Những sai lầm phổ biến khi sơ cứu trẻ đuối nước

(Dân trí) - “Khi sơ cứu trẻ bị đuối nước, không nên dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy hoặc hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện”, bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Đuối nước hay còn gọi là chết đuối là tình trạng nạn nhân bị ngạt khi chìm trong nước, hít phải nước hoặc có một số nạn nhân bị ngạt do sự co thắt thanh quản. Đuối nước dẫn tới tình trạng thiếu oxy não gây tình trạng bại não hoặc tử vong nếu thiếu oxy kéo dài.

Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, Bác sỹ nhi khoa Nguyễn Đức Thường, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc đầu tiên cũng là việc quan trọng nhất là cung cấp oxy cho trẻ càng sớm càng tốt để giảm thiểu biến chứng cho trẻ. Muốn cung cấp oxy cho trẻ thì chúng ta cần biết cách sơ cứu trẻ bị đuối nước.

Theo BS Thường, có nhiều trường hợp khi phát hiện người đuối nước đã không có biện pháp cứu và sơ cứu khoa học hay làm theo quan niệm sai lầm trong dân gian dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc xảy ra như:

- Thực hiện động tác dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy: Đây là một hành động hoàn toàn sai vì nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo (chậm cung cấp oxy cho bé) cứu sống bệnh nhân. Thứ hai là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ. Nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.

- Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện: Nếu không thực hiện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Điều này là do thiếu oxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.

Đuối nước là tình trạng nạn nhân bị ngạt trong nước, do hít phải nước… (Ảnh minh họa: Internet)
Đuối nước là tình trạng nạn nhân bị ngạt trong nước, do hít phải nước… (Ảnh minh họa: Internet)

Cách nhanh nhất cứu trẻ bị ngạt nước

BS Nguyễn Đức Thường cho biết, sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống và tránh được di chứng não cho nạn nhân.

Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng mọi cách. Bước 2: Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Bước 3: Nếu bệnh nhân bất tỉnh hãy kiểm tra xem bệnh nhân còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực của bệnh nhân có di động hay không.

Nếu lồng ngực không di động, tức là bệnh nhân ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái cần kiểm tra xem tim bệnh nhân còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập hay không.

Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim bệnh nhân đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở ½ dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa bệnh nhân đi viện.

Nếu bệnh nhân còn tự thở, cho bệnh nhân nằm nghiêng sang 1 bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm, nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

Sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống người đuối nước (Ảnh: Internet)
Sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống người đuối nước (Ảnh: Internet)

Mới vào đầu hè 2016, cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước, trong đó có những tai nạn rất thương tâm. Ngày 15/4, 9 em học sinh lớp 6, trường THCS Nghĩa Hà, tắm sông Trà Khúc, đoạn chảy qua thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi dẫn đến chết đuối thương tâm. Cũng tại địa bàn Quảng Ngãi, sau đó một ngày (16/4) lại xảy ra một vụ 2 cháu bé chết đuối ở bể tự hoại của một nhà hộ dân.

Vụ việc này một lần nữa là lời cảnh báo với các bậc phụ huynh, cần phải luôn chú ý quản lý, giám sát các em, nhất là trong những ngày hè nắng nóng, nguy cơ đuối nước rất cao.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển, với khoảng trên 3.000 ca tử vong do đuối nước được ghi nhận mỗi năm. Đáng lưu ý trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm.

Ngoài đuối nước, ngày hè, trẻ cũng dễ gặp các loại tai nạn điện giật, bỏng, gãy tay, gãy chân do leo trèo không đúng cách hoặc tai nạn giao thông khi đi du lịch. Để phòng tránh những tai nạn này, cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở con cẩn thận, nói với con về hậu quả của tai nạn để con sợ mà tránh. Đồng thời tạo ra một không gian chơi đùa an toàn cho trẻ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.

Nhữ Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm