Hà Nam:

Những nữ tay trống “cự phách” ở làng Đọi Tam

(Dân trí) - Khi nói đến những tay trống người ta chắc hẳn phải hình dung tới nam giới, nhưng ở làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, có một đội trống gồm 60 người phụ nữ, đội trống này nổi tiếng khắp vùng, họ chinh phục khán giả bằng những tiết mục độc đáo và không kém phần “mê li”.

Về làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên nhiều người chắc hẳn biết nhiều về làng nghề làm trống truyền thống, hay lễ hội Tịch Điền diễn ra mồng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Nhưng cũng không ít người biết ở Đọi Tam còn nổi danh với một đội trống với 60 người phụ nữ, một đội trống chuyên nghiệp do người phụ nữ đánh duy nhất ở nước ta tại thời điểm hiện tại.

Màn múa trống điêu luyện của các nữ tay trống cự phách làng Đọi Tam ở lễ hội Tịch Điền
Màn múa trống điêu luyện của các nữ tay trống cự phách làng Đọi Tam ở lễ hội Tịch Điền

Đọi Tam là làng trống nghề truyền thống làm trống lâu đời, vào năm 2004 sau khi được công nhận là làng nghề trống truyền thống, làng Đọi Tam thành lập đội trống và lấy tên "Đội trống gái Đọi Tam". Sau hơn 10 năm thành lập, danh tiếng của đội trống nữ làng Đọi Tam đã lan rộng và nổi danh khắp vùng Đồng bằng sông Hồng.

Đội trống gái làng Đọi Tam thời điểm đấy có 48 quả trống, chiếc trống to nhất (cao 1m77, đường kính mặt 1m47), chiếc trống đại (cao 1m20, đường kính mặt 1m80), 12 chiếc trống cám, 12 chiếc trống nhỡ, 12 chiếc bản, 8 chiếc trống giả cổ đều được các cô gái làng trình diễn.

Nữ tay trống nhỏ bé so với chiếc trống cái cao 1m77, đường kính mặt 1m47
Nữ tay trống "nhỏ bé" so với chiếc trống cái cao 1m77, đường kính mặt 1m47

Sau nhiều năm phát triển, đến nay, đội trống làng đã tăng lên 60 người, trong đó có 48 nữ đánh trống, 12 nam phụ đánh đồ đồng (chiêng, lệnh, thanh la, nạo bạt...).

Ông Đinh Văn Lương, một trong những người manh nha thành lập “Đội trống gái Đọi Tam” cho biết, sau khi xin phép lấy ý kiến dân làng để thành lập đội trống, người dân hết mực ủng hộ, chính quyền cơ sở tạo mọi điều kiện giúp đỡ.

Thời kỳ đầu thành lập đội, các hoạt động còn chưa vào nề nếp, thiếu chuyên nghiệp; vấn đề kinh phí ban đầu để trang bị trống, trang phục, kinh phí đi lại… là những khó khăn thường trực của đội trống. Từng bước một, “Đội trống gái Đọi Tam” khắc phục những khó khăn ban đầu để phát triển cho đến ngay hôm nay cũng cả là một quá trình cố gắng của tất cả chị em đội trống.

Các nữ trống tranh thủ chỉnh lại trang phục cho nhau trước giờ biểu diễn
Các nữ trống tranh thủ chỉnh lại trang phục cho nhau trước giờ biểu diễn

Để tham gia vào đội trống làng phải là gái làng Đọi Tam đã có chồng, còn gái làng chưa có chồng thì không được vào đội trống, vì sợ sau này khi đi xây dựng gia đình thì đội trống sẽ mất người. Chính vì vậy, qua hơn 10 năm thành lập, đến nay khi nhắc đến đội trống gái Đọi Tam mọi người dân đều biết đến với những âm điệu được ví như: tiếng trống từ các cô gái Đọi Tam tưng bừng, vang rền, lúc dồn dập như đoàn quân xung trận, lúc trầm bổng như tiếng vọng của núi sông, lúc vui nhộn hào hứng, bay bổng, làm náo nức lòng người trong ngày lễ hội"...

Chị Nguyễn Thị Hường, đội phó đội trống tâm sự: “Toàn bộ các chị em trong đội đều bận biụ với công việc gia đình, cả ngày ở đồng, tối tranh thủ thu xếp việc nhà lại cùng nhau ra đây để tập luyện. Quanh năm, suốt tháng làm quen với trống làng cùng có chung một tâm huyết đưa tiếng trống Đọi Tam bay cao, bay xa hơn nữa.”

Tập trung hết sức nghe tiếng lệnh để biểu diễn
Tập trung hết sức nghe tiếng lệnh để biểu diễn

Ở làng Đọi Tam có gần 700 hộ với hơn 3000 nhân khẩu thì có tới 80% số hộ theo nghề làm trống. Những chị em phụ nữ ở Đọi Tam không chỉ thạo việc nhà, giỏi việc đánh trống mà còn là những nghệ nhân làm trống điêu luyện.

Hàng năm, cứ đến mồng 7 tháng Giêng âm lịch, tại lễ hội Tịch Điền “vua xuống ruộng đi cày 3 sá” cầu mùa màng bội thu, người dân và du khách thập phương khắp nơi được chứng kiến “Đội trống gái Đọi Tam” thể hiện những tiết mục đánh trống uyển chuyển, mê say lòng người.

Đức Văn