OM 5451 - loại gạo trắng xuất khẩu hàng đầu Việt Nam

Trường Thịnh

(Dân trí) - Với ưu điểm hạt gạo trắng trong, thon dài, hạt cơm mềm và thơm nhẹ, gạo OM 5451 được khách hàng quốc tế đánh giá cao.

Gạo OM 5451 "hút" khách

Thời gian qua, do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Dù vậy, hoạt động xuất khẩu gạo của Lộc Trời - Tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam vẫn có những điểm sáng.

Trong năm 2021, Lộc Trời đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo tới các đối tác quốc tế ở châu Âu, vương quốc Anh, châu Phi, Úc, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á. Tổng giá trị xuất khẩu gạo lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% doanh thu gạo của Tập đoàn. Là đơn vị được Bộ NN&PTNT lựa chọn để xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên đi thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) vào tháng 9/2020, Lộc Trời đã liên tục phát triển thị trường này trong hơn một năm qua. Đặc biệt, Lộc Trời vừa có thêm các đối tác mới tại Thụy Điển và Đức trong năm 2021.

OM 5451 - loại gạo trắng xuất khẩu hàng đầu Việt Nam - 1
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời nhận giải Top 10 nhóm ngành Nông sản - thực phẩm - đồ uống của chương trình Tin dùng Việt Nam năm 2021.

Mới đây nhất, Tập đoàn Lộc Trời đã xuất khẩu lô hàng gạo cuối cùng trong năm 2021 với đơn hàng lên tới 4.170 tấn gạo, gồm gạo thơm và gạo trắng do Lộc Trời tổ chức sản xuất thông qua chuỗi giá trị nông nghiệp của tập đoàn, quy trình canh tác được kiểm soát chặt chẽ từ hạt giống tới hạt gạo nhằm đáp ứng các tiêu chí khắt khe nhất của thị trường châu Âu.

OM 5451 là một trong những loại gạo xuất khẩu chủ lực của Tập đoàn Lộc Trời. Loại gạo này được khách hàng ưa chuộng bởi những ưu điểm vượt trội như hạt gạo trắng trong, thon dài, hạt cơm mềm và thơm nhẹ. Ngoài ra, OM 5451 còn là loại gạo nền để phối trộn nhiều công thức đa dạng theo yêu cầu của khách hàng.

Hiện nay, giống lúa OM5451 được trồng phổ biến tại Việt Nam. Nhờ có khả năng thích nghi cao với các loại hình thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, lại cho năng suất cao, giống lúa OM 5451 được bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên canh tác 3 vụ/năm nên đảm bảo được sản lượng gạo lớn cũng như luôn có hàng mới để phục vụ nhu cầu của đối tác. Chỉ riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích lúa OM 5451 được gieo trồng trong năm 2020 và 2021 chiếm gần 850.000ha, cung cấp hơn 1,3 triệu tấn gạo cho xuất khẩu.

Đầu tư từ hạt giống

Cách đây hơn 10 năm, Tập đoàn Lộc Trời đã hợp tác với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long để khảo nghiệm và đánh giá giống lúa OM 5451 trong thời gian khá dài trước khi nhận chuyển giao bản quyền giống lúa này vào ngày 9/1/2011. Đây là một trong số ít những doanh nghiệp dám tiên phong trong việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu giống cây trồng vào triển khai sản xuất. Ngày 7/12/2011, OM 5451 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức công nhận là giống lúa Quốc gia.

Trong suốt 1 thập kỷ qua, Tập đoàn Lộc Trời, với năng lực vượt trội của một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, đã đưa OM 5451 trở thành giống lúa được bà con nông dân tin tưởng chọn để canh tác. Là cặp lai thứ 5.451 giữa Jasmine 85 với gạo thơm, dẻo và OM2490 năng suất cao, giống lúa OM 5451 chịu phèn, mặn khá tốt; năng suất bình quân 6-7 tấn/ha; khi xay xát cho tiỷ lệ hạt nguyên cao, giúp giá thành gạo cạnh tranh hơn. Do đó, việc sử dụng giống lúa OM5451 để canh tác sẽ góp phần tăng giá lúa hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Ngành Giống của Lộc Trời là đơn vị đang trực tiếp sản xuất trên 60.000 tấn giống lúa các loại. Các giống lúa từ Lộc Trời như OM5451 được triển khai tại các vùng trồng với quy trình canh tác được quản lý chặt chẽ, chăm sóc bởi những hộ nông dân giỏi; 5 nhà máy sản xuất giống có quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo giống nguyên chủng và được xác nhận khi phân phối trong hệ thống đại lý độc quyền của Lộc Trời trên khắp cả nước.  

OM 5451 - loại gạo trắng xuất khẩu hàng đầu Việt Nam - 2

Hình ảnh của Tập đoàn Lộc Trời trong chương trình Tin dùng Việt Nam năm 2021.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Lộc Trời còn có 1.200 kỹ sư nông nghiệp thuộc đội ngũ 3 Cùng - cùng trồng, cùng chăm sóc, cùng bán - đồng hành với bà con nông dân trên cả nước nhằm hỗ trợ canh tác, chăm sóc cho gần 1.000.000 ha mỗi vụ, đảm bảo sự thuần chủng của gạo và đáp ứng tiêu chí truy xuất nguồn gốc của các thị trường khó tính.

Còn nhiều tiềm năng để phát triển

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới, thời gian tới, nhu cầu lương thực trên toàn cầu được dự báo có khả năng còn tăng cao hơn nữa. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia mang tầm chiến lược như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA)… Thông qua các Hiệp định thương mại này, sản phẩm gạo của Việt Nam đang từng bước mở rộng thị phần, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Cùng với xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao vào các thị trường khó tính, gạo OM 5451 với những ưu điểm vượt trội sẽ tiếp tục là loại gạo xuất khẩu chủ lực của Tập đoàn Lộc Trời. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết: "Chúng tôi tin rằng năm 2022 sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho ngành hàng lúa gạo. Với lợi thế có thể tổ chức sản xuất trên quy mô lớn, Tập đoàn Lộc Trời sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất, tăng cường xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, trong đó có gạo OM 5451. Đây cũng là một trong những cách mà Lộc Trời thực hiện cam kết "Cùng nông dân phát triển bền vững" của tập đoàn".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm