Nữ cử nhân "cắn răng" làm công nhân vệ sinh nuôi con tự kỷ
(Dân trí) - Từng là cử nhân khoa Triết của một trường đại học, chị Nguyễn Thu Phương (35 tuổi, quê Thái Bình) quyết định từ bỏ công việc văn phòng sang làm thu dọn rác để có nhiều thời gian chăm con bị tự kỷ.
Cất bằng cấp, chấp nhận đi thu dọn rác để có thời gian chăm con
Đưa ánh mắt nhìn đứa con nhỏ đang chơi bên vệ đường, chị Phương vội vàng đẩy nhanh chiếc xe vào hầm chung cư lấy rác. Tuy mới ngoài 30, nhưng cuộc sống vất vả đè nặng lên đôi vai khiến chị Phương già hơn so với tuổi.
Một tay kéo, một tay đẩy, chị Phương oằn mình đưa từng xe rác ra khu tập kết. Chiếc xe rác đi tới đâu, cậu con trai 3 tuổi của chị lon ton theo tới đó.
Thấy vỏ chai nhựa vứt bên đường cu cậu reo lên "có vỏ chai mẹ ơi", rồi nhanh nhẹn chạy đến nhặt vỏ chai đưa cho mẹ. Chị Phương nhìn cậu con trai rồi hai mẹ con đẩy chiếc xe rác đi tiếp. Tuy mới 3 tuổi nhưng cậu con trai của chị Phương rất hoạt bát, khác hẳn với cậu con trai lớn.
Những lúc chị Phương lúi húi gom rác thì cu cậu vẫn ngoan ngoãn đợi mẹ xong việc. Thi thoảng em đưa mắt nhìn sang khu vui chơi rồi lại hướng ánh mắt đến vị trí mẹ đang làm.
Trong ít phút nghỉ ngơi sau một hồi vật lộn với rác chị Phương chia sẻ, trước khi làm công nhân vệ sinh chị từng là cử nhân khoa Triết học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Sau khi ra trường chị Phương xin vào làm hành chính - nhân sự ở một công ty xây dựng.
Cách đây ba năm, công ty chị Phương làm việc gặp khó khăn, nhân viên như chị Phương bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc. Cùng thời điểm đó, chị Phương biết tin mình có bầu cậu con trai thứ hai trong khi con trai đầu của chị không may mắn mắc chứng tự kỷ.
Cả tháng hai vợ chồng gom góp được khoảng 10 triệu, trừ tiền đi thuê nhà, ăn uống, học hành cho các con thì không có dư.
Khó khăn chồng chất khó khăn, chị Phương lo lắng cho cuộc sống mai này của các con nên đã quyết định nghỉ việc văn phòng và tìm một công việc có thời gian linh động hơn.
Chẳng ai có thể ngờ, một người có bằng cử nhân như chị Phương lại từ bỏ công việc văn phòng để làm công nhân thu dọn rác.
Đôi mắt rưng rưng chị Phương kể, hồi con trai đầu của chị được 8 tháng tuổi nhưng cháu mãi vẫn chưa biết lẫy. Thấy con chậm phát triển hơn so với những đứa trẻ khác chị Phương không khỏi lo lắng. Đến khi con được 3 tuổi, chị cho con đi học như các bạn thì cô giáo nói con chị có vấn đề.
Chị Phương liền đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra thì nhận được kết quả con mình bị tự kỷ dạng nhẹ. Nghe bác sĩ nói tim chị Phương thắt lại, không tin đó là sự thật. Đến nay con trai lớn của chị đáng lẽ lên lớp 5, nhưng vì chậm hơn so với các bạn, chị đang tính cho con học lại lớp 4 cho chắc. Gói ghém tất cả những đau khổ, chị Phương nỗ lực không ngừng để kiếm tiền lo cho con và trang trải cuộc sống.
"Bất cứ người mẹ nào cũng mong con mình sớm khỏi bệnh, có thể hòa nhập được với xã hội. Một đứa trẻ còn chưa hiểu chuyện nhưng lại mắc chứng tự kỷ sẽ rất thiệt thòi.
Tôi tìm hiểu các lớp dạy kỹ năng mềm cho trẻ tự kỷ và đưa con đến can thiệp. Nhưng học phí quá sức của gia đình tận 250.000 đồng/tiếng học, gấp rưỡi một ngày công dọn rác.
Cố cho con theo học được một tháng hết hơn 20 triệu rồi không kham nổi, tôi cũng đành cho con nghỉ học. Từ ngày không cho con đi học lớp can thiệp, tôi cố gắng tranh thủ thời gian rảnh dạy con học rồi nhờ cô giáo ở trường để ý nhiều hơn. Chỉ mong con biết đọc, biết viết rồi sau này kiếm được cái nghề tự nuôi bản thân là mừng lắm rồi", chị Phương buồn rầu nói.
Những ngày đầu khi mới nghỉ việc văn phòng, chị Phương đi ship hàng rồi kiêm luôn công việc dọn vệ sinh. Ngày thì tất tả đi gom rác ở các hầm chung cư tối đến chị lại rong ruổi khắp nẻo đường đi ship hàng.
6 tháng lương bị nợ... con thèm sữa cũng không có tiền mua
Chị Phương cho hay, ngày đầu tiên đẩy xe rác chui vào hầm, mùi hôi thối nồng nặc xộc vào mũi, vào mắt khiến chị khó thở. Tưởng chừng sẽ bỏ cuộc nhưng nghĩ về gia đình, nghĩ về con nhỏ, người phụ nữ này gạt vội giọt nước mắt rồi tiếp tục lao vào hầm thu gom rác.
"Ai thấy cũng hỏi sao được học hành tử tế mà lại đi gom rác, không tìm công việc phù hợp liên quan đến ngành học hay công việc văn phòng mà làm. Tôi chỉ cười rồi nói, mỗi người một hoàn cảnh. Nghề nào chẳng là nghề, quan trọng là lao động bằng chính sức lực mình bỏ ra thôi", chị Phương trầm ngâm.
Quyết định theo nghề dọn vệ sinh, chị đã bỏ qua những lăn tăn về bằng cấp và công việc để kiếm tiền lo cho các con. Nhưng điều chị Phương buồn nhất là đi làm rác mà lại bị chậm lương. Tết năm ngoái, không có tiền về quê chị phải "trốn" chẳng dám về. Rồi đến ngày bố đẻ mất chị phải vay mượn bạn bè để có tiền về quê.
Vuốt vội mái tóc, chị Phương nói, cuộc sống sẽ không phải đi vay từng bữa nếu công ty môi trường Minh Quân (tên cũ) không nợ lương. Công nhân như chị Phương đi làm cả tháng chỉ mong đến ngày có lương mua cho con hộp sữa hay đóng tiền nhà, tiền điện... Thế nhưng, ròng rã 6 tháng chị Phương và hàng trăm công nhân khác vẫn chưa được nhận lương.
Nhiều lúc thấy con thèm sữa chị Phương cũng phải "cắn răng" ôm con vào lòng vì không có tiền.
Với chị Phương, động lực để chị vượt qua những mệt nhọc trong cuộc sống hiện tại chính là hai cậu con trai của mình. Nhưng trăn trở lớn nhất của chị vẫn là cậu con trai lớn. Chị lo sợ sau này khi chị già, sức khỏe yếu sẽ không có ai chăm lo cho con.
Vì vậy, mỗi khi nghĩ đến con nước mắt chị Phương lại chực trào. "Mải gom rác để các con tự chơi với nhau mà trong lòng cứ nơm nớp lo sợ, sợ con đi lạc, sợ con gặp nguy hiểm. Nhiều khi cũng định cho con đi gửi trẻ nhưng dịch bệnh kinh tế khó khăn, không còn cách nào tôi phải cho con đi cùng. Vừa làm vừa để ý con, khi thì nhờ bà hàng nước, khi thì nhờ cô nhân viên nhà sách gần đó trông hộ", chị Phương nghẹn giọng.
Mỗi buổi chiều, khi đường phố đã lên đèn, chị Phương oằn lưng đẩy xe rác ra khu tập kết để chuyển lên chiếc xe ô tô đưa về bãi rác. Chứng kiến cảnh vận chuyển từng xe rác cao ngất che lấp bóng người được chị Phương đẩy đi mới thấy được nỗi vất vả của những người công nhân.
Chiếc xe cẩu rác rời đi, hai mẹ con chị Phương lại lóc cóc đèo nhau về phòng trọ. Chị Phương nói, để tiện cho công việc, chị thuê căn phòng rộng chừng 15m2 ở Đại Linh làm nơi sinh hoạt cho cả gia đình bốn thành viên.
Ngồi nghỉ sau một ngày làm việc bên mái ấm của mình, chị Phương cùng hai cậu con trai ríu rít nói chuyện. "Những lúc khó khăn, mệt nhọc chỉ cần nghĩ đến hai "gia tài" này thì khổ mấy tôi cũng chịu", chị Phương thủ thỉ.