Bạc Liêu:
Nhiều nữ giới làm lãnh đạo chủ chốt, chủ doanh nghiệp rất năng động
(Dân trí) - Các cán bộ nữ đều biết sắp xếp hài hòa công việc gia đình với xã hội. Hàng năm, hầu hết cán bộ nữ đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, nhiều chỉ tiêu của "Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025" trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đã đạt được những kết quả khả quan.
Chẳng hạn như chỉ tiêu đến năm 2025 có 60% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ thì đến nay ở cấp xã của tỉnh đạt hơn 65%, vượt so với chỉ tiêu đề ra.
Chỉ tiêu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 thì đến nay tỉnh đã đạt hơn 27,3%.
"Cán bộ nữ khi được giao đảm nhiệm một cương vị công tác nào đó cũng đều vững vàng về chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức, năng động sáng tạo, phát huy được vai trò trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả công tác cao.
Các cán bộ nữ đều biết sắp xếp hài hòa công việc gia đình với xã hội. Hàng năm, hầu hết cán bộ nữ đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có trường hợp nào bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ", lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu nhìn nhận.
Triển khai nhiều mặt công tác bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết năm 2023 đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức hơn 1.900 cuộc cho trên 25.000 lượt người tham dự tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ về vai trò gia đình và xã hội, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Nhiều mô hình về bình đẳng giới có hiệu quả như: "Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ", "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Nuôi con an toàn", "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", câu lạc bộ "Đồng Đẳng", câu lạc bộ "Nữ phòng chống tội phạm", câu lạc bộ "Người cha tốt của con",…
Tỉnh thành lập mới 12 "địa chỉ tin cậy" cộng đồng, đồng thời duy trì 640 địa chỉ nhằm hướng dẫn, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ, bảo đảm an toàn cho nạn nhân bị bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại,... cần sự giúp đỡ.
Qua đó, đã góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, cũng như việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
"Người có nguy cơ bị bạo lực và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời nhằm ngăn ngừa bạo lực xảy ra và có cơ hội cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc", ông Đinh Xuân Phượng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu chia sẻ.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bạc Liêu nhấn mạnh, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ là một yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, nhất là trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Do đó, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ cần được sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân để đạt được sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ trong giai đoạn hiện nay; tạo điều kiện, tạo cơ hội cho người phụ nữ nâng cao vai trò, vị thế của mình, phát huy khả năng và góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của quê hương, đất nước.