Những “triệu phú” làm giàu khó tin nhờ… nuôi trâu, thả cừu giữa Thủ đô

(Dân trí) - Tận dụng những mảnh đất, công trình bỏ hoang ở Thủ đô, nhiều người dân đã bỏ tiền đầu tư vốn mở trang trại nuôi trâu, thả cừu cho doanh thu mỗi năm lên tới hàng trăm triệu.

Đàn trâu tiền tỷ của chàng trai 30 tuổi

Nhiều người không tin nổi giữa Thủ đô phồn hoa, nhộn nhịp và đông đúc lại có một chàng thanh niên sở hữu đàn trâu "khủng" với tổng giá trị 1,5 tỷ đồng và kiếm được bội tiền từ những mảnh đất bỏ hoang. Đó là anh Nguyễn Đình Thiện (sinh năm 1987, quê Yên Nghĩa – Hà Đông – Hà Nội).

Tận dụng mảnh đất bỏ hoang sau khi nhà nước thu hồi, đền bù, anh Thiện mạnh dạn đầu tư, cai thầu với diện tích lên tới 200 ha để chăn nuôi trâu. Việc làm của anh Thiện khiến nhiều người ngạc nhiên, có người còn cho rằng anh bị “khùng”.

Đàn trâu khủng với giá trị 1,5 tỷ đồng ở Yên Nghĩa, Hà Đông. Ảnh: Hông Liên
Đàn trâu "khủng" với giá trị 1,5 tỷ đồng ở Yên Nghĩa, Hà Đông. Ảnh: Hông Liên

Anh Thiện kể, năm 2009, khi vừa từ miền Nam trở về, anh Thiện bắt đầu xây dựng cơ nghiệp với 5 con trâu của bố mẹ. Sau 4 năm, số trâu anh Thiện có là 55 con, thời điểm nhiều nhất lên tới 100 con.

Bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, anh Thiện tập trung hoàn thành tốt những dự định riêng của mình, đạt được thành công to lớn mà trước đó chưa một ai làm được. Mỗi năm anh xuất chuồng từ 20 đến 30 con trâu, cung cấp thực phẩm và làm giống nuôi cho bà con các tỉnh Hòa Bình và Cao Bằng. Việc nuôi trâu cho anh thu nhập tới 800 triệu/năm và tổng giá trị đàn trâu anh Thiện hiện có lên tới 1,5 tỷ đồng.

Đàn trâu “khủng” 200 con giá 4 tỷ đồng ở Hà Nội

Ai có dịp đi ngang qua cầu Vĩnh Tuy sẽ ngỡ ngàng thấy 1 đàn trâu gần 200 con đang lũ lượt đi theo từng đoàn, nhởn nhơ gặm cỏ, lúc thì đầm mình tắm mát dưới dòng sông Hồng đỏ cát phù sa.

Đàn trâu gần 200 con của lão nông Hà Nội được nuôi ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Trần Văn
Đàn trâu gần 200 con của lão nông Hà Nội được nuôi ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Trần Văn

Được biết, đàn trâu này do ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1959, Hà Nội) nuôi cách đây nhiều năm. Hiện tại, đàn trâu của ông Tiến có tới 189 con. Trâu chủ yếu được nuôi từ nhỏ, cứ lứa nọ lại đẻ ra lứa kia. Thường ông chỉ bán trâu đực, trâu cái để sinh sản, mỗi năm đẻ ra 1 con nghé. Mỗi chú trâu trưởng thành có thể bán từ 40 tới 50 triệu đồng/con.

Để chăn thả đàn trâu khổng lồ này, ông Tiến phải thuê 4 người trông coi liên tục. Ảnh: Trần Văn
Để chăn thả đàn trâu "khổng lồ" này, ông Tiến phải thuê 4 người trông coi liên tục. Ảnh: Trần Văn

Đàn trâu hàng ngày được chăn thả bởi 4 người dọc bờ bãi sông Hồng, nơi có bãi cỏ xanh tốt là nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào. Khó khăn nhất là vào những ngày hè nắng nóng, cỏ cũng không có nhiều nên thường phải cho cả đàn đi kiếm ăn khá xa. Có những lúc trâu về chuồng rồi cũng không yên, nửa đêm trâu đánh nhau phá rào đi thì phải huy động cả nhà tìm lùa về.

Ông Tiến cho biết, trâu đẻ là nuôi, ít khi bán nhằm để tích lũy dần làm vốn cho con. Đến nay qui mô đàn trâu đã rất lớn, việc chăn thả đã phải thuê tới 4 người liên tục trông coi.

Đàn trâu bạc tỷ trong biệt thự bỏ hoang

Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch nằm ở phía Tây Hà Nội có diện tích hơn 170 ha nằm trên quốc lộ 32 của huyện Hoài Đức (Hà Nội). Từng được kỳ vọng là khu đô thị hiện đại, cao cấp ở Hà Nội thế nhưng sau nhiều năm dự án này hiện vẫn bỏ không, hoang hóa.

Xung quanh các bãi đất trống rộng hàng hecta để không cỏ mọc um tùm, có chỗ cao cả mét. Tận dụng phần đất này, nhiều hộ dân ở các khu vực lân cận đã tiến hành chăn thả gia súc, kiếm thêm thu nhập.

Đàn trâu khoảng hơn 30 con của gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩa (Hoài Đức - Hà Nội) nhởn nhơ gặm cỏ trước một dãy biệt thự. Ảnh: Trần Văn
Đàn trâu khoảng hơn 30 con của gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩa (Hoài Đức - Hà Nội) nhởn nhơ gặm cỏ trước một dãy biệt thự. Ảnh: Trần Văn

Gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩa (60 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) nhà cách khu đô thị Kim Chung khoảng 2km nhưng đều đặn mỗi ngày 2 lượt bà đều lùa đàn trâu khoảng hơn 30 con đến đây chăn thả. Bãi đất rộng lại bằng phẳng nên việc chăn thả không mất nhiều công sức.

“Thức ăn của đàn trâu hoàn toàn là cỏ mọc tự nhiên nên tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn. Hơn nữa, việc nuôi trâu theo hình thức chăn thả khiến thịt chắc ngọt, khi bán cũng được giá mà thương lái ai cũng đều thích cả”, bà Nghĩa nói.

Buổi trưa bà Nghĩa lùa tạm đàn trâu vào một căn biệt thự bỏ không để nghỉ ngơi. Ảnh: Trần Văn
Buổi trưa bà Nghĩa lùa tạm đàn trâu vào một căn biệt thự bỏ không để nghỉ ngơi. Ảnh: Trần Văn

Trước đây, gia đình bà Nghĩa sống chủ yếu dựa vào thu nhập của việc trồng lúa và nuôi gia cầm. Cách đây 6 năm trong một lần tình cờ đi qua đây, thấy bãi đất rộng lại bỏ hoang, tiếc của bà về bàn với chồng đầu tư nuôi trâu làm kinh tế.

Ban đầu vốn ít nên đàn trâu chỉ có khoảng vài con. Sau vài năm, một số trâu cái bắt đầu sinh sản, số lượng trâu trong đàn cũng dần nhiều lên. Mặt khác, qua mỗi lứa bán, bà Nghĩa lại trích một phần tiền lãi để đầu tư mua thêm. Cứ thế, hiện giờ số lượng trâu của gia đình đã lên tới hàng chục con, tính sơ sơ cũng có giá lên tới gần cả tỷ đồng.

Kiếm trăm triệu mỗi năm nhờ nuôi cừu dưới chân cầu Vĩnh Tuy

Đàn cừu hơn 60 con này thuộc sở hữu của ông Dương Quý Sửu. Hàng ngày, cứ khoảng 3h chiều, ông Sửu lại lùa đàn cừu ra bãi bồi ven sông Hồng chăn thả.

Nói về việc chăn nuôi của mình, ông Sửu cho biết, năm 2015 ông mạnh dạn đầu tư một khoản vốn khá lớn, mua 60 chú cừu từ Ninh Thuận về nuôi với giá 80.000 đồng/kg giống.

Đàn cừu với khoảng 60 con được ông Sửu tận dụng nuôi ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Trọng Trinh
Đàn cừu với khoảng 60 con được ông Sửu tận dụng nuôi ngay dưới chân cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Trọng Trinh

Sẵn có địa bàn bãi bồi ven sông cộng thêm vốn kiến thức về cách chăm sóc cừu tích lũy qua sách báo, sau một thời gian bỏ công chăm sóc, đến nay, ông Sửu đã có trong tay đàn cừu sinh trưởng, phát triển rất tốt.

Một con cừu trưởng thành thường nặng từ 25 đến 30kg, có giá bán trên thị trường dao động từ 140-160.000 đồng/kg, mỗi năm ông Sửu cũng thu về hàng trăm triệu nhờ chăn cừu.

Ông Sửu cho biết, cừu là loài vật ăn rất nhiều cỏ nhưng ở vùng ngoại ô Hà Nội không có đủ điều kiện đáp ứng nên ông thường phải cho chúng ăn phụ thêm tinh bột như ngô, khoai, sắn hoặc cám gạo.

Hiệp Nguyễn

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm