Ông chủ tiệm hớt tóc nhường nhà cho sinh viên nghèo ở miễn phí

Hoàng An

(Dân trí) - Chủ tiệm hớt tóc thuê nhiều địa điểm, nhường nhà mình đang ở cho sinh viên trọ miễn phí. Với việc làm nghĩa tình này anh Nguyễn Hoài Thanh ở TPHCM nhận được "cơn mưa" lời khen từ người dân nơi đây.

Ông chủ tiệm hớt tóc nhường nhà cho sinh viên nghèo ở miễn phí - 1

Nhường nhà, đi thuê thêm nhiều địa điểm khác làm ký túc xá cho sinh viên ở miễn phí là việc làm của anh Nguyễn Hoài Thanh (32 tuổi), hiện đang là chủ chuỗi tiệm hớt tóc tại TPHCM.

"Người lạ tốt bụng giữa thành phố"

Lên thành phố nhập học theo thông báo của trường, Đức Anh hiện là tân sinh viên trường Cao đẳng nghề TPHCM không khỏi lo lắng về nơi ăn, chốn nghỉ sau thời gian dài học online tại nhà. Xách balo đi từ Long An lên TPHCM, Đức Anh kể mình đã được ba mẹ dặn dò cảnh giác nhiều vấn nạn ở thành phố, nhưng không ngờ ngay những ngày đầu tiên, Anh đã gặp được anh Thanh.

Ông chủ tiệm hớt tóc nhường nhà cho sinh viên nghèo ở miễn phí - 2

Bạn Đức Anh (áo xanh) cùng thợ xây phụ sửa lại căn nhà để đón sinh viên vào ở.

Đức Anh chia sẻ: "Trước khi lên thành phố, tôi có dành thời gian để lướt tìm trọ tại khu vực lân cận gần trường học, rẻ thì 800.000 đồng, mắc cũng gần 2 triệu đồng, vì không có người ở ghép nên khoản tìm trọ thật sự khó khăn với tôi. Đang loay hoay trên mạng thì tôi vô tình lướt tìm được thông báo của anh Thanh, anh đăng bài cho sinh viên ở nhà trống của anh miễn phí.

Tôi nửa tin nửa ngờ vì không nghĩ có người cho ở không, nhưng sau khi gọi điện, anh Thanh đã đồng ý và hướng dẫn tôi tận tình về chỗ ở. Tôi không nghĩ lại có người lạ tốt bụng giữa thành phố như vậy".

Ông chủ tiệm hớt tóc nhường nhà cho sinh viên nghèo ở miễn phí - 3

Không gian bên trong căn nhà anh Hoài Thanh cho sinh viên thuê miễn phí. Nhà trống có sẵn kệ bếp, nhà vệ sinh, những vật dụng cần thiết, sinh viên chỉ cần dọn đồ vào là ở ngay.

Cùng tâm trạng như Đức Anh, Lê Văn Khánh thở phào nhẹ nhõm thông báo với gia đình mình có chỗ trọ ổn định, an toàn để lo học tập thật tốt. Khánh tâm sự vì hoàn cảnh gia đình, Khánh tính sẽ thuê một nhà trọ cùng nhiều người cho rẻ rồi kiếm thêm chỗ làm để trang trải sinh hoạt phí.

"Nhưng vừa chân ướt chân ráo lên đây, sau dịch cũng chưa có nhiều người tuyển dụng nên chỗ ở miễn phí của anh Thanh đã giúp đỡ tôi rất nhiều" - tân sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật nói.

Ngay sau khi gọi điện xin đăng ký, anh Thanh hẹn Khánh đến xem phòng và chọn giường ngay trong ngày. Khánh kể: "Anh Thanh rất hiền và nhiệt tình, quan tâm từng bạn như người thân, anh nói tôi cứ yên tâm ở đến khi ra trường và tìm được việc làm tốt tự lo cho cuộc sống, tôi tự nhủ mình sẽ cố gắng học tập để không phụ sự giúp đỡ của anh Thanh".

Ông chủ tiệm hớt tóc nhường nhà cho sinh viên nghèo ở miễn phí - 4

Để tiết kiệm diện tích, anh Thanh trang bị giường tầng cho khoảng 6 sinh viên nam cùng một phòng (Ảnh: Hoàng An).

Tại đây, anh Hoài Thanh trang bị đầy đủ giường tầng, phòng bếp, nhà vệ sinh, anh đang sơn sửa thêm xung quanh để giúp các bạn có không gian sống tiện nghi, thoải mái nhất. Mỗi bạn sinh viên còn được anh tặng thêm tập vở, dụng cụ học tập để chăm lo chuyện trường lớp thật tốt.

Ông chủ tiệm hớt tóc nhường nhà cho sinh viên nghèo ở miễn phí - 5

Tấm bảng lan truyền thông tin ông chủ tiệm cắt tóc cho sinh viên ở miễn phí những ngày qua trên mạng xã hội (Ảnh: Hoàng An).

Khi sinh viên là tương lai đất nước

Bắt xe đò lên thành phố mưu sinh năm 9 tuổi, anh Nguyễn Hoài Thanh quê Đồng Nai luôn nhớ như in những ngày làm thuê làm mướn tìm cách bám trụ tại Sài Gòn.

Anh kể ngay khi mua được căn nhà đầu tiên, hiện đang cho 6 sinh viên nam ở, anh đã nhường nhà cho một bà cụ nghèo khó trong xóm ở miễn phí rồi anh thuê một căn nhà khác để sinh sống, lập nghiệp.

"Cùng xuất phát điểm từ con số 0, tôi thấm thía được khó khăn của những ngày đói, ngày còng lưng bưng bê để có tiền nộp trọ chứ không sẽ bị đuổi nên khi bắt đầu có chút vốn tôi đã dành để giúp đỡ lại cho các bạn sinh viên"- anh tâm sự.

Ông chủ tiệm hớt tóc nhường nhà cho sinh viên nghèo ở miễn phí - 6

Công việc hàng ngày của anh Thanh là quản lý chuỗi tiệm hớt tóc, đồng thời tham gia cắt tóc cho khách hàng.

Hiện anh Thanh có 5 địa điểm cho sinh viên trọ lại miễn phí tại quận Phú Nhuận, quận 3, 5, 8… Anh sẵn sàng đi thuê nhà trong khả năng của mình để những bạn ở xa hữu duyên trọ lại miễn phí.

Ngoài ra anh còn có nhiều dự án hỗ trợ sinh viên đúng chuyên môn của mình như dịch vụ cắt tóc 2k, xe container cắt tóc di động,… ở quận huyện tại TPHCM. Chia sẻ về ý tưởng phục vụ đối tượng sinh viên, anh cho biết mình cũng tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện từ tâm để giúp bà con nghèo, lao động vô gia cư, tuy vậy anh muốn tập trung vào sinh viên vì các bạn chính là tương lai của đất nước.

"Tôi muốn cho các bạn điều kiện học tập, bớt gian khổ như tôi thuở xưa, rồi khi trưởng thành sẽ hiểu được việc chia sẻ, lan tỏa cho cộng đồng là việc ý nghĩa, trở thành công dân tốt cho xã hội. Việc làm này tôi nhận được sự giúp đỡ của gia đình và động viên của người thân rất nhiều nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc" - anh Thanh bộc bạch.

Ông chủ tiệm hớt tóc nhường nhà cho sinh viên nghèo ở miễn phí - 7

Anh Nguyễn Hoài Thanh thường xuyên tặng tập vở cho các bạn sinh viên trường Đại học trên địa bàn TPHCM (Ảnh: Hoàng An).

Mỗi ngày, anh nhận được hàng trăm cuộc gọi khắp nơi từ người lạ xin chỗ ở miễn phí, anh Thanh tâm sự mình cũng gặp không ít khó khăn khi thực hiện ý tưởng này. Theo anh Thanh, ngoài vấn đề sức khỏe, thời gian, anh liên tục làm việc tích cực để xoay tiền trang bị, mở rộng thêm nhiều chỗ ở cho sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố học tập.

Là người trực tiếp nhận những phần quà từ anh Thanh gửi đến những sinh viên, ThS. BS. Hà Thanh Đạt - Bí thư Đoàn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: "Mình và anh Thanh cùng hỗ trợ nhau trong các hoạt động, trong đó có hoạt động tặng sách cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ cắt tóc cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Với những món quà và dự án hỗ trợ các bạn sinh viên đã thực hiện trong thời gian qua, mình tin anh Thanh đã truyền được niềm cảm hứng sống tử tế cho người xung quanh, lan tỏa giá trị "nghĩa tình" của người Sài Gòn đến các sinh viên nói riêng và những người yếu thế nói chung".