Những công trình định nghĩa lại kiến trúc thế giới trong nửa thập kỷ qua (P2)

(Dân trí) - Với thiết kế mang tính đột phá, tối ưu cũng như giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại của khuôn mẫu truyền thống, những công trình dưới đây thực sự đã định nghĩa lại nền kiến trúc đương đại của thế giới.

Bảo tàng Louvre Abu Dhabi (UAE) 

Những năm đầu của thế kỷ 21 chứng kiến sự trỗi dậy của các quốc gia Ả Rập, đặc biệt là những nước có trữ lượng dầu mỏ dồi dào. Đi cùng với nhịp phi mã của nền kinh tế chính là sự phục hưng của nền kiến trúc Ả Rập và đương nhiên là với một hơi thở mới mẻ hơn rất nhiều.

Những công trình định nghĩa lại kiến trúc thế giới trong nửa thập kỷ qua (P2) - 1

Hoàn thành vào năm 2017 với chi phí xây dựng lên tới 650 triệu USD, bảo tàng nghệ thuật Louvre Abu Dhabi chính là một “biểu tượng” hùng hồn cho bước nhảy vọt của thủ đô Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nơi mà đến tận những năm 1950 hệ thống điện nước vẫn chưa “phủ sóng”. Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư lừng danh Jean Nouvel có tổng diện tích hơn 23.535 mét vuông, kích thước khiến nó trở thành bảo tàng nghệ thuật lớn nhất bán đảo Ả Rập.

Những công trình định nghĩa lại kiến trúc thế giới trong nửa thập kỷ qua (P2) - 2

 Có rất nhiều điều làm nên tên tuổi của Louvre Abu Dhabi trong làng kiến trúc thế giới, song ấn tượng nhất vẫn là mái vòm bằng kim loại của nó. Có thể thấy, kết cấu này chính là sự kế thừa hoàn hảo thiết kế mái vòm đặc trưng của kiến trúc Ả Rập truyền thống, sau đó được làm mới bằng cách áp dụng những chất liệu, công nghệ xây dựng hiện đại để tạo ra kiệt tác không thể chê vào đâu được.

Đi sâu vào phần kết cấu, chiếc mái vòm được xếp lớp, cắt tạo hình thành hàng loạt những họa tiết ngôi sao, bên cạnh tính thẩm mỹ, chúng còn giúp điều tiết lượng ánh sáng chiếu vào không gian bên trong. Được biết, người ta đã mất đến 8 năm chỉ để hoàn thiện chiếc mái vòm này.

Louvre Abu Dhabi chủ yếu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật phương Tây, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: tranh chân dưng tự họa của Van Gogh (1877), bức tranh Nhà ga Saint-Lazare của Monet (1877), bức tranh nổi tiếng của Jacques-Louis David vẽ cảnh Napoleon đang băng qua dãy An pơ trên con ngựa trắng…

Bảo tàng Louvre Abu Dhabi (UAE)

Nhà máy điện CopenHill (Đan Mạch)

Có lẽ bạn sẽ phải bất ngờ khi trong danh sách những công trình “tái định nghĩa” lại nền kiến trúc này lại xuất hiện…một nhà máy. Tuy nhiên khi tìm hiểu về CopenHill, bạn sẽ nhận thấy rằng đó là một điều hiển nhiên.

Những công trình định nghĩa lại kiến trúc thế giới trong nửa thập kỷ qua (P2) - 3

Được xây dựng tại Copenhagen (Đan Mạch), CopenHill là một nhà máy điện thân thiện với môi trường, bởi nguyên liệu mà nó sử dụng chính là rác thải. Cụ thể, CopenHill có thể đốt cháy 400.000 tấn rác hàng năm để sản xuất nguồn năng lượng sạch đủ cho nhu cầu của 60.000 gia đình, đặc biệt nó không hề thải bất kỳ chất độc nào ra bầu khí quyển.

Không chỉ thân thiện với môi trường, nhà máy này còn thân thiện với cả con người, khi mang một thiết kế đầy tính thẩm mỹ. Thậm chí, nếu không có chiếc ống khói hay biển hiệu, chắc hẳn không ít người sẽ lầm tưởng đây là một văn phòng làm việc hay trung tâm thương mại.

Chưa dừng lại ở đó, CopenHill còn sở hữu cả một đường trượt tuyết dài 457 mét chạy dọc theo nóc của công trình, được chia làm 3 phần ở những mức độ khó khác nhau, với một cầu thang máy dẫn trực tiếp lên đỉnh. 

 Trung tâm văn hóa The Shed (Mỹ)

Những công trình định nghĩa lại kiến trúc thế giới trong nửa thập kỷ qua (P2) - 4

Trung tâm văn hóa The Shed (New York, Mỹ) chính là một bước tiến mạnh mẽ để vươn tới nền kiến trúc tương lai của con người. Được xây dựng với một mục tiêu gần như là bất khả thi: “Làm kinh ngạc những người dân ở New York, thành phố phát triển bậc nhất thế giới, nơi đã có quá nhiều công trình ấn tượng và tầm cỡ”. Và đáp án được đưa ra đã vượt xa khỏi suy nghĩ của nhiều người: “Xây dựng một công trình trên bánh xe để có thể nhân đôi kích thước khi cần”.

Những công trình định nghĩa lại kiến trúc thế giới trong nửa thập kỷ qua (P2) - 5

Điều này đã hiện thực hóa nhờ vào lớp vỏ ngoài được tạo bằng các tấm vật liệu trọng lượng nhẹ đặt trên hệ thống bánh xe chạy trên đường dẫn. Ở trạng thái bình thường, lớp vỏ này nằm chồng lên phần khung chính của tòa nhà, và những gì có được là một không gian bảo tàng rộng gần 20.000 mét vuông.

Trong trường hợp cần mở rộng, một động cơ mạnh 121 mã lực sẽ kéo phần vỏ ra bên ngoài giúp tăng gấp đôi diện tích trong nhà chỉ trong 5 phút, để phục vụ cho các buổi biểu diễn nghệ thuật. Được biết, toàn bộ chi phí để xây dựng công trình “siêu linh hoạt” này lên đến 475 triệu USD. Dẫu vậy, với những gì làm được, The Shed thực sự rất đáng đồng tiền bát gạo!

Trung tâm văn hóa The Shed (Mỹ)

Minh Nhật

Theo AD  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm