Nữ caddie Việt tiết lộ "quy tắc ngầm" phục vụ khách trên sân golf
(Dân trí) - Trở về nhà sau 5 tiếng làm việc trên sân golf, chị H. mệt nhoài nằm xuống giường, thỉnh thoảng giãn cơ bằng động tác xoay cổ tay và chân cho đỡ nhức mỏi.
May thay, nay chị gặp khách "sộp", nhận được tiền boa 2 triệu đồng.
"Cả tháng trên sân golf, chỉ vài lần tôi mới được khách tip nhiều tiền như vậy. Còn đâu, khoản thu nhập này phụ thuộc vào tâm trạng và thành tích sau trận của người chơi", chị L.T.H (33 tuổi, ở Hải Phòng) chia sẻ.
Thu nhập thấp nhưng yêu cầu cao
"Bén duyên" với công việc caddie - nhân viên phục vụ trên sân golf cách đây 5 năm, chị H. từ một người chỉ biết đến golf qua tivi, phim ảnh, nay đã hiểu và hướng dẫn nhiều người chơi nghiệp dư trở nên thuần thục, tự tin hơn với bộ môn thể thao quý tộc này.
Chia sẻ với PV Dân trí, chị H. cho biết, caddie không chỉ có nhiệm vụ nhặt bóng, trao gậy, hỗ trợ bảo quản túi đựng golf và những phụ kiện người chơi mang theo,… mà đôi khi còn trở thành người đồng hành, "cánh tay trái" đắc lực của khách.
Để trở thành caddie, chị H. phải thông qua nhiều vòng tuyển chọn, đáp ứng các yêu cầu cao, nghiêm ngặt từ chuyên môn, ngoại hình cho đến sức khỏe, khả năng giao tiếp.
Theo người phụ nữ này, caddie là công việc vất vả nhưng với nữ caddie, khó khăn càng nhiều hơn, song thu nhập lại không cao.
Chị H. hiện làm việc tại một sân golf ở Hải Phòng với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Riêng tiền tip không cố định, phụ thuộc vào người chơi.
Trung bình mỗi tháng, chị nhận được khoảng 5-6 triệu đồng tiền tip. Tháng nào có nhiều khách đặt lịch hoặc khách là người nước ngoài, tiền tip của chị có thể cao hơn.
Theo chị H. nhiều người lầm tưởng caddie là "việc nhẹ lương cao" nhưng thực tế, công việc mà một caddie phải đảm nhiệm, hỗ trợ một người chơi trong suốt buổi đánh golf nhiều "không đếm xuể". So với công sức bỏ ra và số tiền lương thu về nữ caddie đánh giá là không tương xứng.
"Tôi phải đảm bảo đưa đúng gậy golf cho khách khi họ thực hiện cú đánh, giữ cho gậy, bóng luôn sạch sẽ trước mỗi lần phát bóng hay thực hiện cú gạt bóng khi bóng đã ở trên mặt cỏ,....
Ngoài ra, tôi còn phải nhìn hướng bóng để chỉ cho người chơi, nhất là với người mới và chưa có nhiều kinh nghiệm về golf", chị H. nói.
Bên cạnh các công việc lao động chân tay, chị H. cho hay, một caddie chuyên nghiệp còn đòi hỏi có nền tảng kiến thức chắc chắn về golf.
Không chỉ hiểu rõ luật chơi, các thuật ngữ về golf, caddie còn cần biết sự khác biệt giữa gậy sắt, gậy gạt, gậy gỗ… hay sửa lại điểm phát bóng để khách thuận lợi khi chơi, lau chùi gậy và bóng khi cần thiết, theo dõi đường bóng (mắt phải tinh), ghi điểm, đánh dấu khi bóng vào lỗ,...
Đặc biệt, caddie cũng cần nắm rõ thiết kế của sân golf, biết vị trí có thể có bẫy hoặc vùng nước để giúp người chơi tránh đánh bóng vào.
Để hỗ trợ khách xác định khoảng cách đến green (vùng cỏ quanh hố golf), caddie còn phải biết sử dụng các điểm đánh dấu khoảng cách khác nhau trên sân golf và học cách tính khoảng cách từ quả bóng đến mặt cỏ.
"Khi người chơi đánh bóng, caddie phải theo dõi hướng bóng đi để biết chính xác vị trí bóng rơi xuống. Caddie sẽ sử dụng nhiều điểm đánh dấu và cột mốc khác nhau để thuận tiện theo dõi vị trí của quả bóng này, ngay cả khi bóng rơi vào bẫy cát hay hố nước khiến họ không thể quan sát", người phụ nữ 5 năm theo nghề caddie tiết lộ.
Nghề làm dâu trăm họ
Nhắc tới vụ việc một caddie ở Quảng Nam mới đây bị người chơi đánh gãy gậy golf, chị H. thừa nhận, người làm công việc này phải đối mặt với nhiều vấn đề về tâm lý, sức khỏe.
Trong một buổi đánh golf, caddie phải theo chân người chơi suốt 4-5 giờ đồng hồ, di chuyển từ hố golf đầu tiên đến hố golf thứ 18, kéo theo bộ gậy nặng từ 12-15kg.
Họ cũng có nhiệm vụ che nắng, cung cấp nước uống, khăn lau và phải liên tục theo sát người chơi để sẵn sàng hỗ trợ hoặc nhắc nhở khách tuân thủ các quy định của sân golf cũng như luật chơi.
"Hiện, nhiều sân golf có cung cấp xe chuyên dụng để người chơi và caddie di chuyển tới các hố golf khác nhau. Tuy nhiên, một số khách lại có sở thích đi bộ. Tùy thiết kế từng sân mà khoảng cách giữa các hố golf là khác nhau, dao động từ 200 - 400m.
Caddie phải đồng hành suốt trận với khách nên có khi, họ phải đi bộ, rong ruổi 7-8km quanh sân. Chưa kể còn hỗ trợ mang phụ kiện, túi gậy,… cho người chơi, đảm bảo buổi đánh golf diễn ra thuận lợi nhất", chị Q.T, caddie 29 tuổi ở Hòa Bình chia sẻ.
Chị T. thừa nhận, vì phải đi, đứng nhiều qua các trận golf nên caddie dễ gặp các vấn đề về chân, khớp. Do đó, tuổi nghề của những người này khá thấp, chỉ từ 3-5 năm, hoặc 7 năm.
Song, theo chị, vấn đề lớn nhất là tâm lý mỗi lần ra sân golf cùng người chơi. Nếu may mắn gặp được khách có tính cách vui vẻ, dễ chịu thì caddie cũng cảm thấy thoải mái. Ngược lại, không ít trường hợp người chơi mất bình tĩnh, nổi giận khi đánh bóng hỏng, thua trận rồi sẵn sàng trút cơn giận lên caddie.
"Một số caddie được xem như bạn đồng hành thân thiết của người chơi, trở thành người phục vụ riêng biệt cho khách đó vì họ hiểu suy nghĩ của nhau. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người chơi và caddie chỉ mới tiếp xúc, chưa có sự kết nối nên dễ nảy sinh mâu thuẫn. Có trường hợp, caddie thiếu kinh nghiệm, đếm số gậy hay tính điểm sai có thể gây ảnh hưởng ngược lại tới tâm lý của người chơi", chị T. chia sẻ.
Nữ caddie này tiết lộ từng gặp trường hợp người chơi phẫn nộ, quát mắng nhân viên hỗ trợ một cách thậm tệ chỉ vì người này tính sai số gậy, ảnh hưởng đến kết quả trận golf.
Vài lần khác, cô cũng được yêu cầu phải giữ im lặng, cấm chụp hình khi tham gia trận golf cùng người chơi. "Tôi chỉ được phép lên tiếng khi khách cần tư vấn. Tôi cũng không được chụp hình, quay phim và đảm bảo bí mật đời tư, thông tin cá nhân của người chơi hay bạn bè, người quen đi cùng họ", chị kể.
Tính đến nay, chị T. có gần 4 năm kinh nghiệm làm caddie, hỗ trợ hơn trăm người chơi với đủ độ tuổi, ngành nghề khác nhau. Chị nhận xét, công việc này như "làm dâu trăm họ", phải học cách kiên nhẫn, bền bỉ cũng như giao tiếp ứng xử khéo léo để không gây ảnh hưởng đến tâm lý người chơi hay kết quả trận golf.
Với trận golf thông thường, mang tính giải trí, việc caddie tính sai gậy hay kết quả cũng được người chơi sẵn sàng thông cảm và bỏ qua. Tuy nhiên, với trận đấu cần phân thắng - thua hay có cá cược thì việc tính kết quả đòi hỏi sự chặt chẽ và chính xác cao nhất.
Chưa kể, caddie còn phải "chiều lòng" người chơi, đáp ứng một vài yêu cầu "kỳ quặc", dễ gây tranh cãi.
Chị T. từng gặp người chơi có hành vi gian lận, gây áp lực để caddie tính kết quả có lợi cho mình, tuy nhiên trường hợp này không nhiều. Một vài golfer khác thì bất chấp luật chơi và lời nhắc từ caddie.
Cách đây nửa tháng, chị cũng được phen "muối mặt" vì golfer bỏ ngoài tai lời thông báo, vẫn thực hiện cú đánh bóng thẳng về hướng cờ (nơi đưa bóng vào lỗ golf) dù chưa đảm bảo khoảng cách an toàn. Hậu quả, bóng văng trúng nhóm khách phía trước khiến một người bị choáng, sưng u một phần trán.
"Tôi nghe tiếng hét từ nhóm khách đó nên đoán chắc có người bị bóng đánh trúng rồi. Quả bóng golf này nếu bị đánh trúng người với tốc độ như thế sẽ rất đau, gây chấn thương, thậm chí "sứt đầu mẻ trán".
Lúc đó, tôi hốt hoảng nhờ golfer cùng đi lên đó để xin lỗi nhưng bị từ chối nên một mình tới xin lỗi, chân thành muốn khắc phục sự cố, đưa khách đi kiểm tra sức khỏe. Nhưng họ mắng tôi thậm tệ vì để người chơi thực hiện cú đánh khi chưa đảm bảo an toàn. Còn golfer tôi hỗ trợ cũng bị chỉ trích là không hiểu luật và thiếu văn hóa golf", chị nhớ lại.
Nữ caddie 29 tuổi tiết lộ, nhiều trường hợp lỗi xảy ra từ phía người chơi nhưng caddie vẫn phải chịu trách nhiệm, nhẹ thì bị phạt, trừ lương hoặc nặng thì bị đuổi việc.