Đắk Nông:
Những “đứa con” của người lính binh đoàn
(Dân trí) - (Dân trí)- Từ những đứa trẻ mồ côi, năm chị em người Mông được Binh đoàn 16 nhận về chăm sóc, dạy dỗ. Ba năm sống trong tình thương, sự đùm bọc của người lính, những đứa trẻ này gọi họ bằng một tiếng “bố” thân thương với niềm tự hào, hãnh diện nhất.
Chúng tôi tìm đến nhà của Sùng Thị Dinh (SN 200, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) theo sự dẫn đường của Đại úy Nguyễn Văn Thọ, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 720 (Binh đoàn 16). Theo vị đại úy này, sống trong ngôi nhà do Binh đoàn 16 xây tặng, được đi học, được trợ cấp nuôi dưỡng nên cuộc sống của năm chị em Dinh cũng đầy đủ, ấm no như những đứa trẻ khác trong vùng. Ít người biết rằng, chỉ 3 năm trước, năm chị em Dinh đã trải qua những mất mát lớn lao và phải sống trong cảnh cùng cực đói khát.
Đồng hồ điểm 11g trưa, cô chị cả Sùng Thị Dinh từ lớp học dạy khai thác mủ trở về. Lật đật chạy vào bếp nấu vội bữa cơm trưa cho các em xong, Dinh mới có thời gian ra trò chuyện cùng khách.
Mối lần nhắc lại cuộc sống bất hạnh, đẫm nước mắt của năm chị em khi bố mẹ lần lượt qua đời, cô gái trẻ lại rưng rưng nước mắt: “Nhà em ngày xưa ở tận xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Nhà nghèo nhưng bố lại suốt ngày uống rượu say khướt, nên đến năm 2013 mẹ em uất ức quá phải tìm đến cái chết. Chưa đầy một năm sau, cha và ông nội của em cũng mất”.
Ngày bố mẹ mất, bỏ lại Dinh cùng 4 người em là Sùng A Giàng (SN 2002), Sùng Thị Gió (SN 2004), Sùng Thị Sùng (SN 2006) và Sùng Thị Nu (SN 2008). Dinh từ một đứa trẻ vô ưu vô lo, hồn nhiên trở thành trụ cột chính trong gia đình, lo cho các em từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến việc học hành.
Nhớ lại quãng thời gian phải tự xoay xở, bươn chải kiếm sống qua ngày, thiếu nữ người Mông bùi ngùi: “Các em còn nhỏ nên không làm được gì kiếm ra tiền, hàng ngày em phải đi làm nương rẫy hoặc ai thuê gì làm nấy, làm đủ mọi công việc để nuôi các em, cơm thì bữa đói, bữa no, quần áo thì không có lấy một cái mới và lành lặn. Nhiều lần nhìn mấy đứa em phải ăn cơm nguội với muối trắng mà chúng em chỉ biết ôm nhau khóc”.
Trong khi 4 em của Dinh được đến trường và sống trong ngôi nhà khang trang do binh đoàn 16 xây tặng
Có lần lên rừng kiếm củi, Dinh bị ngất xỉu trong rừng vì đói lả và kiệt sức, nhưng may mắn được một chiến sĩ biên phòng phát hiện và cứu giúp. Một lần khác, do ăn uống thiếu thốn, lại làm việc vất vả nên Giàng bị sốt rét rừng hành hạ. Có lẽ ngày ấy Giàng sẽ không qua khỏi nếu không nhờ hàng xóm phát hiện kịp thời và đưa đi bệnh viện. Chỉ đến những lúc ấy, năm chị em mồ côi mới thấm thía cảnh cảnh đơn độc, bơ vơ.
May mắn cho chị em Dinh khi hoàn cảnh của các em được lãnh đạo Binh đoàn 16 biết được. Sau đó thiếu tướng Lê Đức Thọ, tư lệnh Binh đoàn 16 đã quyết định nhận 5 chị em về nuôi. Đại úy Phạm Nam Huân (Đội trưởng đội sản xuất số 6, Trung đoàn 726) được đơn vị phân công chăm sóc chị em Dinh.
Anh Huân cho biết: “Sau một thời gian bỡ ngỡ, các cháu dần quen với hoàn cảnh, môi trường sống mới nên rất tự lập và ngoan ngoãn. Vì các cháu không may mắn mất đi những người ruột thịt nên đơn vị và bản thân tôi coi các cháu như con cái, cố gắng bù đắp những thiếu thốn về tình cảm cho các cháu.
Ngày mới đến, ngoài Giàng thì các cháu còn lại không có giấy tờ tùy thân, cũng không được đi học nên chúng tôi phải đi lại nhiều lần sang các tỉnh khác để làm toàn bộ thủ tục để các cháu được đến trường như bạn bè. Và chỉ một thời gian sau, Dinh và ba cô em gái được vào học lớp 1 tại Trường tiểu học Kim Đồng. Riêng về Giàng, sau khi hoàn tất chương trình tiểu học, cháu tiếp tục lên cấp 2 và trở thành học sinh giỏi của trường THCS Trần Phú”.
Sống trong tình yêu thương, đùm bọc của những người lính Binh đoàn 16, chị em Dinh coi họ như những người ruột thịt, máu mủ. Sùng A Giàng thổ lộ: “Không biết từ bao giờ, năm chị em đã gọi các chú bộ đội là bố. Tuy chỉ dám gọi khi ở nhà, nhưng đối với chúng em đó đã là niềm vinh dự, tự hào. Sống với bố, chúng em cảm nhận được tình cảm, tình yêu mà trước đây năm chị em chưa bao giờ có được”.
Chia sẻ về những “đứa con” đặc biệt này, đại tá Nguyễn Đình Tụ, trung đoàn trưởng Trung đoàn 720 cho biết, trước mắt đơn vị cam kết nuôi dưỡng các em cho đến 18 tuổi. Hiện nay, chị cả Dinh đang được Trung đoàn cho theo học lớp khai thác mủ cao su, đến khi đủ 18 tuổi, nếu em có nguyện vọng đơn vị sẽ nhận vào làm công nhân nông trường của trung đoàn. Ngoài ra, đơn vị cũng định hướng để Dinh trở thành bảo mẫu nếu em có ước mơ, nguyện vọng.
“Trong thời gian tới, đơn vị sẽ kiến nghị lên Binh đoàn, xem xét cấp cho năm chị em Dinh một mảnh đất để sau này các cháu có tư liệu sản xuất. Hy vọng sau khi tất cả các cháu đến tuổi trưởng thành, có thể tự lập mà không cần đến sự trợ giúp từ Binh đoàn”, đại tá Tụ cho hay.
Dương Phong