Những đạo luật kỳ cục ở Anh

(Dân trí) - Luật pháp Anh quốc quy định: ví như một ngày bạn có nhã hứng... tè bậy ra đường, không cấm, nhưng chỉ được tè ở 1 nơi duy nhất là... bánh sau xe máy, và nhớ phải là bánh sau bên phải.

Hay giả dụ vào ngày Giáng sinh bạn “nhỡ miệng” cắn một miếng bánh nhân thịt - coi chừng gặp rắc rối to với mấy ông cảnh sát.

 

Đó chỉ là một trong những luật bất thành văn kỳ cục đã tồn tại ở xứ sương mù từ mấy trăm năm. Một điều lạ không kém là suốt chừng ấy thời gian, cũng chẳng ai “rỗi hơi” đi ra soát và chỉnh đốn lại hệ thống những quy định dở khóc dở cười như thế.

 

Thử mở mang đầu óc bằng một số đạo luật kỳ cục không kém khác:

 

- Rạng sáng ngày 25 tháng 12, trong khi tất cả các ông già Noel trên thế giới đã về nhà nghỉ ngơi thì đó mới là lúc ông già Noel ở Anh mới được phép đi phát quà. (Lẽ nào các nhà chức trách e ngại nếu không “phân luồng”, giao thông trên bầu trời đêm Giáng sinh sẽ tắc nghẽn?)

 

- Tẩt cả các bác xế taxi phải có nghĩa vụ: hễ có khách đặt chân lên xe là phải hỏi xem họ có bị đậu mùa hay bệnh dịch truyền nhiễm nào không.

 

- Cấm công dân Anh không được treo giường ra ngoài cửa sổ.

 

- Bất cứ ai bị bắt quả tang bóc vỏ trứng luộc từ phía đầu nhỏ hơn sẽ bị phạt 24 giờ đồng hồ ngồi ăn năn trong kho chứa của làng (đạo luật do Vua Edward VI ban hành).

 

- Con trai dưới 10 tuổi không được phép ngắm nhìn ma-nơ-canh không mặc quần áo (thậm chí liếc nhìn cũng không).

 

- Các quý bà quý co không được ăn chocolate trên phương tiện giao thông công cộng.

 

- Nếu nắm trong tay cung tên gắn lông chim, bạn có thể nhắm bắn bất cứ gã trai xứ Wales nào đang đi lang thang trong nhà thờ Close ở Hereford. Nhưng chỉ được phép trong ngày Chủ nhật.

 

Tuy nhiên theo công tố viên Paul Newman: “Dân xứ Wales đừng vì thế mà lặn biệt tăm khỏi Hereford vào ngày cuối tuần. Phần lớn những đạo luật cũ kỹ này đã trôi vào quên lãng, mà nếu nhà chức trách có bắt được thì họ cũng xuề xòa bỏ qua”.

 

Hiện Anh có hẳn một Ủy Ban Luật pháp chuyên phụ trách rà soát và hủy bỏ các quy định lỗi thời nhằm hướng tới một hệ thống luật tiên tiến hơn. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn khá nhiều luật định kỳ cục còn vương lại.

 

Vài năm một lần, Quốc hội Anh cũng thông qua không ít dự thảo xóa bỏ luật cũ, mỗi lần như thế lại bỏ đi hàng trăm trang.

 

Ví dụ như năm 2003 họ đã gạt ra 68 đạo luật và hơn 400 chương điều ra ngoài phạm vi hiệu lực. Trong số các đạo luật bị bãi bỏ năm 2004, có 1 luật tồn tại từ năm 1888 khuyến khích người lớn thất nghiệp và trẻ lang thang ở các thành phố đông dân di cư sang các nước thuộc địa.

 

Thùy Vân

Theo BBC