(Dân trí) - Trưa 29 Tết, dưới bóng cây nhỏ xíu, ông Nguyễn Văn Bình, 67 tuổi quê Mang Thít nheo mắt nhìn vào đám vạn thọ thiếu nước, mềm rũ, giữa đường là dòng người tươi cười chụp ảnh rồi vội rời đi.
Nỗi niềm thương hồ miền Tây đem hoa lên TPHCM bán Tết
Trưa 29 Tết, dưới bóng cây nhỏ xíu, ông Nguyễn Văn Bình, 67 tuổi quê ở Mang Thít nheo mắt nhìn vào đám vạn thọ thiếu nước, mềm rũ, giữa đường là dòng người tươi cười chụp ảnh rồi vội rời đi.
Một tuần nay, hơn 100 ghe thuyền từ các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp… tấp nập đổ về chợ hoa "trên bến dưới thuyền" ở bến Bình Đông, quận 8 để bán Tết.
Hơn 40 năm qua, hình ảnh những chiếc ghe chở đầy hoa giấy, hoa mai, cúc, vạn thọ... rực rỡ sắc màu neo trên kênh Tàu Hủ trở nên quen thuộc với người dân TPHCM dịp xuân về. Trên bờ, những chậu hoa được chuyển lên sát vỉa hè để bán, dòng người vội vã qua lại chọn lựa hoa. Ít ai biết, để có những chậu hoa, chậu kiểng mang Tết về cho người TPHCM, nông dân trồng hoa miền Tây đã phải rất vất vả.
Mang theo nước sông từ quê lên tưới
Dọc đường Bến Bình Đông, chợ hoa đoạn giữa cầu Chà và đường đi bộ số 6 dài hơn 1km là khu vực tập trung hơn 600 gian hàng bán hoa, cây cảnh, trái cây... Điểm bán mai vườn của 4 anh em nhà anh Văn Hải, 40 tuổi quê Chợ Lách, Bến Tre nằm ở gần cuối đường.
Gia đình vốn có truyền thống trồng mai từ thời ông nội, cả 4 anh em nhà anh Hải hiện tại đều nối nghiệp. Tết này, mọi người chở lên TPHCM 3 ghe mai với hơn gần 300 chậu mai lớn, tuổi đời hơn chục năm trở lên. Xen giữa những chậu lớn, anh chèn thêm các chậu mini từ 2 - 3 năm tuổi, bán giá vài trăm nghìn đồng.
Đã 20 năm mang hoa lên TPHCM bán Tết, anh Hải có nhiều khách quen. Cập bến từ ngày 25 tháng Chạp, anh Hải liên tục nhận được các cuộc gọi hỏi mua hoa từ những mối quen. Tuy nhiên, năm nay nhiều mối đến xem rồi chê nụ còn nhỏ, sợ không kịp nở trúng Tết nên chuyển đến gian hàng khác lựa hoa.
"Thời tiết cuối năm thất thường, mưa và lạnh nhiều hơn mọi năm nên hoa trong vườn đạt để đem bán chỉ khoảng 70%", anh Văn Hải nói.
Vì thế, ngay sau khi mai cập bến, anh cùng những người anh em của mình chuyển những chậu mai lớn lên bờ. Hàng rào ngăn cách khá cao, 4 người cùng nhau chuyển 1 chậu thì mới qua.
Không chỉ chở hoa, ghe thuyền còn phải chở thêm hàng chục can nước sông ở quê nhà. Giữa trưa nắng, anh Hải đổ nước ra bình tưới rồi đi phun ướt đẫm các chậu mai.
"Trời nắng to mà mai gặp nước mát sẽ nhanh bung nụ hơn. Đặc biệt là phải dùng nước sông dưới quê để tưới vì cây mai đã quen môi trường. Chợ hoa cũng có nước máy nhưng tôi sợ tưới vào lỡ rụng nụ thì tiêu", anh Hải lý giải. Vì thế, suốt ngày, mọi người trong nhóm của anh Hải thay phiên nhau tưới nước liên tục cho mai giữa trời nắng như đổ lửa.
Cách gian hàng của anh Hải không xa là điểm bán của ông Nguyễn Văn Bình, 67 tuổi ở Mang Thít, Vĩnh Long. Năm nay là lần đầu tiên ông mướn ghe chở vạn thọ và mai nhà trồng lên TPHCM bán.
"Mọi năm tôi bán ở Bạc Liêu, Cần Thơ nhưng nay có đứa cháu quen, giúp tôi đăng ký lô bãi trên này để bán", ông Bình nói.
Lần đầu tiên đi xa, ông Bình và chủ ghe bàn nhau mua thức ăn từ dưới quê mang theo để tự nấu cơm ăn vì sợ ăn tiệm đắt đỏ. Cũng như anh Hải, ông Bình mang nước từ quê lên tưới nhưng không đủ. Lên TPHCM từ 22 Tết để kịp bán vạn thọ cho khách mua cúng ông thọ, cúng tất niên... Sau hơn 1 tuần, đám vạn thọ của ông đã mất sức, không còn tươi tắn như hồi mới lên.
Nguồn nước có hạn, nên ông Bình chỉ tưới mỗi ngày một chút ở phần gốc để cầm chừng. Hoa vạn thọ thiếu nước, ủ rũ giữa trưa, gương mặt người đàn ông buồn rầu, thấp thỏm vì chỉ mới bán vài chục chậu trong tổng số 500 chậu vạn thọ đang còn nằm dưới ghe. Ngồi một mình buồn, thi thoảng, ông cúi tìm bắt những con sâu ngoi trên hoa vì nắng nóng. Tặc lưỡi, ông nói: "Năm đầu lên đây mà thấy bán chậm quá!".
Vốn tăng gấp đôi vì thuê ghe, bãi
Nhiều người trầm trồ thích thú nét độc đáo của chợ hoa Bến Bình Đông với hàng trăm chiếc ghe chở đầy sắc hoa, nhưng mấy ai biết mỗi chiếc như thế, người trồng hoa phải thuê mất hơn 15 triệu đồng. Chi phí thuê mỗi gian hàng mất thêm 4,2 triệu, cộng thêm các khoản lặt vặt khác, người trồng hoa mất thêm ít nhất 20 triệu đồng cho một chuyến chở hoa đi TPHCM.
Ghe xuôi sông Tiền, qua cầu Rạch Miễu rồi vào sông Vàm Cỏ Tây mới đến được TPHCM. Thời gian di chuyển mất khoảng 12 tiếng. "Nếu đoạn sông nào gặp dòng nước nghịch, chúng tôi phải đi chậm lại", tài công Tú, quê Vĩnh Long nói.
Tài công ngoài trách nhiệm lái ghe còn ở lại phụ bán cho đến 30 Tết thì chở chủ vườn và hoa nếu còn về lại quê. Năm nào bán hết sớm, mọi người may ra kịp đón giao thừa ở nhà. Nếu hết hàng muộn, có khi đến trưa mùng 1 họ mới về đến nhà.
Ngoài những loại hoa ngắn ngày như cúc, trồng khoảng 4 tháng, vạn thọ 2 tháng, các loại tắc lớn và mai mini mất ít nhất 2 năm mới có thể đem bán. Chưa tính tiền vốn mua giống, chậu và phân bón, riêng việc chăm sóc, tưới hoa mỗi ngày cũng đủ cho thấy tâm sức đầu tư cho một chậu hoa nở kịp Tết của nông dân lớn như thế nào.
Đặc biệt, với những loại cây và chậu lớn từ 2-3 người khiêng như mai cổ thụ, tắc... thì nông dân phải thuê một chiếc ghe lớn hơn với giá gần 20 triệu đồng để vận chuyển.
Anh Cửu, một tài công theo ghe, phụ bán hoa cho gian hàng Minh Lâm, Bến Tre cho biết, trong hơn 10 năm chở hoa lên TPHCM, chưa bao giờ thấy hoa ế như năm nay. Mang theo 2.000 chậu mai mini khoảng 2 -3 năm tuổi lên bán từ 24 Tết, đến trưa 27 mọi người mới chỉ bán được chưa đến 100 chậu. Thời điểm đó, giá 300.000/chậu nhưng đến tối 29 giảm còn 250.000 đồng/ chậu vì muốn bán nhanh để ngày 30 Tết được về sớm.
"Công chăm 2 năm biết bao nhiêu mà tính. Chúng tôi chủ yếu lời số nhiều, lấy công làm lãi. Nhiều khách nghe báo giá xong chỉ trả phân nửa làm sao chúng tôi bán được", anh Minh Lâm, chủ vườn chia sẻ.
Chia sẻ về việc bị khách hàng trả giá quá thấp, các nông dân đều tâm sự rằng việc trả giá là quyền của khách hàng. Còn việc có bán hay không còn phải xem với mức đó, họ có lời hay không. Tuy nhiên, theo quan sát của mọi người, năm nay, người dân không vội chi tiền như mọi năm mà đi hỏi giá một lượt rồi mới quyết định mua.
Dẫu biết mọi chi phí đều tăng khi đem hoa lên TPHCM, song các nông dân thừa nhận rằng, chỉ có lên thành phố mới bán được số lượng nhiều. Giá ở thành phố cũng cao hơn so với bán ở các tỉnh.
"Trời ưu ái cho khí hậu, đất đai các tỉnh miền Tây phù hợp để trồng hoa. Tỉnh nào cũng trồng được, nếu chỉ bán ở dưới đó khác nào 'chở củi về rừng'. Vì thế, chúng tôi phải chấp nhận đi xa một chút mong bán nhiều hơn", anh Văn Lộc, 37 tuổi, nông dân trồng tắc quê Bến Tre tâm sự.
Và, dù biết vất vả nhưng những người như anh Hải, ông Bình, anh Lộc... ít khi chịu bán sỉ cho thương lái vì thích được lên thành phố bán lẻ hơn. Trong 20 năm trồng tắc, chỉ duy nhất có 1 năm anh Lộc bán sỉ. Tuy thảnh thơi ngày Tết, nhưng ông chủ vườn lại thấy không vui nhiều.
"Bởi, với những nông dân như tôi, được tự tay mình trao đi thành quả lao động cả 1 năm đến khách hàng là điều hạnh phúc nhất. Đôi khi chúng tôi không mong mình lời nhiều, mà chỉ mong đêm 30 bán hết hàng mà không phải chở về quê chậu nào", anh Lộc trải lòng.
Nội dung: Diệp Phan