Những "bí mật" phía sau các trung tâm mua sắm Outlet

(Dân trí) - Mua sắm là “chất gây nghiện” với hầu hết mọi người, và khi đã lỡ chân bước vào một khu mua sắm được gọi là “đại hạ giá” như Outlet thì căn bệnh này sẽ bùng phát dữ dội. Tuy vậy, có những bí mật phía sau các trung tâm mua sắm Outlet.

Với những người thích mua sắm, trong các chuyến du lịch tới các nước phát triển, như Mỹ, châu Âu, Outlet đã trở thành điểm đến của nhiều người. Outlet là nơi bạn có thể tìm mua những món hàng hiệu với giá bán rẻ tới 1/3 so với giá gốc. Sau vài chục năm hoạt động, các nhà bán lẻ đã nhận thấy họ sẽ thu được những khoản lợi nhuận lớn với các chương trình bán hàng giảm giá.

Và cũng từ đây nước Mỹ bắt đầu xây dựng ngành công nghiệp “outlet shopping”, hoàn toàn tách biệt với hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng ở các trung tâm mua sắm. Hiện đã có tới hơn 15.000 cửa hàng outlet được mở ra khắp nước Mỹ, và mỗi năm, các khu outlet này thu hút nhiều du khách hơn cả những điểm tham quan nổi tiếng, là các bảo tàng tại Washington DC hay là biểu tượng của nền độc lập Hoa Kỳ Liberty Bell tại Philadelphia.


Coach, Michael Kors là những nhãn hàng luôn hút người tiêu dùng ghé mua tại Outlet.

Coach, Michael Kors là những nhãn hàng luôn hút người tiêu dùng ghé mua tại Outlet.

Tuy vậy, ngành công nghiệp này đã có nhiều chiêu trò bí mật để “dẫn dụ” người tiêu dùng.

1. Đi một quãng đường dài

Outlet thường được xây dựng tại một nơi rất xa cách trung tâm thành phố đến vài chục phút lái xe. Ban đầu người ta phải lựa chọn các điểm xa trung tâm bởi vì giá bất động sản và giá thuê cửa hàng sẽ rẻ hơn nhiều so với trong trung tâm. Hơn thế nữa, người ta cũng cho rằng các cửa hàng đại hạ giá cần phải được đặt cách xa các cửa hàng bán đúng giá để tránh làm ảnh hưởng tới doanh thu của nhau.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đã nhận thấy lợi ích thực sự của việc đặt Outlet ở nơi “cách ba quãng đồng”. Bởi vì người ta đã phải lái một quãng đường thật xa để tới Outlet rồi thì chắc hẳn sẽ ít người muốn quay về với hai bàn tay trắng.

2. Mua món quà… dành riêng cho bạn

Outlet được hiểu là nơi bán những hàng tồn kho của các cửa hàng chính hãng từ mùa trước đó, hoặc có thể là những món đồ bị lỗi nhẹ hay không đạt chất lượng sản xuất. Outlet sẽ “mê hoặc” chúng ta nghĩ rằng mình đã mua được một chiếc túi xách hàng hiệu giảm giá tới 70%.

Những "bí mật" phía sau các trung tâm mua sắm Outlet - 2

Thực tế thì các nhãn hàng đã xây dựng hẳn một dây chuyền sản xuất các sản phẩm riêng biệt để tiêu thụ tại Outlet. Một tín đồ mua sắm không ngại ngần chia sẻ rằng: Chỉ khoảng 10-15% sản phẩm của các nhãn hiệu được đưa vào bán tại các trung tâm mua sắm hạng sang. Số còn lại được chuyển tới các khu mua sắm Outlet. Thực tế là chất lượng của những sản phẩm này luôn kém thời trang hơn, chất lượng cũng kém hơn so với “hàng chuẩn”. Các sản phẩm này có kiểu dáng “cẩu thả” hơn, nhiều chất liệu tổng hợp hơn. Một số nhãn hàng còn sử dụng chiêu trò, như pha nhựa polyester vào vải tự nhiên, nhưng vẫn niêm yết giá bán ngang bằng với “hàng chuẩn” sử dụng 100% sợi vải tự nhiên.

