"Nín thở" mua hàng tại chợ Nhà Xanh: Mánh khóe gài khách bằng mọi giá
(Dân trí) - Cùng bạn đến chợ Nhà Xanh dạo chơi, Đ.T.C. sốc khi bị "gài" và dọa đánh nếu không mua chiếc áo len giá 220.000 đồng dù trước đó đã trả giá 50.000 đồng.
"Tại sao không mua? Mày phải cho một cái giá rồi hãy rời đi!"
Chợ Nhà Xanh nằm trải dài trên đường Phan Văn Trường, thuộc Ban Quản lý chợ quận Cầu Giấy, vốn là địa điểm quen thuộc của sinh viên và nổi tiếng tại Hà Nội.
Chợ mở bán từ 9h sáng đến 22h tối, luôn tấp nập người mua kẻ bán, đặc biệt vào buổi tối và các dịp cuối tuần.
Khách hàng ở đây chủ yếu là sinh viên quanh khu vực Cầu Giấy - Xuân Thủy - Cầu Diễn. Các mặt hàng đều rất phong phú, đa chủng loại, đủ mọi giá thành, từ 50.000 đồng/chiếc hay 100.0000 đồng/3 chiếc.
Tuy nhiên, nơi đây cũng nổi tiếng là chợ có phong cách phục vụ chát chúa. Nhiều người còn ví von chợ Nhà Xanh cũng giống như "bún mắng, cháo chửi" là nét văn hóa xấu xí của Hà Nội.
Lần đầu tiên đến chợ Nhà Xanh cách đây 3 tháng, T.Q. (20 tuổi, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tự nhủ sẽ không bao giờ quay lại, sau khi bị một tiểu thương mắng chửi té tát vì lỡ mặc cả mà không mua hàng.
"Ban đầu chủ cửa hàng còn xưng hô "chị - em" ngọt xớt, tôi cũng thoải mái sờ thử chất liệu chiếc áo, trả giá từ 200.000 đồng xuống 150.000 nhưng không được. Tôi xin phép rời đi, thì bị người này hung hăng giữ lại, hét lớn: 'Xem thì phải mua chứ!'", Q. nhớ lại.
May mắn, cô được nhóm bạn đi cùng "giải cứu" kịp thời, nhưng những ngày sau vẫn chưa thôi ám ảnh tinh thần.
Q. cho biết các thế hệ sinh viên truyền nhau kinh nghiệm mỗi khi đến chợ Nhà Xanh là phải luôn phải khắc cốt ghi tâm một điều: Không mặc cả!
"Khi mới bước vào khu chợ, các tiểu thương đều rất niềm nở mời chào, nhất là với đối tượng sinh viên. Nhưng một khi lỡ hỏi giá mà không mua, thì chắc chắn sẽ bị chửi thậm tệ và đuổi đi", Q. nói.
Theo nữ sinh, "mắng chửi" đã trở thành "đặc sản" quen thuộc tại chợ Nhà Xanh nhiều năm qua. Khách hàng thậm chí còn bị dọa đánh, ép mua hàng bằng mọi giá.
Đ.T.C. (22 tuổi, quận Hà Đông) nói đã quá quen với các mánh khóe của tiểu thương tại chợ Nhà Xanh. Một lần, C. cùng bạn ghé một cửa hàng hỏi mua áo len. Do không đồng tình với mức giá niêm yết, cô rời đi, nhưng bị chủ hàng giữ lại, gằn giọng: "Tại sao mày không mua? Mày phải cho tao một cái giá rồi hãy rời đi!".
C. trả giá 50.000 đồng cho một chiếc áo len mỏng, nhưng sau vẫn từ chối mua do mẫu mã không phù hợp.
"Lúc này, bà chủ gọi một người đàn ông ra chặn chúng tôi, nói đã trả giá 50.000 đồng thì đưa tiền đây. Sợ bị đánh, chúng tôi chấp nhận mua với mức giá đó. Tuy nhiên, sau khi đưa tiền, người này lật mặt, bảo giá 220.000 đồng, trả nốt tiền mới được về, không thì sẽ mất 50.000 này", C. bức xúc kể lại.
Cuối cùng, nữ sinh ngậm ngùi bỏ ra 220.000 đồng để mua áo, nhưng hơn hết là đổi lại sự bình yên.
"Các tiểu thương luôn tìm cách moi tiền của khách hàng theo cách bạo lực và chợ búa nhất, đặc biệt với sinh viên hiền lành, không biết cách kháng cự. Ban đầu, tiểu thương tỏ ra nhẹ nhàng, nhưng ngay khi khách đặt chân vào quán, thì coi như rơi vào cái bẫy giăng sẵn", C. nói.
