Nữ bí thư bản Mường vượt khó, kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm
(Dân trí) - Không chấp nhận với những khó khăn trong sản xuất và đời sống, nữ Bí thư chi bộ nơi bản Mường của xứ Thanh đã luôn tìm tòi, học hỏi để đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn hoạt động năng nổ trong công tác xã hội, giúp đỡ người dân địa phương cùng thoát nghèo.
Người phụ nữ không chấp nhận cái nghèo
Người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà mà chúng tôi muốn nhắc đến là chị Bùi Thị Sen, thôn Ngọc Lâu, xã Thành Công, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Với người dân địa phương, không ai là không biết đến chị, không chỉ là một Bí thư chi bộ tận tụỵ, năng động, dám nghĩ, dám làm mà còn là tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi.
Không những thế, chị còn là Hội viên ưu tú của Hội liên hiệp phụ nữ xã, luôn tiên phong đi đầu trong các phong trào. Không phải ngẫu nhiên mà khi nghe chúng tôi hỏi, ông Hà Đức Tâm - Chủ tịch UBND xã Thành Công liền nhớ đến chị và không tiếc lời khen đối với nữ Bí thư thôn Ngọc Lâu - Bùi Thị Sen (SN 1974), chị là người dân tộc Mường.
Đang làm cỏ cho ruộng bí, thấy chúng tôi đến, chị dừng lại trò chuyện. Chỉ tay về những diện tích đất mới bị cơn lũ quét qua, chị Sen than thở: “Nếu đừng bị trận lũ vừa rồi thì bây giờ toàn bộ 7 sào đất này đã được phủ xanh toàn bí sạch. Mới vừa ươm giống xong, nước lũ lên cao nên mất hết, cả mấy triệu tiền giống cũng theo nước mà đi. May còn lại hơn một sào ở trên cao nên không mất. Vài hôm nữa tạnh ráo hẳn lại phải ươm giống mới thôi. Nhà tôi năm nào cũng có bí sạch, không thuốc bảo vệ thực vật, để bán cho bà con nhân dân”.
Trở về nhà khi trời đã gần trưa, pha ấm trà mời khách, chị chậm rãi kể về quá trình thoát nghèo của gia đình mình. Năm 1999, chị lập gia đình, thời điểm ấy, gia đình nhà chồng vẫn là một trong những hộ nghèo nhất trong thôn. Trong gia đình có đến 4 thế hệ sinh sống, nhà đông người, trong khi chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nước, bấp bênh, đồi nương cũng không đủ.
Thời điểm đó, muốn làm gì cũng khó khăn, vì vốn liếng không có, con còn nhỏ, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám, nghĩ cách thoát nghèo nhưng càng nghĩ càng bế tắc. Đến năm 2003, được sự tín nhiệm của bà con bầu chị làm Bí thư chi bộ thôn Ngọc Lâu. Từ khi làm công tác xã hội, chị thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ về trồng trọt, chăn nuôi do xã, huyện tổ chức để về phổ biến cho bà con trong thôn.
Là người cần cù, ham học hỏi nên chị Sen càng thấu hiểu sự vất vả của người dân quê mình, bởi phần lớn bà con chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, chưa có tư duy và phương thức sản xuất bền vững, nên nhiều hộ gia đình vẫn còn nghèo. Với quyết tâm khó khăn không thoái lui, những lúc nhàn rỗi, chị dành tất cả thời gian vào việc đọc báo, nghe đài, xem ti vi, đi thực tế ở nhiều nơi để học hỏi về áp dụng cho địa phương mình.
Năm 2010, Ngân hàng chính sách xã hội có chủ trương cho vay vốn sản xuất hộ gia đình, chị đã mạnh dạn làm đơn xin vay vốn. Xác định phương châm lấy ngắn nuôi dài, chị quyết định vay 15 triệu đồng tiền vốn của ngân hàng chính sách để đầu tư. Chị đã dùng 10 triệu đồng mua dê chăn thả, 5 triệu đồng còn lại mua cây keo giống trồng, vừa phủ xanh được đồi trọc.
Sau nhiều năm vất vả, đến năm 2015, chị bán đàn dê được 60 triệu đồng. Từ những nguồn vốn mới, chị quay sang mua thêm bò. Không bằng lòng với những kết quả trước mắt, chị còn quyết định đầu tư làm chuồng trại để nuôi thêm lợn rừng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện tại, gia đình chị Sen luôn giữ mức ổn định với quy mô trên 40 con dê thịt, 7 con bò sinh sản, hơn 30 con lợn rừng, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ việc chăn nuôi. Ngoài việc chăn nuôi theo hướng gia trại tổng hợp, gia đình chị còn tiên phong trong việc trồng các loại rau sạch như: Bí xanh, rau cải các loại phục vụ thị trường.
Cán bộ bản mường xông xáo việc nước
Ngọc Lâu là thôn thuần nông của xã Thành Công, có đến 90 hộ dân, 421 nhân khẩu với 100% đồng bào dân tộc Mường. Đến nay, đã hoàn thành 12/14 tiêu chí nông thôn mới, khó nhất là tiêu chí môi trường và tiêu chí hộ nghèo. Trước đây, Chi bộ thôn chỉ có một Bí thư và một Phó Bí thư.
Chị Sen đã tìm hướng phát triển đảng viên, như tổ chức họp ban mặt trận, họp Chi bộ mở rộng để tìm hướng đi. Đến nay, thôn Ngọc Lâu đã có một Chi bộ vững mạnh, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh.
Vừa làm công tác lãnh đạo thôn, vừa phát triển kinh tế giỏi, chị Sen còn là tấm gương về nhân cách sống. Mặc dù sống trong gia đình có 4 thế hệ, nhưng chị luôn là một người mẹ, người vợ, người con hiếu thảo. Hai người con của chị đều chăm ngoan, gia đình đoàn kết, hòa thuận.
Bên cạnh đó, chị Sen còn là người xây dựng khối đại đoàn kết ở trong thôn, tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng đến với người dân. Hiện các tổ chức đoàn thể trong thôn phát triển mạnh, thôn không có tệ nạn xã hội, không có trộm cắp.
Đồng thời, đời sống kinh tế của người dân đang có những bước cải thiện đáng kể. Người dân cũng đã có ý thức hơn trong việc giữ vững an ninh trật tự, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Trong thôn không có hủ tục, đời sống pháp luật, tinh thần... đang dần ăn sâu vào từng hộ dân.
Bà Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Thành Công cho biết: “Chị Bùi Thị Sen thực sự là một Đảng viên ưu tú, và là một trong những hội viên năng động tháo vát của Hội, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong công tác Hội, chị luôn là người tích cực tham gia các câu lạc bộ, các phong trào địa phương phát động. Là người biết học hỏi sáng tạo, gần gũi giúp đỡ các hội viên khác”.
Nhờ làm ăn kinh tế giỏi, nhiệt huyết trong công tác xã hội nên năm 2014, chị vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen. Đồng thời, với vai trò trưởng ban MTTQ thôn, chị đã hoàn thành xuất sắc công tác mặt trận. Năm 2016, thôn Ngọc Lâu được Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tặng bằng khen.
Chúc Phương - Duy Tuyên