Nới lỏng giãn cách, giới trẻ rủ nhau "xê dịch" trở lại

Hoài Trang

(Dân trí) - Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều gia đình và nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đã nhanh chóng lên kế hoạch cho chuyến cắm trại đầu tiên sau chuỗi ngày ở nhà phòng dịch.

Ngay sau khi đọc thông tin, từ ngày 28/9, thành phố Hà Nội cho phép người dân tham gia hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người, những thành viên trong gia đình chị Đỗ Huế (32 tuổi, Đống Đa) đã quyết định thực hiện chuyến cắm trại đầu tiên vào ngày cuối tuần tại bãi bồi chân cầu Vĩnh Tuy (quận Long Biên) và Đập Đồng Chanh (Hà Nội).

Nới lỏng giãn cách, giới trẻ rủ nhau xê dịch trở lại - 1

Sau giãn cách, nhiều nhóm bạn trẻ và gia đình "lên lịch" cắm trại (Ảnh: Huế Đỗ).

"Sau chuỗi ngày phải ở nhà, nghe tin thành phố được nới lỏng tôi mừng như "cá gặp nước" vậy. Đã mấy tháng rồi các thành viên trong gia đình chưa được ra ngoài, người lớn, con trẻ chỉ quẩn quanh trong nhà, nên rất bí bách. Nay được ra ngoài tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành như thế này tôi và gia đình vui lắm", chị Huế chia sẻ.

Nới lỏng giãn cách, giới trẻ rủ nhau xê dịch trở lại - 2

Gia đình chị Huế đi cắm trại tại Đập Đồng Chanh (Ảnh: Huế Đỗ).

Để chuẩn bị cho chuyến đi cắm trại, chị Huế cho hay, bản thân vốn đam mê "xê dịch" nên đa phần dụng cụ cắm trại gia đình chị đều có sẵn, chỉ việc lên đường theo đúng kế hoạch. Chị Đỗ Huế cho biết, mặc dù là thời điểm cuối tuần nhưng lượng người đi cắm trại sau dịch vẫn chưa đông như trước đây, chỉ có một vài nhóm nhỏ.

Tương tự, sau bao ngày "giam chân" tại nhà, anh Nguyễn Huy Hoàng (28 tuổi, quận Hà Đông) đã quyết định thực hiện chuyến cắm trại ở chân cầu Vĩnh Tuy.

Anh Hoàng cho hay, thời gian qua không được ra ngoài anh cảm thấy bị buồn. Vì vậy, ngay sau khi có thông báo nới lỏng giãn cách anh đã lên ý tưởng cho chuyến đi dã ngoại của mình.

Nới lỏng giãn cách, giới trẻ rủ nhau xê dịch trở lại - 3

Anh Hoàng tranh thủ đi "xê dịch" sau nhiều ngày "giam chân" tại nhà (Ảnh: Huy Hoàng).

Anh nói, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, anh và bạn bè vẫn thường có những chuyến cắm trại ở ngoại thành và các tỉnh ven Hà Nội.

Thời gian qua nhóm bạn của anh chỉ được đi cắm trại "online". Nay được đi cắm trại ngoài trời, bản thân anh cảm thấy rất phấn khởi và xem đây là cách để anh quên đi cảm giác "cuồng chân".

"Mặc dù, chuyến đi không dài nhưng cũng làm tôi thấy dễ chịu hơn. Sợ dịch bệnh nên mọi người luôn quan tâm tới an toàn phòng dịch, vì vậy không còn tình trạng tập trung đông người như trước", anh Hoàng nói.

Nới lỏng giãn cách, giới trẻ rủ nhau xê dịch trở lại - 4

Bãi bồi chân cầu Vĩnh Tuy được nhiều người lựa chọn đi cắm trại (Ảnh: Huy Hoàng).

"Hoạt động cắm trại ngoài trời là cơ hội để bạn bè lâu ngày gặp gỡ và chuyện trò cùng nhau. Sau một tuần làm việc căng thẳng, chỉ cần một nơi nghỉ chân có khung cảnh thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, nấu ăn, nghe nhạc, thì sẽ rất dễ chịu".

Ngoài những vật dụng sẵn có như lều, trại, bàn ghế mình chuẩn bị thêm đồ ăn, nước uống để thưởng thức cùng bạn", anh Hoàng cho hay.

Đa số những người thích bay nhảy việc được dựng lều cắm trại giữa đồng cỏ, tận hưởng không khí trong lành khiến họ rất phấn khởi và háo hức. Anh Nguyễn Văn Hòa (36 tuổi, quận Hoàn Kiếm) cùng nhóm bạn sáu người đã đến chân cầu Vĩnh Tuy (quận Long Biên) từ sáng sớm để thư giãn.

Nới lỏng giãn cách, giới trẻ rủ nhau xê dịch trở lại - 5
Nhóm bạn của anh Hòa đến bãi cắm trại từ sáng sớm để tránh đông người. Ảnh: Văn Hòa.

Anh Hòa nói, sau bao ngày ngột ngạt ở nhà, ra đây được hít thở không khí trong lành, nhâm nhi tách cà phê cùng chút nhạc du dương bên bờ sông cảm giác rất tuyệt vời. Tuy nhiên, cần lưu ý khi đi cắm trại tại chân cầu Vĩnh Tuy bởi khu vực này đang được sửa chữa.

"Mặc dù, là dã ngoại ngoài trời nhưng các nhóm đến đây đều ý thức được việc giãn cách nên mỗi lều trại đều được dựng cách xa nhau. Nhóm tôi cũng vậy, mọi người cũng không giao lưu với các lều khác, ai cũng đề phòng dịch bệnh. Thời điểm này, được ra ngoài là mừng lắm, nhưng phải đảm bảo phòng dịch. Hiện giá vé vào cửa là 10.000 đồng/người lớn, 30.000 đồng/ôtô", anh Hòa nói.

Nới lỏng giãn cách, giới trẻ rủ nhau xê dịch trở lại - 6

Các nhóm cắm trại đều dưới 10 người (Ảnh: Văn Hòa).

Vốn là một tín đồ du lịch, mỗi năm "xách ba lô" đi khoảng du lịch 3-4 chuyến cả trong nước lẫn nước ngoài, thế nên việc phải hạn chế đi lại trong thời gian dịch bệnh khiến chị Hoàng Lan, 30 tuổi (Khu đô thị Vinhome SmartCity, quận Nam Từ Liêm) cảm thấy không thoải mái.

Vì vậy, ngay khi thành phố nới lỏng giãn cách chị liền tranh thủ ngày cuối tuần cùng gia đình đến bãi bồi chân cầu Vĩnh Tuy cắm trại để thỏa mãn chứng "nghiện xê dịch" của mình.

Chị Lan chia sẻ: "Đi du lịch thường xuyên đã trở thành thói quen, lối sống của tôi. Vì thế, trong thời gian giãn cách xã hội, tôi chọn cách hồi tưởng về những chuyến đi trước đó qua những bức ảnh cũ để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo trong công việc. Giờ đây được ra ngoài, hít thở không khí trong lành bản thân cảm thấy rất vui".

Nới lỏng giãn cách, giới trẻ rủ nhau xê dịch trở lại - 7

Được "xê dịch" ngoài trời khiến mọi người cảm giác tự do, thoải mái vô cùng (Ảnh: Huế Đỗ).

Để tận hưởng không khí thoáng đãng, chị Lan chuẩn bị sẵn đồ ăn tại nhà. Chị chia sẻ sau 2 tháng giãn cách, cỏ ở đây mọc rất cao nên trẻ con có thêm trải nghiệm bắt cào cào, châu chấu. Tuy nhiên, gia đình có con nhỏ nên cho các con mặc đồ dài vì cỏ dễ làm xước chân khi các con vui chơi.

"Sau khi hết giãn cách thì điều đầu tiên là gia đình mình nghĩ đến một buổi cắm trại ngoài trời để thư giãn, nghỉ ngơi và tận hưởng thiên nhiên. Đặc biệt là vì có trẻ con nên chúng rất cần được tự do khám phá, giải phóng năng lượng. Hiện nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng gia đình mình vẫn tuân thủ các biện pháp an toàn và hạn chế gặp người lạ", chị Lan nói.