Thanh Hóa:
Nông dân lo mất Tết vì mía mất mùa, rớt giá
(Dân trí) - Tết cận kề nhưng hàng trăm ha mía trên địa bàn huyện Bá Thước không thể bán được hoặc bán với giá "bèo bọt" khiến người nông dân lao đao lo mất Tết.
Khoảng những năm từ 2016 trở về trước, cây mía tím là cây chủ lực của huyện Bá Thước, thế nhưng vài ba năm trở lại đây do những tác động tiêu cực từ thời tiết và thị trường làm cho cây mía bị mất mùa, rớt giá, người nông dân không khỏi lao đao.
Năm nay, đất bạc màu cộng với thời tiết hạn hán kéo dài đợt giữa năm khiến cây chậm lớn. Vì vậy, nhiều diện tích mía kém chất lượng, cây ngắn, mắt lại dày nên người mua không còn mặn mà. Cho đến thời điểm hiện tại, hàng trăm ha mía vẫn không thể bán được hoặc bán với giá bèo bọt không đủ chi phí đầu tư cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Một số hộ, mía không bán được đành phải chặt cho trâu bò ăn.
Cả thôn Xuân Long (thị trấn Cành Nàng) có 62 hộ thì 50 hộ trồng mía. Khoảng 17 ha đất nông nghiệp trồng màu trong thôn được bà con chuyển sang trồng mía. Vài năm gần đây, do giá cả, chất lượng kém nên sản lượng giảm chỉ còn chừng một nửa.
Đáng nói, năm nay toàn thôn chỉ có khoảng 5 ha mía bán được nhưng giá chỉ 3 triệu đồng một sào. Số mía chưa bán bà con chặt cho trâu bò ăn hoặc bán cho chủ trang trại quanh vùng làm thức ăn chăn nuôi, giá 1,5-1,8 triệu/sào. Trong khi những năm trước giá cho 1 sào mía, người nông dân có thể thu về 7-10 triệu đồng.
Anh Hoàng Văn Trung (ở thôn Xuân Long, thị trấn Cành Nàng) thở dài cho biết, gia đình anh trồng hơn 7 sào mía tím. Thời điểm này đang là vụ thu hoạch nhưng gia đình anh vẫn chưa thể bán được sản lượng mía nào do mía kém chất lượng, cây ngắn, mắt dày.
"Năm nay đất bạc màu cộng với thời tiết hạn hán kéo dài khiến cho cây chậm lớn. Không những gia đình tôi mà rất nhiều gia đình khác cũng chịu cảnh như vậy. Cây mía là cây cho thu nhập chính trong gia đình, năm nào cũng trông chờ cái Tết từ đó, nhưng có lẽ năm nay người nông dân như chúng tôi mất Tết. Thậm chí, mía đang phải chặt dần về cho trâu bò ăn" - anh Trung ngậm ngùi cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Huân, Trưởng thôn Xuân Long, trước đây, đến kỳ thu hoạch là thương lái tranh nhau đặt hàng, không có mía bán, mỗi sào mía tím, người dân thu gần chục triệu đồng. Thế nhưng ba năm trở lại đây giá giảm chỉ còn 2-3 triệu đồng/sào. Trừ chi phí phân, thuốc trừ sâu, giống nòi, người nông dân còn bị lỗ nặng".
Được biết, năm 2020 tổng diện tích mía tím toàn huyện Bá Thước có gần 804 ha, sản lượng đạt hơn 56.000 tấn.
Ông Hà Văn Ân, Phó Phòng NN&PTNT huyện Bá Thước cho biết: "Diện tích mía mất mùa của toàn huyện chiếm khoảng 35-40%. Nguyên nhân mía kém chất lượng do trong năm có đợt nắng nóng kéo dài từ tháng 4 đến cuối tháng 7, cây mía trong thời kỳ vươn lóng không đủ nước nên thắt ngọn, kém phát triển. Chỉ một số vùng chủ động được nước tưới thì mới đảm bảo năng suất".
Cũng theo ông Ân, năm 2021, những diện tích kém chất lượng, huyện sẽ định hướng chuyển sang cây hoa màu khác như sắn, ngô, cây gai... chỉ giữ khoảng 700 ha trồng mía tím, tập trung cho những vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường.