Những người nổi tiếng kỳ dị

Còn kinh khủng hơn cả một số nghệ sĩ “ba trợn” trong làng nghệ thuật thế giới, nhiều ông trùm trong giới doanh nghiệp có những chiêu lạ đời, kinh dị...

Trong giới đầu tư vào hàng không, có lẽ không ai không biết đến Howard Hughes (1905-1976), một trong những ông chủ hàng không lớn nhất Mỹ thập niên 1950 (được Leonardo Di Caprio khắc họa trong phim The Aviator năm 2004). Hughes còn nổi tiếng với những màn lập dị không giống ai. Ông khoái tàng trữ nước tiểu của mình và sợ bụi hơn sợ ma cà rồng.

Một doanh nhân khác, cũng mang họ Hughes, có nhiều màn trình diễn còn quái đản hơn. Đó là Brian Hughes, trùm ngành công nghiệp điện ảnh thập niên 1920. Brian Hughes khoái tản bộ ở vỉa hè Tiffany tại New York City với một phong bì kẹp dưới nách. Khi thấy thời cơ đến, tức đường phố đã khá đông, Brian Hughes liền móc từ phong bì ra hàng nắm nữ trang rồi ném tung tóe ra lộ. Tuy nhiên, cũng xin nói rõ thêm: nữ trang mà Brian Hughes ném toàn là đồ rởm!

Vào ngày mưa, Brian Hughes thường thoát ra khỏi khách sạn và làm bộ để quên cây dù. Khi ai đó tình cờ nhặt và bung cây dù, nạn nhân sẽ thấy một trận mưa giấy tung ra mà mỗi mảnh giấy đều có hàng chữ: “Cây dù bị đánh cắp của Brian G. Hughes”.

Trong làng công nghiệp dầu hỏa, cũng có nhiều quái kiệt nổi tiếng. Ông trùm huyền thoại công nghiệp dầu J. Paul Getty (1892-1976) nổi tiếng về màn buộc khách đến nhà phải trả tiền điện thoại nếu lỡ gọi.

Trong khi đó, bác trọc phú nhà vườn James West (1903-1957) lại hào phóng một cách kỳ lạ. Mặc bộ đồ cao bồi có gắn huy hiệu Texas Ranger đính kim cương, bác West khoái màn khòm lưng trên chiếc môtô và chạy đua chơi với cảnh sát Houston. Trên đường chạy, dân chúng bu lại coi rần rần và lúc ấy bác West bắt đầu vãi hàng nắm xu bạc. Bởi vậy, James West còn được mệnh danh “Jim đôla bạc”. Đặc biệt, West có đến 30 chiếc môtô để phục vụ cho màn trình diễn rượt đuổi với cảnh sát.

Trong giới kinh doanh bất động sản, Abe Hirschfeld (mới quy tiên ngày 9/8/2005) là người nổi tiếng đáng kể. Hirschfeld chuyên làm giàu nhờ nghề xây công viên cho các cháu thiếu nhi. Suốt bấy lâu nay, cụ Hirschfeld đã thỏa mãn với gia tài của mình nhưng luôn ấp ủ giấc mơ có một cái chân trong guồng máy nhà nước. Cụ đã tranh cử tứ tung, từ chức phó thống đốc bang New York, thượng nghị sĩ dưới nhiều màu cờ của đủ thứ đảng phái (Dân chủ, Cộng hòa, Độc lập)… nhưng tiếc thay đều hỏng cả.

Có lẽ uất ức bấy lâu vì giới báo chí và chính trường chưa ai biết mặt mũi mình, cụ Hirschfeld từng đề nghị tặng Paula Jones 1 triệu USD để ả này chịu nộp đơn kiện cựu Tổng thống Bill Clinton. Hirschfeld còn có một chiêu quái đản nữa, kiểu như “kính thưa quý vị, tôi ngồi ở đây nè!” bằng cách cho tờ New York Post (lúc đó cụ làm chủ) đăng hàng tít thật to: “Gã này là ai đây?”. Được hỏi cụ có điên không, Hirschfeld điềm tĩnh trả lời: “Có chứ! Bất cứ người nào đạt được thành tựu trong cuộc đời đều có điên chút chút”.
 
Trong giới xuất bản, nhiều vị còn kỳ lạ hơn, từ Joseph Pulitzer (1874-1911, người đã khai sinh giải thưởng báo chí Pulitzer, chủ bút tờ New York World) cho đến Richard Mellon Scaife hiện vẫn còn sống ở tuổi 73, chủ bút tờ Tribute Review ở Pittsburgh. Pulitzer mắc phải chứng bệnh lo lắng nghiêm trọng đến độ những năm cuối đời phải sống trong môi trường cách ly với những căn phòng cách âm tuyệt đối.

Còn Scaife thì dùng những khoản tiền lớn để thực hiện các đề án không có ý nghĩa gì, như mua một tờ báo nhỏ, đặt tên cho nó là “Thành phố thép” để tung ra hàng loạt bài viết mang những lý thuyết quái gở.

Cụ Bernarr Macfadden (1868-1955) thường dùng tờ báo Physical Culture để quảng bá các câu chuyện y học và sức khỏe ngớ ngẩn. Cụ kêu gọi thiên hạ ăn nhiều cà rốt, tắm nhiều nước lạnh và thường xuyên chăn gối.

Làm chủ nhiều tờ báo khác, nhà hàng và cả khu nghỉ mát với tài sản trị giá 30 triệu USD (rất lớn thời đầu thế kỷ 20), cụ Macfadden bị chê cười là chẳng tạo dựng được gì trừ “những củ cà rốt và chuyện tình dục”.

Năm 45 tuổi, cụ Macfadden lập gia đình với một vận động viên vô địch bơi lội. Hai người thực hiện một tua vòng quanh châu Âu. Người ta kể họ rất hạnh phúc và cụ rất khoái màn cô vợ trẻ nhảy từ bục cao 2m xuống ngay cái bụng căng như lò xo của cụ.

Không chỉ những người nổi tiếng, trong số những người bình thường quanh ta, cũng có lắm vị siêu quái. Jack Mytton ở Shropshire (Anh) đã lừng danh khi bảo tồn và gìn giữ đến 150 cái quần ống túm kiểu cổ và nuôi khoảng 2.000 con chó săn. Trong một buổi tiệc, ông còn làm cho khách mời cười bò lăn khi xuất hiện trong bộ trang phục săn và ngồi trên một con gấu nhồi.

Tuy nhiên, như thế cũng chưa có gì. Một ngày kia, để chữa chứng nấc cụt của mình, Mytton đã nhảy vào lửa! Thoát chết dù mình mẩy phỏng nặng, nhưng có hề chi, Mytton mãn nguyện vì “chứng nấc cụt cuối cùng cũng hết”.

Có thể nêu ra hàng lô những gương mặt đại diện giới quái kiệt, John Slater chẳng hạn. Hiện sống trong một căn lều nhỏ ở cao nguyên Scotland, cách Inverness 15 m, hồi còn trẻ, Slater là lính cảm tử trong lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh. Không biết tình trạng lập dị xuất hiện từ lúc nào mà Slater ngày càng khác thường. Ông chỉ nhớ đó là khi “tôi bắt đầu cảm thấy mình mất cảm hứng trong việc tìm hiểu cách giết người bằng ngón tay cái”!

Một trong những biểu hiện kỳ cục đầu tiên của Slater xuất hiện là khi ông nêu ý định tình nguyện trải qua 6 tuần trong một cái chuồng ở Sở thú Luân Đôn cho thiên hạ dòm, nhằm quyên tiền cho quỹ bảo tồn gấu trúc.

Tất nhiên, ban giám đốc sở thú không đồng ý. Bực bội, Slater làm theo cách riêng: lang thang suốt 5.000 km ở bờ biển Jake Scotland để xin tiền. Dù số tiền thu được rất ít ỏi (vỏn vẹn 1.540 USD) so với công sức bỏ ra nhưng hành động của ông đã được nhiều người cảm kích. Slater đã lên đường trong bộ đồ ngủ màu trắng chen sọc đỏ-xanh.

Tuy đường đi có đoạn toàn sỏi và cây gai, Slater cũng hành quân được 20km/ngày. Bốn tháng sau, Slater có mặt ở thị trấn John o’Groats, nằm phía Bắc Scotland, nơi một đám đông háo hức hóng chờ… Bây giờ, ở tuổi 60, ông già râu bạc Slater vẫn liên tục thực hiện nhiều cố gắng nhằm quyên tiền cho chiến dịch ủng hộ chăm sóc sức khỏe, nhấn mạnh vào những điểm chính như lợi ích của rau quả, vitamin và các phương thuốc chữa vết thương bằng cây cỏ thiên nhiên…

Tại Malton (Bắc Yorkshire, Anh), tên tuổi Colin Newlove không ai không biết. Là chuyên gia huấn luyện ngựa và nuôi bò giống, Colin nổi danh nhờ một ngày nọ nảy ra ý định dạy bò cách cúi đầu chào, cách quỳ gối phủ phục như voi và cách cho ông cưỡi trên lưng nó để “bò phi, bò phi đường xa” mà cóc thèm dùng yên.

Thế rồi, ngày hội chợ nông nghiệp đến, Colin, với trang phục kỵ sĩ truyền thống, đã khiến khán giả phục bò càng khi cho William, con bò cưng của ông, thực hiện những điều mà trước nay người ta nghĩ rằng chỉ ngựa mới làm được. Phấn khích, Colin quyết định dạy William cách chạy thi săn, nhằm tham gia cuộc săn truyền thống địa phương Derwent Fox Hounds. Ngày hội đến. Đám thợ săn (dùng ngựa) ngửa cổ uống rượu ừng ực và công khai chọc quê Colin. Nhưng con bò William kia rồi.

Thế này thì tin trên là có thực chứ không phải đồn nhảm à? Khi tiếng kèn sừng vang lên, William chồm lên phóng nước đại. Nó phi như bay. Màn trình diễn quá ư ngoạn mục. Truyền hình quay trực tiếp và con người đó cùng con vật đó sau này đã được mời tham dự tất cả những cuộc đi săn tổ chức khắp nước Anh. Có người nói rằng, chính bọn người mời cặp bài trùng Colin-William vào các cuộc săn mới là đám lập dị! 

Bác sĩ David Weeks, nhà tâm lý - thần kinh học tại Bệnh viện Edinburgh, người từng bỏ ra 15 năm chuyên nghiên cứu hiện tượng lập dị trên hơn 1.000 quái kiệt, cho biết, nhiều người ngộ nhận rằng lập dị là triệu chứng của bệnh điên ở dạng nhẹ.

 

Weeks cho rằng người lập dị không bị hỏng hay rối loạn chức năng thần kinh. Chỉ số thông minh của họ bình thường, họ sống hạnh phúc hơn nhiều người trong chúng ta và thường thọ hơn đến 10 năm.

 

Trong nhiều trường hợp, các quái nhân là con đầu lòng hay con một, ít nhất riêng ở Anh.

 

Theo nghiên cứu của Weeks, dân lập dị chính hiệu, tức sống theo kiểu lập dị 24/24, chiếm tỷ lệ trung bình 1/10.000 người Anh.

Theo Sài Gòn Giải Phóng