Nuôi 103 đứa trẻ mồ côi, cựu chiến binh thấm thía gánh nặng người phụ nữ

(Dân trí) - Dồn hết tài sản và bỏ bao thời gian, công sức nuôi 103 đứa trẻ không chung dòng máu, nghĩa cử cao đẹp của ông Bùi Công Hiệp khiến mọi người đều ngưỡng mộ.

Cựu chiến binh bật khóc khi được mời tham gia chương trình về mẹ

Khán giả chương trình “Mẹ tuyệt vời nhất” vừa phát sóng vô cùng bất ngờ khi nhân vật chính là một “người mẹ đặc biệt”- ông Bùi Công Hiệp (P.Long Phước, Q.9, TP.HCM), một cựu chiến binh đang nuôi dưỡng hơn 100 đứa trẻ không chung dòng máu.

Giải thích lý do mời ông Bùi Công Hiệp tới chương trình về những người mẹ, NSND Hồng Vân- MC chương trình nói: “Tại sao lại mời anh Hiệp, đây là chương trình “Mẹ tuyệt vời nhất” mà...  Vân xin giải thích rằng vai trò của anh Hiệp đối với hơn 100 cháu mồ côi trên phương diện một người cha nhưng những gì anh làm tôi cảm giác là còn hơn những bà mẹ bình thường khác. Anh trong cả 2 vai trò vừa làm cha lại làm mẹ”.

Nuôi 103 đứa trẻ mồ côi, cựu chiến binh thấm thía gánh nặng người phụ nữ - 1

Ông Bùi Công Hiệp đưa hai đứa trẻ trong 103 bé đến cùng tham dự chương trình truyền hình.

Nuôi 103 đứa trẻ mồ côi, cựu chiến binh thấm thía gánh nặng người phụ nữ - 2

Người đàn ông không ít lần khóc khi chia sẻ về quá trình nhận nuôi những đứa trẻ không cùng dòng máu.

Chia sẻ về cảm xúc khi nhận được lời mời của chương trình, ông Bùi Công Hiệp rưng rưng nước mắt cho biết ông rất xúc động. Ông dẫn tới chương trình 2 bé lớn nhất là Bùi Kim Giáp và Nguyễn Kim Anh. Thành lập trung tâm từ năm 2010 nhưng mãi 2012 ông mới nhận nuôi đứa trẻ đầu tiên chính là Giáp.

“Tôi nhớ hoài vào tháng 10/2012 thì có 1 cuộc gọi trong bệnh viện của 1 người mẹ. Người mẹ này đang là sinh viên học năm cuối, cô ấy nói với tôi rằng bây giờ có con nhưng không muốn bỏ, nhờ tôi nuôi giúp và sẽ tới nhận lại trong tương lai. Nghe vậy tôi liền nói “Yên tâm, đó đang là ước mơ của tôi mà. Cứ lo học hành, ra trường kiếm công việc ổn định đi rồi nhận con lúc nào cũng được”, ông xúc động nhớ lại.

"Đấu tranh" với gia đình để mở trại trẻ mồ côi

Ông Hiệp cho biết, trước khi thành lập Mái ấm Thiên Thần, ông đã phải làm nhiều công việc để tích lũy đủ khả năng kinh tế như: đạp xích lô, phụ hồ, dán đồ mã... Và quan trọng nhất chính là quá trình thuyết phục gia đình, ông ví von giai đoạn đó giống như “cuộc chiến tranh giữa các vì sao” vì vô cùng căng thẳng. Vợ con đuề huề nhưng lại dồn hết tài sản để lo cho hơn 100 đứa trẻ mồ côi, quyết định của ông Hiệp khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu, thậm chí là phản đối.

Nuôi 103 đứa trẻ mồ côi, cựu chiến binh thấm thía gánh nặng người phụ nữ - 3

Ông Hiệp cho biết, trước khi thành lập Mái ấm Thiên Thần, ông đã phải làm nhiều công việc để tích lũy đủ khả năng kinh tế như: đạp xích lô, phụ hồ, dán đồ mã...

"Tôi âm thầm nhờ bạn bè lo giấy tờ thủ tục, giấy phép thành lập. Khi thành lập xong tôi cũng không nói với bà xã, đùng 1 cái tôi ẵm Giáp và Kim Anh về thì bà xã tím tái, khóc lên mắng tôi liều bởi những người kinh nghiệm nhất họ cũng sợ mảng này.

Các bé rất mỏng giòn mà khi các bà mẹ mang thai thì điều kiện chăm sóc không có và nhiều tác động. Có những bé sinh ra có 1,2kg ; 1,3kg thì ngay khi nhận về bà xã nói: “Ông nghĩ kỹ đi 2 đứa con sinh ra ông nhớ ông có chăm sóc nó ngày nào không, nghĩ kỹ đi. Thôi trả lại cho nhà nước đi”. Lúc đó tôi mới giải thích đã lỡ nhận về mà hoàn cảnh các bé rất đặc biệt”, ông Hiệp kể lại.

Tuy rất thương những đứa trẻ mồ côi nhưng vợ ông Hiệp không tin chồng có đủ khả năng chăm sóc các bé từ nhỏ tới khi trưởng thành. Bà khẳng định nuôi trẻ không giống như việc chồng đi nhậu cụng 1, 2 ly có thể bỏ về. Để thuyết phục bà xã, ông phải chứng minh bằng cách “bỏ nhậu” và 1 mình chăm sóc các bé.

Nhớ lại quãng thời gian này, ông gãi đầu kể: “Mình cũng đi nhậu nhẹt hơn 10 năm nay thành thói quen rồi nhưng cuối cùng phải bỏ. Người mẹ chăm sóc sao mình phải chăm sóc như vậy: cho bú, thay tã, ru ngủ...Đặc biệt như bé Kim Anh còn khóc dạ đề, chổng mông lên khóc nửa tiếng rồi mới chịu ngủ, giống như mình bị tra tấn vậy đó vì xưa giờ có nghe tiếng con nít khóc đâu...

Bà xã cứ đứng chỉ đạo từ xa chứ không nhúng tay vào giúp để mình tự thấu hiểu sự cực nhọc của người mẹ. Bà nói rằng tôi phải qua khóa kiểm tra này, nếu đạt được tốt thì mới đồng ý cùng tôi chăm sóc các bé còn không phải trả về cho nhà nước. Và mãi đến tháng 3 năm 2013 bà xã mới cho tôi đậu kỳ thi này”. Hiện giờ, ngoài vợ chồng ông Hiệp, chăm sóc 103 bé còn có 15 cô bảo mẫu.

Hối hận vì từng đổ trách nhiệm nuôi con lên bà xã

Sau khi tự mình chăm sóc trẻ mồ côi ông Hiệp mới cảm thấy đồng cảm với người phụ nữ và có lỗi với vợ. Ông nghẹn ngào kể lại trên sóng truyền hình: “Ngày xưa đi làm về mà 2 đứa con bị bà nội mắng vốn là tôi cự bà xã rằng mình đi làm mệt mỏi đem tiền về mà vợ không biết dạy con. Nhưng mà sau khi nuôi các bé tôi mới thấy mình là 1 ông chồng quá hồ đồ. Người đàn ông chỉ có nhiệm vụ đơn giản là kiếm tiền mà về coi 2 việc đó như nhau là không được. Nếu ông nào không tin thì cứ thử về chăm sóc con 1 tuần thay vợ sẽ hiểu. Lúc đó chúng ta mới thông cảm được nỗi khổ của người phụ nữ”.

Nuôi 103 đứa trẻ mồ côi, cựu chiến binh thấm thía gánh nặng người phụ nữ - 4

Nói về ước mơ lớn nhất cuộc đời, ông mong các con đều trở thành người tử tế.

Theo ông Hiệp, hoạt động từ năm 2012 nhưng 3 năm trở lại đây mái ấm của ông Hiệp mới được nhiều nhà hảo tâm biết và tìm tới. Tuy lo cho các bé rất tốn kém, vất vả nhưng không phải tài trợ nào cũng được ông chấp nhận.

“Có những tổ chức đề nghị tài trợ nhưng lại kèm theo điều kiện mình thấy bất lợi cho các bé, tức là hoạt động theo yêu cầu của họ. Thì lúc đó tôi sẵn sàng nói không vì đó là các con của tôi. Nếu đề nghị đó tốt thì dù không cho 1 xu tôi cũng làm theo nhưng nếu thấy không phù hợp tôi xin phép từ chối. Còn các mạnh thường quân ai tới cho thùng sữa, cái bánh tôi rất hoan hỉ tiếp nhận vì đó là tấm lòng của họ gửi tới các con mình”, ông bộc bạch.

Không ngại đầu tư tiền cho các bé học võ, bơi lội, Tiếng Anh, hội họa...ông mong sau này các con trở thành những chú đại bàng. Nói về ước mơ lớn nhất cuộc đời, ông mong các con đều trở thành người tử tế: “Tôi không mong các con thành đạt thế này, thành danh thế kia. Cuối cùng khi ra ngoài đời điều đầu tiên các con phải là người tử tế cái đã, trái tim rộng mở với đồng loại, với mọi người đó chính là điều bố mong mỏi. Còn chuyện học vấn sẽ theo các con cả cuộc đời chứ không hề dừng lại”.

Hà Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm