Nỗi lòng của những gánh hàng rong ngày cuối năm
(Dân trí) - Những ngày cuối năm, dọc theo các tuyến phố ở Hà Nội không khó để bắt gặp hình ảnh những quán cóc hay chiếc xe đạp cà tàng "vật lộn" mưu sinh giữa dòng phương tiện đông đúc...
Giữa những ngày đông khắc nghiệt của thời tiết, nhiệt độ Hà Nội có lúc xuống dưới 10 độ C, trên đường Trần Phú, bà T. (63 tuổi, quê ở Phú Thọ) tay run run rót chén trà nóng cho khách.
Bà cho biết, ngày nào cũng dậy từ 3h30 sáng giặt quần áo và lo cơm nước cho đứa con trai đã 40 tuổi không được bình thường của mình, sau đó mới chuẩn bị đồ để 7h30 phút kịp ra đường bán nước.
"Đã 15 năm nay từ khi ông nhà tôi mất đi để lại 2 đứa con trai, mẹ con khốn cùng dắt nhau lên Hà Nội bán chén nước kiếm sống qua ngày đến giờ. Hai đứa con, nhưng tôi chưa được nhờ chúng nó ngày nào, thằng cả thì bị ảnh hưởng chất độc màu da cam tháng nào cũng phải thuốc men thường xuyên, thằng còn lại năm nay cũng 31 tuổi rồi nhưng từ khi học xong cũng chẳng có công ăn việc làm ổn định, tiền nợ nần cho nó ăn học vẫn đè nặng lên hàng nước của bà già này", bà T. thở dài.
Nói về cái Tết, đôi mắt bà T. ưu tư, cho biết hơn gần 20 năm rồi chưa biết một cái Tết đủ đầy, đặc biệt là năm nay khi ảnh hưởng của dịch bệnh thì lại càng khó khăn gấp bội.
"Năm nay tôi định bán nước đến qua giao thừa để kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó, rồi sáng ra tôi đưa các con về quê làm mâm cơm thắp hương ông bà tổ tiên, nghỉ khoảng 2 - 3 ngày rồi lại lên làm, như người ta có thì họ được thảnh thơi, nhà mình nghèo thì phải chịu khó làm lụng chú ạ", bà T. tâm sự.
Cùng cảnh ngộ trên, tại tuyến đường Xuân Thủy, bà Q. (70 tuổi, quê Nam Định) thở dài: "Cứ tình trạng ế ấm này thì lấy đâu ra tiền về quê ăn Tết, vừa bán cho khách vẫn phải nhìn công an, chứ bán được mấy cốc trà đá với vài điếu thuốc, mà bị thu hết đồ đạc thì lấy gì mà kiếm cơm.
Biết là sai quy định, nhưng cũng chẳng biết phải làm sao, vì hoàn cảnh cuộc sống nên chúng tôi phải xa quê lên đây để mưu sinh lo cho gia đình. Hiện giờ vừa dịch bệnh xong, làm ăn cũng khó khăn lắm…", bà Q. buồn rầu.
Chiều tối, dưới hàng cây xanh, ánh đèn của những cột đèn đường chiếu xuyên qua tán lá làm cho khung cảnh trở nên mờ mịt đôi khi không nhìn rõ mặt người. Vẫn những con người quen thuộc đó, họ ở đây từ sáng tới giờ, cố kiếm tiền lo cho gia đình khi Tết sắp về.
Nhìn xe hàng me vẫn đầy ắp, ông K. (quê ở Hà Nam) buồn rầu cho biết, như mọi năm hàng me của ông bán rất chạy, nhưng đến năm nay mặc dù giá đã giảm đến gần một nửa mà cũng không mấy ai ngó ngàng tới mua.
"Cả gia đình tôi trông vào mỗi gánh hàng me trên này, năm nay ế ẩm không biết lấy tiền đâu để sắm Tết, mua quần áo mới cho con", ông K. nói.
Cạnh đó, ông H. (62 tuổi) ngồi nhìn chỗ ghế bày ra không một bóng người cho biết, những người bán hàng rong ở đây đều là những người nghèo. Bản thân ông từng một thời là ông chủ của một tiệm cơm đông đúc ở đất Hà Nội, nhưng sau này cuộc sống rẽ sang hướng khác khiến ông phải bám lấy vỉa hè để lo cho gia đình.
Nhắc về hoàn cảnh, ông H. nghẹn giọng cho biết, năm 45 tuổi ông mới lập gia đình, cho đến giờ khi tuổi đã "xế chiều" thì hai con ông vẫn còn nhỏ, kinh tế gia đình đều một mình ông gánh vác.
"Tuổi như tôi người ta có cháu bồng cháu bế, an hưởng tuổi già, chứ chẳng ai muốn ra đây, tôi phải cố gắng kiếm tiền lo cho các con ăn học, nuôi chúng trưởng thành, khi đó tôi có nhắm mắt cũng không hối hận điều gì", ông H. rớm nước mắt.