Đỉnh điểm, chiều 7/12, hai cô gái đến hỏi mua áo khoác tại ki-ốt của L.T.M. (22 tuổi, quê Hải Dương) trong chợ Nhà Xanh. Quá trình thỏa thuận giá cả, 2 bên xảy ra mâu thuẫn. Đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy chủ cửa hàng đã tát một trong hai cô gái, liên tục chửi mắng rồi đuổi họ đi.
Ngày 9/12, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Cầu Giấy phối hợp với Công an phường Dịch Vọng Hậu xác minh, làm rõ vụ việc. Lực lượng chức năng đã xuống hiện trường, mời L.T.M. đến trụ sở Công an phường để làm việc.
Bí kíp mua sắm tại chợ Nhà Xanh
Lần đầu từ quê ra Hà Nội, B.K., sinh viên Đại học Ngoại thương nghe lời bạn thử đến trải nghiệm mua sắm tại chợ Nhà Xanh. Chưa kịp vui vẻ, K. "tái mặt" khi chứng kiến một tiểu thương chửi mắng, dọa nạt một nhóm sinh viên khác.
Về sau, mỗi lần đến khu chợ này, K. chỉ "ngắm" hàng hóa, tuân thủ nguyên tắc "3K": "Không sờ", "Không hỏi giá", "Không mặc cả". Nếu xác định mua hàng, nữ sinh phải chuẩn bị tinh thần… "xanh chín" với chủ cửa hàng.
"Các chủ cửa hàng cũng đã tìm cách niêm yết giá bằng cách treo biển giá. Bạn chỉ trả giá khi thực sự muốn mua và cố đừng mua ở hàng đầu tiên mình nhìn thấy", K. nói chợ Nhà Xanh từ "thiên đường mua sắm" không thể thiếu của sinh viên, nay bỗng trở nên vô cùng… đáng sợ.
Từ kinh nghiệm bản thân, nữ sinh khuyên mọi người phải luôn "tỉnh táo". Nếu không mua ở chợ Nhà Xanh, thì vẫn còn nhiều khu chợ giá rẻ khác - những nơi ít nhất là không bị tra tấn về tinh thần và có thể thoải mái mua sắm.
"Thời đại mua sắm online, tôi nghĩ nếu muốn tiết kiệm thời gian, đa dạng mặt hàng, giá rẻ, sinh viên có thể "săn sale (giảm giá)" trên các sàn thương mại điện tử. Bạn có nhiều cách để mua được món đồ ưng ý mà không bị xem thường hay nơm nớp lo sợ. Hãy cùng nhau đẩy lùi vấn nạn bắt nạt mua sắm", K. kêu gọi.
Còn với T.Q., "bí kíp" mua sắm tại chợ Nhà Xanh là rủ nhóm bạn đi cùng, tránh bị bắt nạt hay dọa hành hung. Ngoài ra, khách hàng nên ghé những cửa hàng niêm yết giá đàng hoàng, tìm đến chủ quán quen trước đó đã từng mua.
"Nếu bị ép giá hay đe dọa, khách hàng có thể gọi điện đến Ban quản lý chợ hoặc Công an phường để được trợ giúp", Q. cho hay.
Sau sự việc của cô gái hôm 7/12, chị Q.A. (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhớ lại lần bị đánh vô cớ do đỗ xe trước một ki-ốt trong hợ Nhà Xanh.
"Do xe đông, đường hẹp, hai bên đều là các cửa hàng, ki-ốt, tôi bất lực đỗ xe chờ thì bị một người đàn ông dùng gậy đánh vào người. Tôi sợ hãi, cố gắng nép sang một bên", chị A. nói.
Trước đó, khi còn là sinh viên, nghe danh chợ Nhà Xanh, chị A. cũng từng đến mua hàng. Chủ cửa hàng hét giá quá cao, chị nói "đắt quá không đủ tiền". Sau 3 lần trả giá vẫn không thể chốt mức tiền "thuận mua vừa bán", chị xin phép rời đi thì nhận về một "tràng" chửi bất tận với những lời nói thô tục.
"Tôi hy vọng cơ quan chức năng sớm vào cuộc, dẹp bỏ tình trạng mua bán bạo lực tại chợ Nhà Xanh. Người thân của cô gái bị chủ cửa hàng tát và mắng chửi nên quan tâm em ấy nhiều hơn, vì chắc hẳn nữ sinh đã bị tổn thương tinh thần nặng nề", chị tâm sự.
Trao đổi với PV Dân trí, Đại diện Ban quản lý chợ Cầu Giấy cho biết, cơ quan chức năng đã liên hệ làm việc với chủ ki-ốt sau vụ việc hôm 7/12.
Khi được hỏi tại sao nhiều năm qua người dân liên tục phản ánh việc mua bán tại chợ Nhà Xanh thường bị đe dọa và bạo lực, vị đại diện cho hay mỗi năm, đơn vị đều yêu cầu các chủ cửa hàng ký cam kết "bán hàng văn minh", song cũng không thể tránh khỏi những tình huống hy hữu.