Nghệ An:

Nhọc nhằn nghề thả trúm bắt lươn

(Dân trí) - Khi mọi nhà còn quây quần bên mâm cơm tối cũng là lúc các em sửa soạn các thứ đồ nghề lỉnh kỉnh ra đồng thả trúm. Và khi mọi nhà còn say trong giấc ngủ các em lại vội vàng trở dậy, lục tục kéo nhau ra đồng thu về “chiến lợi phẩm”.

Nhọc nhằn mưu sinh thả trúm lươn.

Nghề thả trúm bắt lươn ở đây đã có từ lâu đời, nhưng trước thì là công việc của cánh người lớn, trẻ em chỉ làm chơi. Nhưng bây giờ, hình ảnh những đứa trẻ trai, vừa chăn trâu vừa cuốc giun để thả trúm ở thôn Bút Lĩnh, xã An Hòa (Quỳnh Lưu, Nghệ An) không còn gì xa lạ.

Đa số các em là học sinh cấp 2, nhưng có thâm niên thả trúm từ 3 đến 4 năm nay. Hôm nào học cả ngày, các em phải dậy thật sớm, lấy trúm về dỡ lươn ra cho mẹ mang bán rồi mới đi học. Buổi trưa lại tranh thủ mò ốc, cuốc giun. Chiều đi học về mới băm giun thật nhỏ, tra vào mựng rồi đi thả. Dù nắng hay mưa nhưng ngày nào các em cũng làm chừng ấy thứ việc.

Khi cây lúa đẻ nhánh thì mùa trúm bắt đầu, kéo dài cho tới kỳ lúa đơm bông. Mỗi em cũng có ít nhất vài ba chục ống trúm, cá biệt có em sở hữu cả trăm ống. Tùy vào thời điểm mua mà giá mỗi ống trúm dao động từ 1.300 0 2.000 đồng một ống. Trúm là một ống nứa rỗng, bịt kín đuôi bằng một mắt nứa, đường kính rộng từ 2 đến 3 cm.

Đuôi trúm được đục 2 hoặc nhiều hơn các lỗ nhỏ tròn. Đầu trúm được tra một cái mựng đan bằng tre, nhọn một đầu giống loại dùng để đậy giỏ (đụt) cá nhưng nhỏ hơn nhiều.

Đặt đầu nhọn của mựng hướng vào phía cuối trúm, vừa để đặt mồi, vừa như một chướng ngại vật ngăn cho lươn chui vào mà không thể ra được. Đầu ống trúm cũng được găm một cái que nhỏ, tra vào hai lỗ đối nhau trên ống, giúp cố định mựng và dùng để cắm vào đất dễ dàng.

Việc cuốc giun, băm giun thật nhuyễn, tra mồi vào mựng loay hoay có khi mất cả buổi trời. Độ nhanh chậm còn tùy thuộc vào số lượng trúm và mức độ thuần thục của từng em. Mồi nhử lươn cũng có khi là cua đồng hoặc ốc dã nhỏ. Lươn là loài thị giác kém nhưng thính giác lại rất tinh nhạy, nghe thấy mùi tanh lươn sẽ lập tức tìm đến.

“Nhưng cũng vì thính giác của lươn rất nhạy nên những cái ống trúm mới tinh sẽ khó mà dụ được nó, bởi mùi nứa mới và mùi khét do que sắt nung lỗ trúm để lại. Nên trúm mua về phải ngâm dưới ao sâu vài ba ngày”, em Đậu Cao Nam, ở xóm 3, thôn Bút Lĩnh, xã An Hòa chia sẻ.

Trúm được thả vào buổi chiều từ 5h30 đến 7h tối và được lấy (thu về) vào buổi sáng lúc 4h30 đến 6h. Nếu đi muộn hơn sẽ có người “lấy giúp”. Mặc dù các em đã ghi nhớ rất kĩ một trận đồ trúm trong đầu và làm dấu rõ trên ống, nhưng việc người ta lấy nhầm hoặc mất xảy ra như cơm bữa. Mùa lươn này, em Lê Văn Sơn ngụ xóm 3, thôn Bút Lĩnh thả 100 ống, sau gần 2 tháng chỉ còn lại 50 ống.

Kinh nghiệm thả trúm cho thấy, những nơi nào xấp nước, nhiều rều, ban ngày trời nắng; chiều về đêm nước mát thì bận ấy chắc chắn sẽ được nhiều lươn. Việc đặt ống trúm phải thật khéo léo và kĩ thuật. Đầu trúm đã được tra mồi sẵn, đặt cách bờ ruộng vài bước chân rồi dùng tay khỏa trước miệng trúm một vài đường bùn.

Cứ khoảng 2 mét lại đặt một ống, ruộng đặt 3 ống, ruộng thì đặt 5 ống. Cắm que găm chắc chắn, sao cho ngập 2/3 thân trúm, phần cuối trúm hơi chếch lên không có thể nhờ các cây lúa kẹp lại. Như vậy con lươn khi chui vào ống có không khí để thở sẽ sống được lâu hơn.

Các em thả trúm chủ yếu ở các chân ruộng quanh làng, những nơi này cạn nước thì phải mang trúm tận đồng xa để thả hoặc tới các “trảng” sâu ngập nước, tiểu câu, sông hồ... Cứ 10 ngày nước về ruộng một lần, em nào em nấy nhớ rất rõ lịch nước. Bởi mỗi lần nước về lại cho các em những mẻ lươn đồng tươi rói, mập mạp.

“Có khi đổ ống trúm còn bắt được cả cá tràu, cá chạch, cua đồng. Ống không cũng nhiều lắm nhưng có ống lại có đến hai ba chú lươn bự chui vô nằm, thật mừng!”, em Lê Văn Phong, ở xóm 4, thôn Bút Lĩnh (An Hòa, Quỳnh Lưu) tâm sự.

Khi đi thả trúm xuống ruộng hay lúc thu trúm lên bờ em nào em nấy quần áo ướt sũng và lấm lem bùn đất, nhiều khi chân dậm phải mảnh chai bị chảy máu. “Một lần em xách cái ống trúm từ mặt ruộng lên thấy nằng nặng, mừng thầm quả này chắc cú lại được lươn “cồi” (lươn to) cho xem. Nhưng sau thấy tay âm ấm lại sinh nghi, vừa tút mựng đổ trúm thì một con rắn lao ra, thè lưỡi chạy loằng ngoằng, thật hú vía”, em Nguyễn Văn Sĩ, xóm 4, thôn Bút Lĩnh nhớ lại.

Số lươn thu được phụ thuộc vào nhiều yếu tố như số lượng trúm thả, vị trí thả, thời điểm, thời tiết, con nước... Vậy nên đây cũng là nghề bấp bênh, may chăng cải thiện được phần nào cuộc sống. Nhưng cứ chịu khó một chút, bữa ít nhất cũng được 4 đến 5 lạng lươn, bữa nhiều cũng được vài kg.

Bà Đậu Thị Liên, xóm 4 (Bút Lĩnh, An Hòa, Quỳnh Lưu) người có thâm niên thu mua lươn gần 10 năm nay tại làng Bút Lĩnh cho biết: “Dân thả trúm chủ yếu là con nít (trẻ em), làm thêm kiếm tiền nộp học. Hiện nay lươn mua vào với giá dao động từ 90.000 đến 100.000/kg, tùy vào thời điểm mua. Nghề này đầu ra rất ổn định, nghĩa là có bao nhiêu cũng mua hết, không kể lớn nhỏ, chỉ trừ ra những con lươn bị chết”.

Vậy nên hôm ít nhất các em cũng được vài ba chục ngàn, khá hơn thì được năm sáu chục, bữa nhiều nhất được trên trăm ngàn.

“Tiền bán được lươn em để mua sắm các đồ sinh hoạt hàng ngày, đóng tiền học rồi cho mẹ, cho em....”, em Vũ Hữu Tráng, xóm 2, Bút Lĩnh tâm sự.

Các em một nắng hai sương, chân lấm tay bùn là thế nhưng chẳng mấy khi được ăn món lươn thơm thảo, ngọt lành ấy. Bởi tất cả lươn phải dành bán để trang trải cho quá nhiều thứ mà cuộc sống cần đến. Họa hoằn lắm mới được ăn đến những con lươn đã chết vì bị ngạt.

Và một lí do nữa là làm lươn cũng đòi hỏi nhiều công phu, mà cha mẹ các em đâu có nhiều thời gian đến vậy .“Nhưng lâu lâu nhà em cũng có bữa lươn xào củ chuối với lá lốt ăn cũng ngon lắm!”, em Đậu Cao Hiếu, xóm 3 thôn Bút Lĩnh khoe.

Mỗi buổi chiều buông các em lại “tay xách nách ôm” mang bì trúm nặng trĩu trên vai, đi xiêu vẹo trên mặt bùn loãng ra đồng... để đánh lươn.

Dưới đây là một số hình ảnh mưu sinh đánh trúm bắt lươn:

Nhọc nhằn nghề thả trúm bắt lươn - 1
Nhọc nhằn nghề thả trúm bắt lươn - 2
Những ống trúm được kiểm tra kỹ càng.
Những ống trúm được kiểm tra kỹ càng.

Nhọc nhằn nghề thả trúm bắt lươn - 4
Công đoạn đưa trúm đi thả lươn ở những cánh đồng lúa xanh tốt.
Công đoạn đưa trúm đi thả lươn ở những cánh đồng lúa xanh tốt.

Ống trúm được vớt lên sau một đêm đặt dưới ruộng lúa.
Ống trúm được vớt lên sau một đêm đặt dưới ruộng lúa.
Nhọc nhằn nghề thả trúm bắt lươn - 7

Trúm được vớt lên
Trúm được vớt lên
Nhọc nhằn nghề thả trúm bắt lươn - 9
Những con lươn trong ống trúm được đổ ra.
Những con lươn trong ống trúm được đổ ra.

Những con lươn vào ống trúm đều còn sống khoẻ.
Những con lươn vào ống trúm đều còn sống khoẻ.

Thành quả là những con lươn ngon, sống khoẻ.
Thành quả là những con lươn ngon, sống khoẻ.

Mỗi ngày các em đi đánh trúm cũng chỉ được 4-5 lạng (0,5kg). Và được bán cho một người thu mua trong vùng.
Mỗi ngày các em đi đánh trúm cũng chỉ được 4-5 lạng (0,5kg). Và được bán cho một người thu mua trong vùng.

Nguyễn Hòe

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm