Nữ giám đốc tật nguyền của những em nhỏ cùng cảnh ngộ

(Dân trí) - Mặc dù bị liệt cả hai chân nhưng chị đã vượt lên bản thân mình, thành lập công ty và tạo công ăn việc làm cho nhiều em nhỏ cùng hoàn cảnh như chị.

Nữ giám đốc “tàn mà không phế”

Chị Đặng Thị Ngọc Ánh (49 tuổi, trú nhà 54B Bùi Thị Xuân, Sơn Trà, Đà Nẵng), thật khó có thể tin được rằng người phụ nữ bị liệt cả hai chân này đang là giám đốc của công ty TNHH Tâm Thiện, cũng là người mẹ hiền đã đem đến điều kì diệu cho hàng trăm trẻ em khuyết tật không nơi nương tựa. Sinh ra trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em, không có được may mắn như các anh chị lúc vừa lọt lòng đều lành lặn, khỏe mạnh. Chị Ánh chẳng may bị bại liệt từ nhỏ, hai chân teo lại, ngày này qua tháng nọ phải ngồi một chỗ,  quanh quẩn trong một góc nhà. Thương ba mẹ vất vả đi làm quần quật cả ngày kiếm miếng cơm manh áo, không muốn là gánh nặng cho gia đình, năm 14 tuổi chị Ánh quyết định rời quê hương “bò” vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp.

Một mình giữa nơi đất khách quê người, không người thân, không có tiền, không chỗ ngủ, chị nằm vạ nằm vật ở công viên, vỉa hè. Hằng ngày, chị hỏi đường đến các xí nghiệp, công ty hỏi xin việc làm, nhưng đến đâu chị cũng chỉ nhận được những ánh mắt khinh bỉ, ghẻ lạnh, thậm chí là những câu nói lạnh lùng: “Ở đây không nhận người khuyết tật!”. Tủi thân, cô đơn giữa nơi xứ người nhưng không khiến chị gục ngã, không kiếm được việc chị lê lết khắp Sài Gòn bằng đủ thứ nghề: đánh giày, bán vé số,… để kiếm miếng ăn qua ngày. Trời không phụ người có lòng, như một phép nhiệm màu, một khách hàng mua vé số quen thấy chị dù tàn tật nhưng dẫu mưa hay nắng đều chăm chỉ đi bán nên đã nhận chị về nhà làm osin, từ  đấy chị Ánh có được một nơi ngã lưng khi đêm về. Hằng ngày chị chăm chỉ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nấu ăn, đôi lúc chị ra xưởng may phụ giúp mấy chị công nhân thu dọn vải. Rồi một lần tình cờ chị Ánh thấy những mẫu thiết kế áo quần của cô chủ trên bàn, chị bị mê hoặc, từ lúc đó chị lén mua giấy vẽ, về phòng mầy mò phác họa những mẫu áo quần theo trí tưởng tượng của bản thân.

Chị Đặng Thị Ngọc
Ánh tại công ty của mình

Chị Đặng Thị Ngọc Ánh tại công ty của mình

Suốt 10 năm vật vạ nơi đất Sài thành, vừa làm giúp việc vừa học nghề may vá, chị Ánh dần trưởng thành, tự tin hơn trong cuộc sống. Năm 2000 chị quyết định về lại quê hương Đà Nẵng lập nghiệp, đó cũng là ngày chị Ánh chập chững được những bước đi đầu tiên. Hơn ai hết, chị thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn, tủi nhục của những người khuyết tật, sự vất vả trong cuộc sống mưu sinh, sự mặc cảm về ngoại hình, trình độ khiến người khuyết tật khó hòa đồng với xã hội. Chính sự thấu hiểu đó đã nung nấu ý định phải làm gì đó để giúp đỡ họ . Từ những suy nghĩ ấy, năm 2005 chị đã tự đứng ra thành lập công ty TNHH Tâm Thiện - công ty may của người khuyết tật chuyên sản xuất các mặt hàng may, in, thêu thủ công.

