa lớn, lấy con xuồng nhỏ chạy ra cứu giúp, nhưng tiếc là chỉ cứu được 2 người, ông Bảy và cô con gái không qua khỏi.
"Tìm được ông Bảy dưới dòng nước mà lòng tôi rất nặng nề, không ngờ cứu sống không biết bao nhiêu người nhưng có ngày tôi lại phải ôm thi thể đồng đội của mình lên bờ", ông Thi kể lại.
Sau cái chết của ông Bảy, vợ con ông Thi luôn khuyên ngăn ông không nên bám trụ lại với nghề, vì lý do sức khỏe của ông ngày càng suy yếu. Mỗi lần như thế, ông lại nói: "Nếu mình bỏ mặc người ta thì người ta lạnh lẽo thì sao, tội nghiệp họ lắm. Chết trên sông đã lạnh lẽo, còn gặp người vô tâm nữa thì ai mà chịu cho được".
Thuyền nhà ông Thi nằm ngay ngã ba sông Sài Gòn, nơi vùng nước xoáy nên thi thể thường tấp vào. Có rất nhiều trường hợp thương tâm và ghê rợn mà ông Thi chứng kiến, không ít trong số đó là những thi thể không còn nguyên vẹn tay chân…
"Có rất nhiều trường hợp khi tôi vớt lên thì thi thể không còn nguyên vẹn, phần mặt và các bộ phận đều bị thối rữa và bốc mùi, hầu như không còn nhận diện được nạn nhân là ai. Những ca như vậy, tôi phải nhờ thêm sự hỗ trợ của mọi người để đưa thi thể lên mà không bị rã thịt ra", ông Thi nói.
Sau những lần cứu, vớt những người đã mất, khi về nhà ông Thi phải tắm rượu cho mùi đỡ ám vào mình. Có những lúc ông phải tắm rượu hai đến ba ngày thì cơ thể mới hết ám mùi.
Nhiều năm nay, ông Thi sống chung cùng căn bệnh nhồi máu cơ tim. Nhiều lúc đang bắt cá trên sông, tim của ông lại nhói lên từng cơn rồi gục ngã. "Có ngày, tôi xỉu tới 2 lần, người ta đưa tôi lên bờ rồi sơ cứu cho tôi, cứ xỉu là tôi may mắn được cứu. Nhờ vậy mà tôi gắn bó với 2 nghề này cũng hơn 30 năm".
Nguồn thu nhập chính trước đây của gia đình ông Thi trông cậy vào cậu con trai nhưng cách đây 3 năm, con ông đột ngột qua đời. Từ đó, nỗi buồn mất con và áp lực tinh thần ngày càng đè nặng lên vai người đàn ông nghèo khổ.
Hằng ngày, ông Thi đánh cá về cho vợ đi bán, mức thu nhập dao động từ 400-500 ngàn/ngày. Số tiền chỉ đủ gia đình ăn uống và mua thuốc cho ông. Nhiều khi bệnh trở nặng, vợ ông phải đi vay mượn khắp xóm. Nghèo là vậy, bệnh là thế nhưng nói ông nghỉ vớt xác đi ông vẫn nói không.