Quảng Nam:

Những làng rau rộn ràng vào vụ Tết

(Dân trí) - Trận lũ lớn vào đầu tháng 11/2017 đã làm làng rau Bàu Tròn (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) bị thiệt hại khá nặng nề. Thế nhưng sau lũ, bà con nơi đây đã gượng dậy gieo mầm xanh trên đất bồi phù sa để chuẩn bị đón Tết.

Hơn một tháng kể từ khi cơn lũ lớn đi qua nhưng dấu tích của trận lũ vẫn còn in dấu trên bờ rào, ngọn tre của người dân Đại Lộc.

Người dân đang cố gắng vun trồng lại ruộng rau màu để kịp cho thị trường Tết
Người dân đang cố gắng vun trồng lại ruộng rau màu để kịp cho thị trường Tết

Dù vậy, sau lũ người dân đã gượng dậy gieo trồng để trên khắp cánh đồng quê hương lại phủ lên một màu xanh tươi của rau quả. Những ngày này người dân tranh thủ ra đồng chăm sóc, vun vén cho ruộng rau của mình chuẩn bị đón Tết.

Do thời tiết mưa và lạnh kéo dài nên khiến một số loại cây trồng khso leo giàn hoặc úng rễ
Do thời tiết mưa và lạnh kéo dài nên khiến một số loại cây trồng khso leo giàn hoặc úng rễ

Ông Trần Hữu, người trồng rau hơn 20 năm ở Bàu Tròn cho hay, trận lũ vừa qua đã cuốn trôi của gia đình ông không ít lưới, cả vườn đu đủ già để dành Tết cũng ngã trụi, thiệt hại hơn chục triệu đồng. Mặc dù khó khăn, cả gia đình ông vẫn cố gắng gượng dậy.

“Tôi đã đổ rất nhiều tiền để khôi phục lại ruộng rau, đó là tất cả hy vọng cho năm mới sắp đến. Bây giờ tôi chỉ mong thời tiết có nắng để ruộng rau xanh tốt hơn, có thêm thu nhập mua sắm cho dịp Tết sắp đến”, ông Hữu chia sẻ.

Người dân đang tất bật ra đồng chăm sóc, vun vén cho ruộng rau gia đình. Hy vọng một mùa màng tốt tươi cho năm mới sắp đến
Người dân đang tất bật ra đồng chăm sóc, vun vén cho ruộng rau gia đình. Hy vọng một mùa màng tốt tươi cho năm mới sắp đến

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Chín đang chăm sóc cho ruộng khổ qua nhà mình cho biết, gia đình phải mất nhiều tiền và công sức để khôi phục lại ruộng rau màu chuẩn bị cho thị trường Tết. Sau lũ lớn, đất đai bù đắp phù sa nên nhiều giống rau phát triển tốt, không có sâu bệnh hay rầy phủ. Tuy nhiên, thời tiết lại diễn biến thất thường, lạnh và mưa kéo dài khiến cho nhiều loại cây trồng khó leo giàn.

Đậu co-ve chống chịu tốt nhất nên đang sớm ra hoa , kết quả bù lại sự cực khổ của người nông dân
Đậu co-ve chống chịu tốt nhất nên đang sớm ra hoa , kết quả bù lại sự cực khổ của người nông dân

“Đợt lũ vừa qua do gia đình xuống giống sớm nên mấy giàn đậu tây vừa ra hoa đã bị quét sạch. Giờ tôi đã gieo trồng lại, hiện giàn đậu tây đã xanh tốt trở lại và sẽ sớm thu hoạch. Còn khổ qua thì khó leo giàn, mấy đợt này trời lạnh quá có ruộng thì dây mọc không nổi, có ruộng dây dài phải cuống lại bớt để tránh rét trời nắng mới dám bung ra cho leo. Dù khó khăn nhưng gia đình tôi luôn cố gắng vun trồng, hy vọng dịp Tết sắp đến sẽ cho mùa bội thu bù lại công sức vất vả của dân lao động chúng tôi”, bà Chín tâm sự.

Sau lũ người dân đã gượng dậy gieo trồng để trên khắp cánh đồng quê hương lại phủ lên một màu xanh tươi của rau quả
Sau lũ người dân đã gượng dậy gieo trồng để trên khắp cánh đồng quê hương lại phủ lên một màu xanh tươi của rau quả

Ông Lê Trọng Quốc (Giám đốc HTX rau Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) cho hay, Tết năm nay làng rau Bàu Tròn gieo trồng 47 ha, đợt vừa rồi người dân xuống giống sớm để tránh tình trạng “được mùa, rớt giá” nhưng lại gặp đợt lũ muộn gây thiệt hại 27,8 ha. Hiện nay người dân đang lần lượt xuống giống các loại rau màu để cũng ứng dịp Tết. Các loại chủ đạo năm nay là dưa leo, khổ qua, đậu cove và các loại rau ngắn ngày như cải, xà lách…

Rút kinh nghiệm từ nhiều lần được mùa mất giá, người dân xuống giống lần lượt để thu hoạch dần đến Tết. Rau ở đây xuất đi các nơi như TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… ngoài ra rau Bàu Tròn còn phải cạnh tranh với rau từ khắp nơi đổ về.

Người dân chia sẻ về việc canh tác rau màu mùa Tết

Không riêng gì làng rau Bàu Tròn (xã Đại An), những nơi trồng rau lân cận tuy diện tích không lớn như xã Đại Minh, Đại Cường… cũng đang tất bật chăm sóc, vun trồng để cung ứng cho thị trường Tết sắp đến.

Đang vun vén ruộng rau nhà mình, ông Lê Quang Trí (trú xã Đại Cường, Đại Lộc) cho biết: “Gia đình tôi năm nay chỉ trồng đậu cô-ve và các loại rau ngắn ngày như cải, xà lách, diếp cá… để cung ứng thị trường Tết. Do năm nay thời tiết lạnh, mưa kéo dài nên nhiều loại cây chống chịu kém khó leo giàn hay úng rễ. Dự tính với 2 sào rau màu gia đình thì Tết năm nay có thể thu về từ 10-12 triệu đồng, hy vọng với những công sức bỏ ra chúng tôi sẽ có được một cái Tết sung túc”.

Người dân nhiều đồng rau đang tất bật ra đồng chăm sóc, vun vén cho ruộng rau gia đình. Hy vọng sẽ là vụ mùa mang lại thu nhập khá vào dịp Tết đến xuân về.

N.Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm