Những căn bệnh lạ cực kỳ hiếm gặp ở Việt Nam

(Dân trí) - Trên cơ thể xuất hiện hàng nghìn mụn thịt, thiếu nữ bỗng hóa bà già 70 hay khối u có kích thước “khủng” như mai rùa,… đó chỉ là một vài những căn bệnh lạ từng xuất hiện ở Việt Nam. Có những căn bệnh đã được giải quyết triệt để, nhưng cũng có những trường hợp y học phải bó tay, không tìm ra phương pháp chữa trị.

Những đứa trẻ bị “quỷ ám” ở Hòa Bình

Năm 2011, dư luận xôn xao về một căn bệnh lạ bùng phát trên nhiều đứa trẻ ở xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Căn bệnh khiến người mắc bị ngứa ngáy và lở loét, bong tróc da toàn thân. Có những em bị nặng còn biến dạng cả khuôn mặt, tinh thần và trí tuệ kém phát triển.


Những đứa trẻ bị bệnh khô da đậm sắc tố ở Mường Chiềng. (Ảnh: Tiền phong)

Những đứa trẻ bị bệnh khô da đậm sắc tố ở Mường Chiềng. (Ảnh: Tiền phong)

Tại thời điểm đó, toàn xã có 11 em mắc phải căn bệnh này, 3 em đã tử vong, còn lại 8 em phải vật lộn với nỗi đau về thể xác từng ngày. Tuy đã được đưa đến bệnh viện chữa trị nhưng bệnh của các em không hề thuyên giảm. Bệnh thường bắt đầu phát từ khi trẻ chỉ mới vài ba tháng tuổi và chỉ kéo dài được 7 – 8 năm, không có cách gì cứu chữa. Điều đó khiến người ta đinh ninh, những đứa trẻ bất hạnh ở đất này bị “quỷ ám”.

Bác sĩ Phạm Văn Hiển, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Da liễu Quốc gia cho biết: những đứa trẻ ở Mường Chiềng bị bệnh khô da đậm sắc tố, có tên khoa học là Xeroderma Pimentosum. Căn bệnh này rất hiếm gặp và chưa rõ căn nguyên.

Theo bác sĩ Hiển, đến nay vẫn chưa thể kết luận được đây là hiện tượng ngẫu nhiên hay do ảnh hưởng của môi trường. Hiện ngành y cũng chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này và chưa có phác đồ điều trị dứt điểm.

Hàng nghìn mụn thịt mọc khắp người

Lúc mới sinh ra, chị Thạch Thị Sa Ly (Sóc Trăng) cũng bình thường, khỏe mạnh. Nhưng đến hơn 1 tuổi, phía sau lưng chị có vài mụn bướu nhỏ. Ban đầu, cứ tưởng là mụn bình thường, nhưng rồi Sa Ly càng lớn, những mụn này lớn theo và lan ra khắp người.

Toàn thân người phụ nữ bất hạnh này có đến hàng nghìn mụn thịt nổi kín da đầu chạy dài xuống tay, chân. Sa Ly cho biết mụn thịt mọc đầy các mi mắt nên chị chỉ còn nhìn thấy lờ mờ, tay chân đau nhức nên không đi được mà chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ.

Chị Sa Ly trước khi được điều trị. (Ảnh: Internet)
Chị Sa Ly trước khi được điều trị. (Ảnh: Internet)

Đến năm 2012, bệnh nhân Sa Ly đã được chuyên gia phẫu thuật người Mỹ McKay McKinnon phối hợp cùng các bác sĩ của BV Chợ Rẫy (TP.HCM) phẫu thuật. Sau gần 8 giờ phẫu thuật, hàng ngàn khối u trên cơ thể chị Sa Ly đã được cắt bỏ.

Cũng mắc phải căn bệnh quái ác như chị Sa Ly là bà Nguyễn Thị Đáng (Hà Nam). Từ năm 10 tuổi, cơ thể bà đã có những nốt mụn nhỏ xíu như hạt gạo, hạt đỗ mọc lấm tấm. Càng về sau, mụn càng lan ra toàn thân, có rất nhiều cục to, tròn, ngứa ngáy, khó chịu. Nhiều người bảo bà mắc bệnh quỷ ám.

Tuy phải sống một mình suốt mấy chục năm, nhưng bà vẫn lạc quan và hay cười nói. Không may mắn như chị Sa Ly, tuy đã chữa trị khắp nơi nhưng căn bệnh vẫn không có biến đổi và bà Đáng vẫn phải sống chung với những nốt kỳ quái.

Anh Nguyễn Đình Chiểu ngụ tại xã Ngọc Tảo (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng mắc bệnh từ khi còn bé. Những nốt thịt này lan dần xuống lưng, bụng, rồi chân tay và cả mặt. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn thân anh Chiểu đã bị bao bọc một lớp da thô ráp, sần sùi như da cóc. Gia đình đưa anh Chiểu đi chạy chữa khắp nơi, tuy nhiên, việc chữa trị không có kết quả khả quan.

"Chân voi" nặng 90kg

Năm lên 4 tuổi, anh Nguyễn Duy Hải (SN 1980, ở Lâm Đồng) bỗng bị nổi bướu ở chân phải. Đến năm 17 tuổi, khối u đã nặng tới 28kg khiến anh đau đớn và không thể tự mình đi lại. Khi đó, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã cắt bỏ đoạn chân phải quá khổ của anh.

Khối u nặng hơn 90kg ở chân anh Hải. (Ảnh: Internet)
Khối u nặng hơn 90kg ở chân anh Hải. (Ảnh: Internet)

5 năm sau, đoạn chân phải còn lại của anh Hải tiếp tục to ra. Theo thời gian, khối u phát triển bao kín cả phần mông và lưng với bề rộng phình to chừng 1,2m và nặng hơn 90kg. Theo kết luận của các bác sĩ, anh Hải bị bệnh "chân voi".

May mắn là khối u của anh Hải đã được các bác sĩ Mỹ phẫu thuật cắt bỏ. Theo vị bác sĩ này, đây là khối u lớn nhất mà ông từng phẫu thuật thành công. Khoảng 3 tháng sau, anh Hải xuất viện và có thể hòa nhập với cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, đáng buồn là chỉ sau 2 năm, anh đã qua đời do vết thương cũ tái phát.

Thiếu nữ bỗng dưng biến thành bà già

Sinh năm 1985, quê ở Bến Tre, Nguyễn Thị Phượng lớn lên hoàn toàn như bao cô gái khác. Cô gái có mái tóc dài, làn da trắng và khuôn mặt xinh xắn khiến bao chàng trai say mê. Năm 2007, Phượng thấy ngứa da mặt và tay.

Vốn hay bị dị ứng khi ăn hải sản, cô mua thuốc chống dị ứng về uống nhưng không khỏi. Hai tháng sau, gương mặt và hai cánh tay bỗng ngày càng đỏ, nổi mẩn. Từ đó da mặt cô chảy xệ và nhăn nheo trông thấy, nhìn y hệt một “bà cụ 70 tuổi”.

Chị Phượng trước và sau khi bị bệnh. (Ảnh: baogiaothong)
Chị Phượng trước và sau khi bị bệnh. (Ảnh: baogiaothong)

Theo kết luận của các chuyên gia da liễu, chị Phượng bị bệnh tế bào vón, nhão da. Theo các tài liệu chuyên khoa da liễu, tỷ lệ mắc bệnh tế bào vón khoảng 1/160.000. Riêng trường hợp nhão da phối hợp cùng tế bào vón như chị Phượng là rất hiếm. Chị được điều trị trong 2 tháng thì xuất viện, da mặt được cho là "dễ coi hơn rất nhiều so với lúc nhập viện". Tuy nhiên, đến năm 2015, chị Phượng qua đời do mắc chứng đau dạ dày.

Cô bé cõng khối u như mai rùa

Ngày 26/8/2016, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Ngọc Thắm (10 tuổi) với khối bướu đậm màu, chiếm hết vùng lưng giống như mai rùa.Theo chẩn đoán của các bác sĩ, bệnh nhi mắc căn bệnh bướu hắc tố bẩm sinh, nhưng kích thước của bướu rất "khủng", chưa từng thấy tại Việt Nam.

Bác sĩ đo kích thước cục bướu khủng. (Ảnh: vietnamnet)
Bác sĩ đo kích thước cục bướu "khủng". (Ảnh: vietnamnet)

Ngoài ra, trên người bé còn có 200 nốt ruồi lớn nhỏ (gọi là bướu vệ tinh). Lúc đó, bướu đang trong giai đoạn lành tính, nhưng nếu để quá lâu sẽ có nguy cơ chuyển sang ung thư. Hai kíp mổ đã trải qua 5 giờ tách lấy khối u nặng hơn 1kg trên lưng cô bé. Vượt qua nguy cơ nhiễm trùng, bệnh nhi hồi phục tốt và được xuất viện, thoát kiếp "mai rùa" để trở lại cuộc sống bình thường.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm