Những thứ tuyệt đối không được xả vào đường ống thoát nước
(Dân trí) - Nếu không muốn rơi vào tình cảnh hệ thống thoát nước của gia đình bị “tê liệt”, chúng ta cần nhớ rõ những “kẻ thù” của đường ống nước là nguyên nhân gây tắc nghẽn hàng đầu, được liệt kê dưới đây.
Gạo hay mì Ý đều là những thực phẩm có thành phần là tinh bột. Do đó, chúng dễ dàng bị trương lên khi ngấm nước. Khi chúng ta đổ nước vo gạo (thường có lẫn gạo ở trong), cơm hay mì Ý thừa xuống bồn rửa hoặc hệ thống thoát nước khác, chúng có thể tụ lại ở những đoạn ống gấp khúc, tăng kích thước nhanh chóng chỉ sau vài tiếng đồng hồ, và cuối cùng là khiến đường ống nhà bạn bị tắc nghẽn.
Việc đổ một ít vỏ trứng thừa xuống ống thoát nước sau mỗi lần vào bếp, có thể khiến cả hệ thống thoát nước nhà bạn gặp rắc rối, về lâu về dài. Trái với suy nghĩ của hầu hết chúng ta là vỏ trứng sẽ dễ bị vỡ vụn và khó gây tắc nghẽn, vật thể có thành phần chính là CaCO3 này, lại không hề tan trong nước.
Bên cạnh đó, việc nhiều mảnh vỏ trứng nhỏ tụ dần vào với nhau, sau một thời gian, hoàn toàn có thể hình thành nên vật cản lớn trong đường ống nước nhà bạn.
Khi đổ các loại bột xuống bồn rửa, chúng sẽ nhanh chóng kết hợp với nước để tạo nên khối bột nhào. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng, khối bột nhào này sẽ như một loại keo dính, bám lấy tất cả các loại rác khác trong đường ống có tiếp xúc với nó và tăng dần kích thước. Hệ quả là sau một thời gian, hệ thống thoát nước sẽ có nguy cơ bị tắc nghẽn, khi khối bột lúc này đã lớn bằng tiết diện của đường ống.
Tóc là một trong những nguyên nhân chính khiến đường ống thoát nước trong nhà tắm thường xuyên bị tắc nghẽn. Cụ thể, khi lọt xuống đường ống, các sợi tóc, đặc biệt là tóc dài, sẽ vón cục lại và hoạt động như một tấm lưới bắt rác thải, làm cản trở sự chuyển động của nước trong đường ống. Do đó, tốt nhất bạn nên chải tóc để loại bỏ tóc rụng trước khi đi tắm, để bảo đảm sự thông suốt cho hệ thống thoát nước của nhà mình.
Các loại vật liệu xây dựng như cát, đá dăm, xi măng… có thể lọt vào hệ thống thoát nước trong nhà, do chúng ta rửa tay hoặc dụng cụ lao động, sau khi tiếp xúc với chúng. Sự nguy hiểm của vật liệu xây dựng là ở chỗ, những khối tắc nghẽn mà chúng gây ra thường rất cứng đầu và khó có thể được “giải phóng” bằng phương pháp thông thường.
Bao cao su là một món đồ nhạy cảm. Do đó, không ít người có thói quen cho nó xuống bồn cầu sau khi sử dụng, thay vì để vào sọt rác. Tuy nhiên, một khi đã lọt vào ống thoát nước qua con đường này, bao cao su rất dễ bắt lấy rác, nước hay không khí và căng lên thành một quả bóng, làm tắc nghẽn bồn cầu.
Minh Nhật
Theo BS