Nơi người dân thoát đói nghèo nhờ rừng

(Dân trí) - Nhờ được được giao đất, giao rừng 98% hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều đã thoát cái đói nghèo đeo đẳng nhiều đời qua.

Hơn 100 hộ dân thuộc thôn Mới và thôn Cát, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vừa được công nhận quyền quản lý và bảo vệ rừng, hưởng lợi lâu dài và hợp pháp trên diện tích 600 ha rừng được giao.

Với quyết định giao đất, giao rừng này, xã Hướng Sơn đã có thêm 100 hộ dân (chia thành 32 nhóm hộ) thuộc thôn Mới và thôn Cát được công nhận quyền quản lý và bảo vệ rừng, hưởng lợi lâu dài và hợp pháp trên diện tích 600ha rừng được giao.

Đây là động lực để các hộ, nhóm hộ được giao đất giao rừng đầu tư vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, sẵn sàng tham gia thí điểm chi trả REDD+ trong giai đoạn 2016 - 2020 và thị trường các-bon sau năm 2020.

Anh Võ Văn Sự, Hạt trưởng chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cho biết: Sau một thời gian dài không quản ngại khó khăn, cán bộ Kiểm lâm cùng UBND xã Hướng Sơn và người dân đã tổ chức khảo sát, đánh giá giá nhu cầu, tuyên truyền về các lợi ích của việc nhận rừng bảo vệ và hưởng lợi. Đến nay tại thôn Mới đã có 118 ha rừng được giao cho 26 hộ gia đình từ nguồn dự án, nâng tổng số diện tích rừng được giao lên 898ha, đạt 100% diện tích rừng tự nhiên được quy hoạch cho sản xuất tại thôn Mới. Tại thôn Cát, UBND xã Hướng Sơn đã giao 482ha rừng cho 25 nhóm hộ gia đình từ nguồn dự án, chiếm 50% diện tích rừng tự nhiên tại thôn Cát.

Với hoạt động điều tra đánh giá chất lượng rừng phục vụ cho việc lập kế hoạch quản lý rừng cộng đồng, đến nay đã có tổng cộng 1380 ha rừng của hai thôn Mới, Cát đã giao trước đây được điều tra bổ sung nhằm đánh giá chính xác hơn thực trạng chất lượng rừng của hai thôn.

Người dân xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vui mừng nhận quyết định bàn giao rừng.
Người dân xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vui mừng nhận quyết định bàn giao rừng.

Từ khi có dự án giao đất, giao rừng cho các hộ dân, bà con địa phương đã yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Trước kia, thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình là 300.000 đồng/tháng thì nay đã tăng lên 500.000 đồng/tháng.

Là một trong số những hộ gia đình ở thôn Mới, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được giao đất, giao rừng, chị Hồ Thị Nhường rất phấn khởi và vui mừng. Kể từ khi được giao đất, giao rừng, chị Nhường và các hộ gia đình khác thường xuyên đi tuần tra rừng cũng như tham gia vào các lớp tập huấn chăm sóc, bảo vệ rừng.

Chị Nhường cho biết, khi được giao đất, giao rừng chị và các hộ gia đình khác sẽ được nhận lâm sản phụ từ rừng như mây tre, nứa, măng... Sau 5 năm chăm sóc và bảo vệ các hộ dân sẽ làm đơn và xin phép chính quyền cho khai thác rừng lấy gỗ làm nhà và phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Các hộ dân được giao rừng cùng kiểm lâm địa phương đi tuần tra rừng
Các hộ dân được giao rừng cùng kiểm lâm địa phương đi tuần tra rừng

Nhận giao rừng để chăm sóc và quản lý từ đầu năm 2014, gia đình anh Hồ Văn Cực ở xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã được hưởng những lợi ích nhất định. Anh Cực kể: “Trước kia, do diện tích ruộng canh tác ít, gia đình tôi phải đi làm thuê nhiều việc nặng nhọc để kiếm sống. Từ khi được giao rừng 10 ha rừng, gia đình đã được hưởng hơn 1 triệu đồng từ dịch vụ chi trả môi trường rừng. Nhờ số tiền này mà tôi có thể mua thêm giống cây trồng và lợn về chăn nuôi.”.

Việc giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, nhóm hộ ở xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là kết quả của việc xây dựng mô hình “Quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn Mới và thôn Cát xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị” trong khuôn khổ các hoạt động thuộc Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam, với tổng ngân sách 841.345.000 VNĐ.

Theo ban quản lý dự án, việc xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ rừng bền vững cho hai thôn, Ban quản lý dự án tỉnh đã hỗ trợ xây dựng hai Quy ước bảo vệ rừng theo hướng dẫn tại Thông tư 70 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hai Kế hoạch quản lý rừng cộng đồng, thành lập hai Ban quản lý rừng cộng đồng, thành lập và vận hành 7 tổ tuần tra bảo vệ rừng.

Với các kết quả đạt được, hai thôn trong xã sẽ có những bước chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng thực hiện thí điểm REDD+ trong tương lai gần, cũng như giúp chính quyền tỉnh Quảng Trị có những kinh nghiệm quý báu trong triển khai hoạt động, tiến tới thực hiện REDD+.

REDD+ là sáng kiến nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải khí nhà kính thông qua 5 nhóm hoạt động, gồm: Giảm phát thải từ mất rừng; Giảm phát thải từ suy thoái rừng; Bảo tồn trữ lượng các-bon rừng; Quản lý rừng bền vững và Tăng cường trữ lượng các-bon rừng.

Việt Nam là một trong 9 quốc gia đầu tiên được chọn để thí điểm Chương trình UN-REDD và cũng là một trong những nước đầu tiên nhận được phê duyệt cho Ý tưởng đề xuất tham gia Quỹ Các-bon (ER-PIN) thuộc Quỹ đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp.

Nhữ Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm