Quảng Trị:

Nhọc nhằn nghề cào hến mưu sinh trên sông

(Dân trí) - Những người dân sống bằng nghề cào hến tại làng Mai Xá, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị phải thức dậy từ sớm, dong thuyền ngược sông Hiếu hoặc Thạch Hãn để cào hến. Việc mưu sinh bằng nghề này ngày càng trở nên vất vả khi nguồn hến ít dần nên thu nhập chẳng được bao nhiêu.

Nghề cào hến, chắt chắt của người dân làng Mai Xá đã có từ nhiều đời nay, trở thành kế sinh nhai cho nhiều người. Nhắc đến nghề cào hến, dân địa phương hay ví von là nghề “ăn tới, làm lui”, nghĩa là nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, phải phấn đấu tiến lên phía trước, còn công việc thì phải đi giật lùi. Cũng nhờ nghề này mà hàng trăm hộ dân trong làng có cái ăn, cái mặc, nuôi con cái học hành thành tài.

Mỗi ngày ông Hùng đều rong ruổi dọc sông Hiếu để cào hến
Mỗi ngày ông Hùng đều rong ruổi dọc sông Hiếu để cào hến

Đi dọc dòng sông Hiếu hoặc sông Thạch Hãn có thể dễ dàng bắt gặp người hành nghề cào hến. Họ sử dụng chiếc xuồng nhỏ đi dọc dòng sông để bắt hến. Công việc bắt đầu từ 5-9h sáng, hoặc có thể kéo dài đến tận trưa hoặc chiều. Người làm nghề này sử dụng một chiếc cào bằng sắt, có gắn lưới, phía trên có một thanh tre dài rồi đi giật lùi để tìm hến. Ngày nay, do nhu cầu tiêu thụ hến ngày càng lớn nên buộc người dân phải nâng cao năng suất để có nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Chính vì vậy, người dân nơi đây đã đầy tư xuồng máy. Mỗi chiếc thuyền máy được mua có giá từ 20-25 triệu đồng.

Hiện địa phương này còn khoảng 30 hộ làm nghề cào hến, ngoài ra còn có hàng chục hộ kinh doanh, buôn bán các sản phẩm từ hến.

Ông Trương Khắc Hùng, người có 25 năm làm nghề cào hến cho hay: Trước đây, người làm nghề phải ngụp lặn dưới sông, đi giật lùi để kéo theo dụng cụ cào hến làm bằng tre. Bây giờ, người cào hến chỉ việc đứng ở đuôi thuyền, cho máy chạy chậm dọc sông rồi kéo rê thanh tre để hến vào lưới”.

Nhiều lần lưới kéo lên chỉ toàn đá chứ không có hến bao nhiêu
Nhiều lần lưới kéo lên chỉ toàn đá chứ không có hến bao nhiêu

Theo ông Hùng, mỗi năm làm nghề được 10 tháng, trong đó từ tháng 6-9 là thời điểm hến nhiều nhất. Mỗi ngày, các hộ cào hến chạy dọc dòng sông để hành nghề, công việc kéo dài vài tiếng đồng hồ. Ông Hùng cho biết, ông làm nghề này đã 30 năm, mỗi ngày ông cào được từ 1,5 đến 2 tạ hến.

Công việc tuy vất vả, khó nhọc nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên người dân địa phương đành gắn bó với nghề. Chị Nguyễn Thị Hòa, người làng Mai Xá cho biết: “Mỗi ngày trung bình cào được khoảng 1 - 2 tạ hến, sau khi đun nấu đãi vỏ lấy được khoảng 15 kg thịt bán ra cũng được 300 - 400 ngàn/ngày. Bên cạnh nghề cào hến, gia đình tui làm thêm khoảng 3 sào ruộng. Nhờ đó mà có thêm nguồn thu nhập để nuôi các con đi học”.

Sau khi đưa hến về, mọi người phải rửa sạch, sàng lọc trước khi nấu
Sau khi đưa hến về, mọi người phải rửa sạch, sàng lọc trước khi nấu

Sông Hiếu đoạn chảy qua xã Gio Mai là nơi có rất nhiều hến, song do có nhiều người khai thác nên nguồn hến ngày càng ít. Những năm gần đây, người dân phải đi đánh xa hơn, lên gần TP Đông Hà hoặc rẽ sang sông Thạch Hãn, để cào hến.

Bà Gái phải thức dậy từ sớm để nấu hến
Bà Gái phải thức dậy từ sớm để nấu hến

Đãi hến để tách thịt sau khi nấu
Đãi hến để tách thịt sau khi nấu

Gia đình bà Nguyễn Thị Gái là hộ có thâm niên lâu năm với nghề cào hến. Ngày qua ngày, chồng bà ra sông cào hến đưa về, còn bà Gái thì nổi lửa nấu hến. Bà Gái cho biết: “Công việc cào hến bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 13 giờ, sau đó còn phải sàng lọc hến. Với số hến này để một đêm, đến 2-3h sáng lại thức dậy nấu hến, đãi lấy thịt. Trung bình mỗi ngày hai vợ chồng cũng thu nhập từ 400-500 ngàn đồng”.

Trước đây, hến là món ăn dân dã của người nghèo nhưng nay đã trở thành đặc sản. Hến được làm ra bao nhiêu đều được các nhà hàng, khách sạn về thu mua tận bến chứ không còn cảnh mang đi rao bán như xưa.

Đặc biệt, mới đây bún hến Mai Xá vừa được vinh dự công nhận vào Top 100 món ăn ẩm thực, đặc sản tiêu biểu của Việt Nam. Bún Hến Mai Xá là một món ăn dân dã, không cầu kỳ nhưng mang hương vi đặc trưng riêng của một vùng quê Quảng Trị, một thứ văn hóa ẩm thực của làng quê.

Đăng Đức