Nữ đại gia bị rối loạn lo âu vì người thân liên tục hỏi... vay tiền

Hồng Anh

(Dân trí) - Nữ đại gia ngoài 50 tuổi, sinh sống ở một thành phố phía Nam. Bà có điều kiện kinh tế khá tốt và sở hữu nhiều bất động sản cho thuê nên người thân thường xuyên tìm đến vay tiền, nhờ giúp đỡ.

Câu chuyện được một chuyên gia tâm lý chia sẻ với PV Dân trí. Vị chuyên gia này cho biết, nữ đại gia tên T. T. H vốn là người sống tình cảm và giàu có. Bà thường giúp đỡ rất nhiều người trong dòng họ về tiền bạc, vật chất. Nhiều trường hợp được bà cho không hàng chục triệu đồng.

Nữ đại gia bị rối loạn lo âu vì người thân liên tục hỏi... vay tiền - 1

Nữ đại gia nhiều lần cho người thân vay tiền, thậm chí cho không hàng chục triệu đồng. (Ảnh minh họa: Sohu)

Thấy người này tính tình rộng rãi, họ hàng thường tìm đến mượn tiền để làm ăn, buôn bán. Nhiều người thậm chí mượn tiền vì những lý do không quá cấp bách như con đỗ đại học nên mượn tiền mua xe máy. Trong khi trên thực tế, gia đình này có thể thu xếp phương tiện phù hợp với điều kiện của mình như cho con đi xe đạp, xe bus…

Bà H. biết mượn tiền như thế là không hợp lý nhưng vì tính cả nể nên bà ngại từ chối mà đáp ứng nguyện vọng của họ hàng.

Mọi chuyện sẽ vẫn trong tầm kiểm soát của nữ đại gia nếu Covid-19 không ập đến. Công việc kinh doanh, cho thuê bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn. Nguồn thu nhập của bà H. không còn đều đặn như trước, nhiều trường hợp khách thuê không trả tiền, khất lần khất lượt vì khó khăn…

Lúc này, họ hàng không hiểu được khó khăn mà nữ đại gia đang gặp phải, vẫn cứ vô tư đến mượn tiền. Bà T. mất ngủ triền miên, hồi hộp, căng thẳng khi có người nhà hỏi đến chuyện tiền nong. Bà lo lắng không biết lấy tài chính ở đâu cho người nhà vay. Cuối cùng, bà đã tìm đến chuyên gia tâm lý để xin lời khuyên.

Trao đổi với PV Dân trí, Thạc sĩ (Ths) tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt cho rằng, người Việt có truyền thống tương trợ, đùm bọc lẫn nhau. Đó là truyền thống rất tốt đẹp. Tuy nhiên, nhiều người lại lợi dụng điều này để dựa dẫm, ỉ lại vào người thân. Và câu chuyện của nữ đại gia trên là một ví dụ điển hình.

Người mượn thì mặc định cho rằng đã là con cái, anh em trong nhà thì đương nhiên phải có trách nhiệm với nhau: Ở quê lên thành phố khám bệnh thì phải đưa đón, thiếu tiền thì phải cho mượn, anh ở nhà cao cửa rộng thì phải hỗ trợ cho em…

Khi thấy người thân, họ hàng có điều kiện một chút, họ sẽ không ngại vay không thời hạn để phục vụ cho các mục đích của cá nhân. Người cho vay thì cả nể nên nhiều khi buộc phải đồng ý để tránh sứt mẻ tình cảm.

Nhiều người thậm chí không có tiền nhưng vì "thương tình" mà đi mượn tiền hộ dẫn đến không ít phiền toái và vô tình trở thành con nợ.

Nữ đại gia bị rối loạn lo âu vì người thân liên tục hỏi... vay tiền - 2

Theo Ths Tâm, trừ những tình huống cấp bách, mỗi người cần có sự chủ động về kinh tế, không nên dựa dẫm vào người thân. (Ảnh: T. T)

Nhiều năm làm tư vấn, vị chuyên gia này cũng gặp không ít trường hợp vợ giấu chồng cho nhà ngoại vay, chồng giấu vợ cho em tiền ăn học… Nhiều gia đình lao đao vì những khoản vay không có "dateline" (hạn trả) này.

Theo bà Tâm, trong gia đình, hai vợ chồng nên có ngôn ngữ chung về tài chính. Cả hai nên thống nhất đưa ra quan điểm không ai được lén lút cho vay tiền và cần có cùng câu trả lời nếu gặp tình huống người thân vay tiền. Tránh tình trạng vợ nói không có, chồng lại lén đem cho vay thì người vợ sẽ bị quy kết là ích kỷ.

Vị chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên đối với số đông: Tiền ở trong túi của mỗi người và quyền quyết định thuộc về bản thân người đó. Nếu bản thân không dư dả hoặc có kế hoạch đầu tư… thì có thể hoàn toàn nói lời từ chối.

"Đây không chỉ là một quyết định về tài chính mà còn mang tính tình cảm, ảnh hưởng đến mối quan hệ họ hàng. Việc thẳng thắn từ chối có thể sẽ làm mất lòng người thân nhưng chúng ta sẽ dập tắt được những mâu thuẫn không đáng có trong tương lai nếu rắc rối từ chuyện cho vay xảy ra.

Còn nếu cứ ấm ức cho vay đến lúc không đòi được thì tôi sợ lúc đó sẽ chẳng còn anh em bạn bè gì nữa mà chửi bới, kiện tụng nhau.

Để chăm sóc cho mối quan hệ với người thân, mỗi cá nhân vẫn có thể sử dụng các biện pháp tài chính khác như thăm hỏi người thân những dịp lễ, tết, biếu tặng một chút tiền để thể hiện sự quan tâm…", Ths Tâm nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm