Những tập tục kỳ lạ, ghê rợn nhất thế giới
(Dân trí) - Rất nhiều bộ tộc trên thế giới vẫn duy trì những tập tục quái dị khiến người xem phải rùng mình vì ghê sợ.
1. Những kẻ "cướp" vợ
Bộ lạc Wodaabe ở sa mạc Sahel của châu Phi có tục lệ cướp vợ trong lễ hội Gerewol hàng năm. Những người đàn ông vẽ mặt, trang trí bằng lông vũ, và nhảy điệu Yaake, một điệu nhảy để thu hút bạn tình. Những người phụ nữ Wodaabe chọn người đàn ông mà họ thích, để bị "cướp", bất chấp việc mình đã có chồng. Chính vì điều này đã dẫn đến các cuộc đánh lộn, thậm chí mất cả tính mạng giữa những người đàn ông trong bộ lạc.
2. Uống tinh trùng của người già
Theo văn hóa Orijin, những cậu bé của bộ tộc Sambia ở Papua New Guinea thường được đưa khỏi gia đình khi lên bảy để sống với các bô lão trong khoảng mười năm. Trong thời gian này, chúng sẽ uống tinh trùng của những người già của bộ tộc để trở thành một người đàn ông nam tính và cường tráng. Chúng cũng phải chọc những chiếc que nhọn vào lỗ mũi đến khi chảy máu để chứng minh rằng mình có thể chịu đựng mọi đau đớn.
3. Sống với xác chết
Người Toraji ở Nam Sulawesi, Indonesia cho rằng con người không chết cho đến khi tổ chức đám tang. Vì thế, trong thời gian đó, họ vẫn cư xử với người đã khuất như thể họ vẫn còn sống: tắm rửa, thay quần áo, và mang đồ ăn nước uống mỗi ngày.
Ngay cả khi xác chết đã được chôn cất, cứ vài năm, gia đình vẫn đào mộ người thân lên. Thay quần áo mới, chải đầu, tổ chức các lễ tưởng nhớ rồi lại đặt các xác vào mộ cho đến vài năm sau.
4. Lễ hội xiên đồ vật qua người
Lễ hội "Cửu hoàng thần công" hàng năm là dịp để những người cuồng đạo ở Phuket, Thái Lan thể hiện sức mạnh tín ngưỡng của mình. Họ tham gia các nghi lễ tự đâm vào cơ thể bằng đủ các loại vật nhọn. Rất nhiều đồ vật kỳ quái như que sắt, kiếm, thậm chí cả xe đạp và súng được nhìn thấy đâm xuyên qua má và lưỡi của các tín đồ.
5. Găng tay kiến độc
Những cậu bé của bộ tộc Sateré-Mawé, Amazonas, Brazil phải trải qua nghi lễ đầy đau đớn ở tuổi 12.
Họ sẽ phải đi vào rừng tìm những con kiến đạn là loại kiến độc, có khả năng đốt gây đau đớn gấp 30 lần vết đốt của ong, và cho vào những chiếc găng tay làm từ lá cây. Sau đó những cậu bé phải đeo đôi găng tay thực hiện một điệu nhảy từ 10 đến 20 phút, trong lúc những con kiến độc không ngừng cắn đốt đôi bàn tay chúng.
5. Nhảy từ tháp gỗ
Trên đảo Vanuatu, Thái Bình Dương, những người đàn ông Naghol được công nhận là trưởng thành khi anh ta dám nhảy từ trên một tháp gỗ ọp ẹp xuống đất. Toàn bộ dụng cụ bảo vệ chỉ là một đoạn dây quấn quanh mắt cá chân để ngăn họ đâm thẳng mình xuống đất, mặc dù anh ta khi tiếp đất chỉ cách mặt đất vài centimet.
6. Tục lệ chặt đứt ngón tay
Người Dani ở Tây New Guinea, Indonesia, sẽ cắt một phần ngón tay khi trong nhà có người qua đời như một biểu hiện của nỗi đau của việc mất đi người thân. Chủ yếu là phụ nữ thực hành nghi lễ này. Nam giới bộ tộc Dani nổi tiếng với những cái bao dương vật có hình dáng đặc biệt, gọi là kotekas.
7. Tục lệ căng môi
Bộ tộc Mursi và Surma ở Ethiopia được biết đến với việc kéo căng môi của phụ nữ bằng các đĩa trang trí.
Ở tuổi 15 đến 18, các cô gái phải nhổ bớt răng ở hàm dưới, đâm thủng môi và sau đó kéo căng ra bằng các đĩa đệm. Những chiếc đĩa này càng ngày càng to hơn theo thời gian khiến môi của họ bị kéo ra ngày càng rộng hơn. Kích thước đĩa càng lớn tức là cô gái càng hấp dẫn và có cơ hội có được nhiều của hồi môn hơn khi lập gia đình.
8. Lễ hội móc ghim vào cơ thể
Lễ hội Thaipusam của người Hindu không dành cho những ai yếu tim. Trong lễ hội, các tín đồ sử dụng những cây kim hoặc móc sắt sắc nhọn móc qua má hoặc cơ thể của mình. Lễ hội nhằm tưởng nhớ nữ thần Ấn Độ Parvati đã tặng ngọn giáo cho thần chiến tranh Murugan để tiêu diệt con quỷ Soorapadman.
9. Lễ hội tự trừng phạt
Người Hồi giáo dòng Shia trên khắp thế giới tự đánh mình trong lễ hội tôn giáo hàng năm Ashura. Họ dùng roi, thậm chí cả dây xích gắn dao để tự làm đau bản thân, qua đó tưởng nhớ cái chết của Imam Hussein, cháu trai của nhà tiên tri Muhammad.
Hussein bị giết trong Trận chiến Karbala vào thế kỷ thứ 7 ở Iraq - một sự kiện dẫn đến sự chia rẽ hiện nay giữa người Hồi giáo dòng Shia và dòng Sunni.