Những chiêu trò khó tin "chống ngán" cho con mùa dịch

(Dân trí) - Đi kéo lô cốt bỏ hoang, đưa thằn lằn đi dạo, ngồi làm mẫu cho vẽ..., trẻ nghỉ dài ngày tránh dịch, các ông bố bà mẹ căng não bày đủ chiêu trò "chống ngán" cho con...

"Hai đứa đâu, ba con mình đi kéo phà!", ăn sáng xong, anh Trần Quốc Hiệu, nhà ở Linh Đông, Thủ Đức gọi hai cậu con trai. Hai đứa réo lên, lấy dép đi theo ba. Ông bố cầm theo vài cái bánh, nước uống, nước rửa tay khô, cùng nhau lên đường. 

Những chiêu trò khó tin chống ngán cho con mùa dịch - 1

Nhiều phụ huynh thành phố bày ra đủ trò "chống ngán" cho con mùa dịch 

Những ngày con nghỉ học, anh mới biết sau khu nhà mình có bãi đất trống, thoáng, rộng mênh mông. Có hôm mấy cha con chơi đá banh, bắt chuồn chuồn, hay đưa đồ ra xúc cát ở bãi cát... Rồi anh phát hiện thêm, có khu đất hoang phía sau bờ sông, cây cối rập rạp, tương đối sạch sẽ. Mấy cha con mò mẫm, ra đây ngồi câu cá, trò chuyện... như thể có cả thế giới. 

Nơi đây có một lô cốt sắt bỏ hoang, nổi trên sông có nối dây xích neo vào bờ. Hai con anh thích thú gọi là phà, có khi ra chỉ cầm dây kéo phà thôi là thích mê từ ngày này qua ngày khác. 

Anh Hiệu cho biết, từ ngày con nghỉ học, anh và vợ phải thu xếp mỗi người nghỉ làm nửa tuần để giữ con. Những ngày đầu, mấy cha con ăn rồi quanh quẩn trong nhà xem phim, vẽ vời, chơi điện thoại, đọc sách... Được vài hôm thì không chỉ con mà đến anh cũng cuồng tay cuồng chân. 

Những chiêu trò khó tin chống ngán cho con mùa dịch - 2
Những chiêu trò khó tin chống ngán cho con mùa dịch - 3

Trẻ vui chơi ở công viên trong khuôn viên gần nhà dịp nghỉ dịch 

Cha con dắt nhau ra khỏi nhà nhưng không phải đi siêu thị, khu vui chơi, trung tâm thương mại, xem phim như mọi lần. Những hoạt động quen thuộc ngày thường đó, giờ nằm trong "lệnh cấm" của gia đình mùa dịch.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn, ở Q.2, TPHCM chia sẻ, anh không tin nổi, những ngày qua mình đã bày ra những trò cho con mà có thể nói trước giờ chưa từng có trong suy nghĩ. 

Lâu nay bé lớn nhà anh học vẽ, vẽ ở lớp học rồi về nhà thì ngồi vào bàn vẽ. Giờ anh soạn "đồ nghề", cùng con đi tìm một khoảng không gian, yên tĩnh để con vẽ. Anh ngồi yên cả tiếng đồng hồ làm mẫu cho con vẽ ba, bé con yêu cầu "ba nhúc nhích bị phạt".

Anh kể, bố anh có nuôi một con tắc kè, mấy hôm nay, anh mượn con tắc kè bỏ vào hộp nhựa có lỗ thở, rồi cùng con dẫn tắc kè đi dạo. Có vậy thôi mà hai đứa con cười khoái chí, nhiều bạn nhỏ cũng háo hức.

Ở nhiều gia đình, một số vật dụng trong nhà thường ngày chỉ bỏ đều có thể trở thành đồ chơi. Bìa giấy, chai nhựa, quần áo cũ... được phụ huynh lôi ra để con làm kỹ sư, nhà thiết kế.  

Những chiêu trò khó tin chống ngán cho con mùa dịch - 4

 Chị Lê Ngọc Hân, ở Thủ Đức, TPHCM cho biết, chị vốn là người kỹ tính, nguyên tắc mà những ngày nghỉ qua, chị thả lỏng mình, chấp nhận cho con tự do thoải mái. Con trai chị cắt hết các bìa giấy, xếp chai lọ làm đồ chơi, xe kéo... Còn chị gái, lấy quần áo cũ cắt ra làm nhà thiết kế. 

Rồi chồng chị, cuối ngày thường dẫn các con xuống hồ nước ở khuôn viên chung cư để đi vớt cá cho con. Hôm sau lại đưa cá xuống thả, vớt con khác. Cứ hôm nay vớt, mai đem thả như vậy...

Chị Phạm Thị Tuyết, ở Thuận An, Bình Dương chia sẻ, các con chị gần đây rất thích thêu thủ công, làm đồ handmade bằng thêu nên đợt nghỉ, mẹ con thỏa sức với trò này.

Chị mua kim, vải, chỉ... lên mạng học hỏi thêm cách làm, khi thuê không chỉ cần sự cẩn thận, tỉ mỉ mà phải học cách quan sát, cảm thụ về mặt thẩm mỹ. Các cháu thêu nhiều thứ như thêu lên áo, quần, làm kẹp tóc, móc khóa, khăn, khẩu trang... 

"Các con sẽ phải suy nghĩ chọn mẫu, phố màu, vẽ... rồi khâu từng đường kim mũi chỉ. Có những công đoạn khó, các cháu nản muốn bỏ cuộc nhưng mẹ động viên đã làm phải làm đến cùng vì vải chỉ mẹ mua... tốn tiền lắm", chị kể.  

Những chiêu trò khó tin chống ngán cho con mùa dịch - 5
Những chiêu trò khó tin chống ngán cho con mùa dịch - 6

Các con nhà chị Phạm Thị Tuyết thỏa sức với đam mê thêu thùa trong đợt nghỉ tránh dịch 

Theo chị Tuyết, khi chơi với con, không cần cầu kỳ, bày vẽ, cũng không nhất thiết phải có không gian thật rộng. Có thể tận dụng ngay trong nhà, điều cần nhất là bố mẹ phải thật sự tập trung vào con. Chí ít việc bố mẹ cần phải làm bỏ điện thoại sang một bên. 

Phải nói, chưa lúc nào óc sáng tạo của nhiều ông bố bà mẹ dành cho con nhỏ lại được phát huy như những ngày con được nghỉ học dài ngày tránh dịch bệnh Covid-19.

Hoài Nam