3. Niêm yết giá “trên trời”

Nếu một sản phẩm được mua hay được sản xuất dành riêng cho Outlet thì cũng nên hiểu rằng mức giá “chính thức” gắn trên mác là không đúng thực tế. Điều này cũng có nghĩa bạn không tiết kiệm được là bao đâu.


Với các bảng niêm yết giá giảm 50-70%, Outlet đã trở thành điểm đến của nhiều du khách hơn so với các danh thắng nổi tiếng tại Mỹ.

Với các bảng niêm yết giá giảm 50-70%, Outlet đã trở thành điểm đến của nhiều du khách hơn so với các danh thắng nổi tiếng tại Mỹ.

Một số mặt hàng đúng là được chuyển từ các cửa hàng chính về Outlet để bán, thì những món hàng này giá gốc được niêm yết trên đó là chính xác. Những tín đồ của shopping đã có một kết luận khiến không ít người “ngã ngửa” khi có tới 75-80% mặt hàng tại Outlet đều được niêm yết giá “khống”.

“Mẹo” để mua hàng giá rẻ tại Outlet:

Outlet không phải là nơi “lừa đảo” và bạn cũng không phải từ bỏ sở thích đi mua sắm tại đây. Dạo chơi ở Outlet vào một ngày Chủ nhật đẹp trời cũng đáng để chúng ta dành thời gian cho nó. Đặc biệt với chúng ta, những khách du lịch tới Mỹ hay các nước châu Âu thì cũng nên trang bị cho mình kiến thức trước khi lạc vào Outlet với bạt ngàn cửa hàng đi 1 ngày dường như không hết. Tại Mỹ, ngành công nghiệp trị giá 17 tỷ USD này ngày càng phát triển được là nhờ người tiêu dùng luôn muốn được mua các món hàng giá hời. Do đó cũng không có gì khó hiểu khi ngày càng nhiều người tìm mọi cách để kiếm lợi từ Outlet.

Những "bí mật" phía sau các trung tâm mua sắm Outlet - 4

Với các "tín đồ" mua sắm, bạn hãy “nằm lòng” các mẹo nhỏ sau đây:

- Hiểu về giá trị của số tiền bỏ ra: Cho dù bạn đã phải lái xe 45 phút hay mất phí cho một chuyến taxi tới Outlet, nếu không tìm thấy món đồ nào bạn yêu thích thì cũng nên bước đi. Đây chính là chiến lược về địa lý mà các Outlet đã tính đến bởi không ít người luôn “bần thần” về việc đã mất công tới Outlet rồi nhưng lại không mua được món đồ nào. Tuy vậy, đừng nên ném tiền qua cửa sổ chỉ vì muốn “bù đắp xứng đáng” cho chuyến đi của mình.

- Kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng: Bạn hãy kiểm tra thật kỹ kiểu dáng, đường kim mũi chỉ, những lỗi có thể có. Bạn cũng nên kiểm tra giá niêm yết dựa trên chất liệu so với giá tại cửa hàng, và kiểm tra nguồn gốc sản xuất của món hàng. Nghiên cứu của tạp chí Comsumer Reports cho thấy 77% người mua không thể phân biệt được món hàng tại Outlet so với hàng chính thức tại cửa hàng. Người tiêu dùng thông minh là nên kiểm tra thường xuyên giá tại cửa hàng với món đồ mình thích trước khi tới Outlet để nhận thấy được sự khác biệt.

- Nghiên cứu trước: Nếu bạn muốn mua một chiếc quần sooc của Nike thì trước hết nên kiểm tra giá trực tuyến tại cửa hàng để có thể so sánh với giá tại Outlet. Mức giảm đôi khi không tuyệt như bạn nghĩ đâu, đặc biệt khi mà món hàng đó chất lượng còn kém hơn hàng chính thức.

Khôi Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm