Quảng Nam:
Nông dân "đứng ngồi không yên" vì ớt xuất khẩu rớt giá, đầu ra bấp bênh
(Dân trí) - Nhiều cánh đồng ớt xuất khẩu tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn (Quảng Nam) đang vào độ thu hoạch, nhưng ớt rớt giá, đầu ra bấp bênh khiến nông dân đứng ngồi không yên.
Cánh đồng Phú Tây, Văn Ly (xã Điện Quang, Điện Bàn) từng là vùng chuyên canh cây ớt tươi xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc với diện tích lên tới vài chục ha. Mỗi ha trồng ớt nếu trúng mùa có thể cho năng suất 30 tấn trái tươi.
Vụ ớt tươi đông xuân 2019-2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, con đường xuất khẩu đi Trung Quốc gặp khó nên thị trường ách tắc. Giá ớt tươi thu mua tại vườn hiện tại chỉ 3,5 ngàn đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Đình Tiến (xã Đại Quang, Điện Bàn), năm ngoái giá ớt khoảng 15-20 ngàn/kg, nhưng năm nay rớt chỉ còn 3,5 ngàn/kg. Tiền ớt bán ra không bù lại được công nông dân chăm sóc, phân bón, nước tưới. Đầu ra cũng bấp bênh, thương lái chỉ thu mua cầm chừng.
“Thương lái họ bảo Trung Quốc không “ăn hàng” nên cũng chỉ mua cầm chừng, ngày hôm nay thì chẳng thấy ai mua nữa. Cứ đà này thì lỗ nặng”, ông Tiến chia sẻ.
Những người nông dân trồng ớt tại xã Điện Trung (Điện Bàn) cũng lắc đầu ngao ngán trước điệp khúc “được mùa mất giá”. Theo họ, đầu vụ ớt có giá 5 ngàn/kg, nhưng hiện nay chỉ còn 3,5 ngàn/kg và thương lái cũng đã dừng thu mua.
Gia đình ông Phạm Phú Chín (xã Điện Trung, Điện Bàn), trồng 2 sào ớt Ấn Độ 138 đang vào độ thu hoạch rộ nhưng ớt rớt giá, đầu ra bấp bênh khiến ông chán nản.
Theo ông, giống này cũng có thể để chín hái phơi khô đẹp màu hơn các giống khác. Tuy nhiên, ai cũng mong muốn bán tươi để có năng suất hơn, bởi càng hái nhiều, càng chăm, càng tưới thì cây sẽ phát triển. Còn nếu không hái thì cây sẽ không phát triển và không cho nhiều trái.
“Nhưng giá này thì hái chỉ đủ tiền công, chẳng có lời gì nên nhiều người cũng không muốn hái. Vì vậy, không chỉ mất giá, mà có nguy cơ sẽ suy giảm năng suất, nếu tình hình giá cả không ấm lên vào thời gian tới”, ông Chín nói.
Thời điểm này năm trước, người dân đang hối hả thu hoạch vụ ớt xanh để xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Hàn Quốc thì hiện nay hàng chục ha ớt sai quả tại cánh đồng xã Điện Phong (Điện Bàn) đang vào mùa thu hoạch rộ lại phải để xanh trên đồng vì vắng bóng người mua. Giá giảm, người nông dân không mấy mặn mà.
Cũng như nhiều hộ trồng ớt khác, vụ đông xuân năm nay gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (xã Điện Phong, Điện Bàn) xuống giống 5 sào ớt Ấn Độ. Điều kiện thời tiết năm nay thuận lợi nên cây ớt phát triển tốt và cho năng suất rất cao.
“Các năm trước giá thấp nhất cũng 8 nghìn đồng trở lên, nhưng năm nay ớt được mùa, trái sum suê nhưng giá lại thấp quá. Trong khi đó, mỗi sào ớt tôi đầu tư ít nhất cũng khoảng 3 triệu đồng. Nếu giá như hiện thì không thể thu hoạch vì không bù lại ngày công. Còn để ớt chín thì cây ớt sẽ không phát triển nữa, chúng tôi không thể lấy lại vốn”, bà Hồng nói thêm.
Vụ đông xuân năm 2020, thị xã Điện Bàn sản xuất 274 ha ớt, tập trung tại các xã Điện Quang, Điện Hồng, Điện Phong, Điện Minh, Điện Thọ… Theo Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, cây ớt trên địa bàn thị xã chủ yếu xuất sang Trung Quốc.
“Hiện nay ớt rớt giá là do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19. Trước tình trạng trên, địa phương vận động nông dân chuyển qua bán ớt khô”, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho hay.
Không chỉ Điện Bàn mà các địa phương lân cận như Duy Xuyên, Đại Lộc… ớt là loại cây mang lại thu nhập cao cho người dân, nay cũng gặp tình trạng tương tự. Nhiều nông dân trông chờ vụ ớt để lấy lại vốn đầu tư, nhưng hiện tại thì phải chờ thị trường xuất khẩu khởi sắc hơn.
Vụ này ông Nguyễn Văn Định (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) cũng trồng 2 sào ớt, chủ yếu là giống hái bán tươi, trái to, màu xanh thẫm. Ông Định cho biết, đã nắm bắt thực tế qua báo đài là xuất khẩu Trung Quốc gặp khó nên cũng không buồn gì. Chỉ cần giá ớt tươi 8-10 nghìn đồng/kg thì có lãi rồi. Ai cũng chỉ mong vậy thôi, mà đầu ra khỏe thì cây ớt ăn đứt các cây khác.
Thời điểm này mấy năm trước, vụ ớt xanh bán tươi cũng giúp nông dân vùng Đại An, Đại Nghĩa, Đại Minh (huyện Đại Lộc) có nguồn thu nhập khá. Diện tích trồng ớt Ấn Độ 403, Ấn Độ 433, Phù Sa 138, Chánh Phong... trên các cánh đồng trên lên tới 50ha.
Mỗi sào ớt chỉ hái bán tươi cũng giúp nông hộ thu về cả chục triệu đồng tiền lãi thì vụ này giá rớt thê thảm, lại chẳng có người thu mua, hoặc có mua cũng rất ít. Ai nấy đang thấp thỏm trông chờ thị trường khởi sắc, giá cả bớt ảm đạm để cải thiện nguồn thu.
Công Bính – Ngô Linh