Ngôi nhà của những trẻ em khuyết tật

Những ngày đầu thành lập, công ty của chị Ánh gặp muôn vàn khó khăn, với đôi chân tật nguyền chị Ánh không ngằn ngại khó khăn chạy đôn chạy đáo đi tìm nhà đầu tư, nguồn hàng, nơi tiêu thụ sản phẩm. Những thành viên trong công ty của chị hầu hết là những em khuyết tật, khiếm tính, bại não…có em ở Đà Nẵng, có nhiều em ở các tỉnh khác đến. Năm đầu tiên, công ty chỉ có 7 em, trải qua 20 năm đến nay có khoảng hàng trăm em được chị Ánh nuôi dưỡng và dạy nghề.  Các em đến với công ty của chị như một mái ấm tình thương, ở đây các em được chị dạy chữ, dạy cách may vá. Không chỉ nhận những em có khả năng làm việc, mà chị còn nhận nhiều em bị bại liệt không có khả năng hoạt động, bởi với chị các em cũng là một con người cần được yêu thương, chăm sóc.

Nụ cười vẫn nở trên khuôn mặt loan lỗ các vết tàn nhang, chị Ánh tâm sự : “Giống như những người bình thường khác, người khuyết tật cũng có ươc mơ, mong muốn hạnh phúc, được mọi người xung quanh tôn trọng, đối xử công bằng, vì thế tôi muốn tạo một điều kiện để các em khuyết tật có cơ hội được làm việc, được tự thân nuôi sống bản thân và phát huy được khả năng của mình. Tôi cũng là người khuyết tật, đi đến đâu người ta cũng nhìn vào đôi chân không lạnh lặn của tôi, họ xem tôi như một cái gì đó vô dụng và xui xẻo… nhưng có lẽ ông trời lấy đi của tôi thứ này thì bù lại cho tôi thứ khác, đó là nghị lực và lòng quyết tâm không gục ngã trước số phận. Tôi đã làm cho xã hội nhìn thấy được khả năng của mình, của những người khuyết tật, chúng tôi khuyết đi một phần thân thể nhưng chúng tôi không khuyết đi tâm hồn và tài năng của mình. Đến với mái ấm này, có em tự tìm đến qua lời giới thiệu của những người quen, có em do gia đình, những người có lòng hảo tâm đưa đến, cũng có em tôi nhìn thấy lang thang ngoài đường rồi đưa về nuôi dưỡng, dạy nghề,…”

Hiện tại, công ty của chị có khoảng 5 cơ sở may tình thương ở các tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, phân phối sản phẩm cho nhiều công ty may mặc trên địa bàn Đà Nẵng như: Công ty TNHH Hồng Ánh,… Với mong muốn tạo công việc làm, trở thành một mái ấm cho người khuyết tật ở mọi nơi, tạo cơ hội cho các em khuyết tật xóa bỏ mặc cảm để phát huy được những khả năng của mình.

Em Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1987, Thăng Bình, Quảng Nam) bị liệt cả hai chân, về sống ở trung tâm đã được 5 năm, em chia sẻ: “Cuộc sống ở đây rất tốt, anh chị em ở đây rất hòa đồng. Mẹ Ánh rất yêu thương chúng em, dù không phải con ruột của mẹ nhưng mẹ đối xử với các chị em rất bình đẳng. Chúng em như một gia đình lớn, nhưng rất ý nghĩa, ấm áp”.

Hằng ngày, chị đi chợ nấu cơm nước, tắm rửa cho mấy em nhỏ, dạy cho các em cách may, thêu đường chỉ sao cho đẹp, chính xác. Cuối ngày, chị cùng các con gom hết sản phẩm làm trong ngày để đi giao cho các cơ sở tiêu thụ, lấy tiền trang trải cho cuộc sống của đại gia đình, đến tối chị dạy cho các em viết chữ, đọc sách. Chị kể: "Các em tới đây có em bị chất độc da cam, em bại liệt, em động kinh, em bại não,.. nên việc chăm sóc các em đã gặp nhiều khó khăn chứ chưa nói đến dạy dỗ, nên tôi phải phân loại các em ra. Những em có khả năng lao động thì tôi dạy nghề may thêu và dạy văn hóa, những em thương tật nặng thì chăm sóc, hướng dẫn các hoạt động đơn giản".

Ngoài ra chị Ánh còn tạo công việc làm thêm cho rất nhiều sinh viên đang học tập trên địa bàn TP. Đà Nẵng nhằm giúp các em có thêm nguồn thu nhập trang trải cho sinh hoạt hằng ngày, đồng thời cũng là cơ hội cho các em khuyết tật tại trung tâm được làm quen, giao tiếp với thế giới bên ngoài, các em sẽ đỡ mặc cảm và tự ti hơn. Với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu một ngày, công ty đã trang trải cho các em khuyết tật ở đây một cuộc sống đầy đủ và ấm áp, bên cạnh đó các em được hỗ trợ số tiền lương từ 1 triệu đến 1,5 triệu một tháng.

Mẹ Ánh đang chỉ
dạy cho các con của mình từng đườg kim mũi chỉ

Mẹ Ánh đang chỉ dạy cho các con của mình từng đườg kim mũi chỉ

Trong ngôi nhà chỉ rộng khoảng 200m2 , với 4 bức vách được che chắn, chắp vá bằng tôn cũ, ván ép…Mái nhà lợp tôn thấp lè tè, mùa mưa dột , không  ai nghĩ đó lại là mái ấm của hơn 50 người khuyết tật, trong đó có 9 em hoàn toàn bị bãi não không thể hoạt động, tuy khó khăn về cơ sở sản xuất, thiếu máy may, và nhiều đồ dùng sinh hoạt trong gia đình nhưng bằng tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau giữa những con người có cùng hoàn cảnh, họ đến với nhau và xem nhau như đại gia đình và chị Ánh được xem là người mẹ của hàng trăm trẻ khuyết tật.

Với những gì đã làm được, năm 2007 chị Ánh được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen “Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật”. Được Sở Lao động thương binh và xã hội thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen “Doanh nghiệp vượt khó năm 2011”. Được thành phố biểu dương “Doanh nghiệp sáng tạo kinh tế giỏi 2013”. Gần đây chị được Trung ương Hội người khuyết tật mời ra Hà Nội tham dự chương trình “Vinh danh phụ nữ khuyết tật tiêu biểu toàn quốc”. Có lẽ đó là những danh hiệu vô cùng to lớn và đáng tự hào đối với một người phụ nữ “tàn nhưng không phế” như chị. 

Ngoài việc là giám đốc quản lý và điều hành mọi hoạt động của công ty TNHH Tâm Thiện, chị Ánh còn là một vận động viên thể thao. Năm 2002, lần đầu tiên tham gia hội thao người khuyết tật toàn quốc, chị Ánh giành được một HCV môn cầu lông và ba HCB môn bơi lội. Không lâu sau, tại Paragames 2003 tổ chức tại Việt Nam, chị Ánh vinh dự đạt 1 HCV và 2 HCB cho 2 bộ môn là cầu lông và bơi lội, biệt danh “Ánh Para games” cũng xuất phát từ đó.

Có lẽ mọi thứ trên đời muốn có được đều phải rất xót xa, nhưng càng xót xa hơn nữa khi những điều đó tạo nên từ những mảnh đời không lành lặn, những con người không trọn vẹn về thể xác. Chị Ánh như bức chân dung kì diệu giữa đời thường, chị đã vẻ nên những điều kì diệu có thật, và cũng là người phụ nữ đem đến những điều kì diệu cho cuộc đời này.

Bích Liên - Minh Nguyên