Nhiều người quay lại xe máy sau khi "vỡ mộng" đạp xe đi làm
(Dân trí) - Nhiều người từ bỏ đạp xe đi làm với những lý do khác nhau, đặt ra câu hỏi liệu đây chỉ là "trend" trong thời kỳ bão giá, hay sẽ là xu thế tương lai?
Từ bỏ đạp xe đi làm sau hai tháng "đu trend"
Đạp xe đi làm (Cycle to Work) vẫn đang là "từ khóa" thịnh hành trên nhiều diễn đàn mạng xã hội thời gian qua. Giá xăng dầu tăng cao, xu hướng dân công sở chuyển sang đạp xe đi làm, hoặc kết hợp các phương tiện công cộng, bỗng trở thành một trào lưu (trend).
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người thừa nhận vỡ mộng "đu trend" đạp xe đi làm sau một thời gian trải nghiệm.
Anh Nguyễn Vũ Hồng Quân, 29 tuổi, sống tại Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội kể, tháng 11/2021, anh đầu tư một chiếc xe đạp giá 5 triệu đồng, đạp xe đến công ty cách nhà 2km, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa tiết kiệm xăng.
Anh còn mua thêm một số phụ kiện như giỏ, khóa, bơm,… hết 500.000 đồng.
Đến tháng 4/2022, anh chuyển việc, khiến quãng đường tăng gấp đôi. Để tiết kiệm thời gian và cũng vì công việc mới đòi hỏi di chuyển nhiều, anh quyết định quay lại với xe máy. Xe đạp dành cho mẹ vợ đi chợ và tập thể dục hàng ngày.
"Nhà tôi có con nhỏ, nên di chuyển bằng xe máy tiện hơn. Ngày trước, đạp xe đi làm vào những hôm mưa gió, tôi khó điều khiển tay lái. Còn những ngày trời nắng, vừa đến công ty, khắp cơ thể mồ hôi nhễ nhại", anh Quân nói.
Xung quanh anh Quân, nhiều người cũng đạp xe đi làm. Họ kết hợp song song xe đạp và các phương tiện công cộng khác để tối ưu quãng đường, tùy vào điều kiện từng ngày.
Chị Nguyễn Dương, 30 tuổi, quận Hoàng Mai, từ bỏ đạp xe đi làm sau hai tháng "đu trend". Chị mua xe đạp giá 6 triệu đồng, đặt mục tiêu đạp xe đi làm mỗi ngày để nâng cao sức khỏe, vừa tiết kiệm tiền xăng. Những ngày đầu, quãng đường 5km từ nhà đến công ty không thể làm khó chị.
"Đi qua những ngày nắng vỡ đầu, mưa gió bão bùng, tôi không thể gồng mình đạp xe đi làm nữa", chị Dương kể.
Ngoài balo đựng laptop, nữ nhân viên văn phòng còn mang theo hộp cơm, không biết sắp xếp như thế nào để đảm bảo an toàn mỗi khi di chuyển trên đường.
Hay những ngày muốn diện váy công sở, chị Dương đắn đo suy nghĩ, rồi quyết định cất xe đạp, lôi "em" xe máy từ trong nhà ra, phóng một mạch không ngoái đầu nhìn lại. Chính những trở ngại này, dần dần làm tan biến mục tiêu ban đầu của chị.
"Oái ăm hơn, mỗi lần công ty tổ chức ăn uống, đồng nghiệp đèo nhau trên xe máy, tôi lại còng lưng đạp xe phía sau. Khi đến nơi, tôi mệt đến nỗi không còn tinh thần nhập tiệc", chị nhớ lại.
Thế là sau hai tháng, chị Dương không còn đạp xe đi làm nữa, chỉ đạp xe thể dục rèn luyện sức khỏe mỗi chiều cuối tuần.
Anh Mạnh Cường, 27 tuổi, quận Thanh Xuân bắt đầu đạp xe đi làm kết hợp tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông từ tháng 11 năm ngoái. Thời gian đầu, anh hài lòng với phương thức di chuyển mới này. Cả hành trình chỉ mất 30 phút, không tắc đường, không khói xe, không mệt mỏi.
Tuy nhiên, do tính chất công việc cần di chuyển nhiều, anh dần cảm thấy không ổn. Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, trong bộ trang phục sơ mi quần âu, anh đạp xe với tình trạng khó chịu, đến nơi trông… tơi tả và nhếch nhác, mồ hôi đầm đìa, không thể gặp đối tác. Ngoài ra, với những sự kiện đột xuất, xe đạp không phải là lựa chọn tối ưu nhất.
"Tôi chuyển sang xe đạp trợ lực điện, cấu tạo giống xe đạp thông thường nhưng có hỗ trợ thêm bộ động cơ riêng, tốc độ nhanh, tiện di chuyển", anh cho biết.
Liệu xe đạp có phải là tương lai?
Chị Lê Phương Chi hiện là giảng viên ở Hà Nội, admin nhóm "Đạp xe đi làm" (Cycle to work) với hơn 7.000 thành viên. Chị yêu thích và luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đạp xe, nhất là thời đi học, được thả mình dưới những tán cây xanh dọc đường Hoàng Diệu.
Năm 2013, chị Chi bắt đầu đạp xe đi làm, thay đổi thói quen sinh hoạt như thức dậy sớm hơn, sống chậm, có nhiều thời gian và tận hưởng mọi cung bậc cảm xúc. Chị đạp xe đi làm không vì xăng tăng, không vì bão giá, mà đơn giản đó là đam mê và sở thích. Và chị tin rằng, khi xã hội ngày càng văn minh thì thành phố của chúng ta sẽ càng phải có nhiều xe đạp hơn nữa.
"Với nhiều người, đạp xe đi làm có thể chỉ là 'trend' nhất thời. Nhưng với tôi, mỗi khi đạp xe, tôi đều rất hạnh phúc", chị nói.
Từ ngày xăng tăng, nhóm đạp xe đi làm của chị gia tăng "chóng mặt" số lượng thành viên. Chị nhận định, những người này có thể sẽ bỏ nhóm trong thời gian tới, khi giá xăng dầu giảm để quay lại với xe máy, ô tô vì sự thuận tiện không thể chối cãi của những phương tiện này.
Nhưng với Phương Chi, mong muốn lớn nhất là duy trì một nhóm đạp xe đi làm ổn định, tập hợp những thành viên cùng đam mê, mơ ước để nhanh nhất có thể, Hà Nội sẽ được trở lại như ngày xưa, rất nhiều xe đạp, nhiều phương tiện giao thông công cộng và nhiều cây xanh hơn nữa.
Chị cũng thừa nhận, đạp xe đi làm trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam còn nhiều trở ngại và bất tiện. Một là, không có làn đường riêng nên xe đạp phải đi chung với nhiều phương tiện khác, xe đạp là phương tiện "mong manh" nhất trên đường. Chính vì thế người tham gia giao thông bằng xe đạp cần có mũ bảo hiểm.
"Hiện tại, luật giao thông ở Việt Nam chưa yêu cầu điều này nhưng bạn cần bảo vệ bản thân. Mình đi đúng nhưng ai biết do sự bất cẩn của những người tham gia giao thông xung quanh thì sẽ xảy ra chuyện gì?", Phương Chi nhấn mạnh.
Hai là, thời tiết nắng - mưa thất thường. Nếu trời nắng thì đến nơi sẽ ướt đẫm mồ hôi. Trời mưa khó mang áo mưa cánh dơi thông dụng, điều khiển xe khó khăn. Dân công sở mang laptop và hộp cơm theo thế nào? Chị Chi khuyến khích mọi người hãy chia sẻ những khó khăn cụ thể trên nhóm, để được hỗ trợ nhiệt tình.
Ba là, quãng đường và cự ly xa khiến người đạp xe nhụt chí. Chị khuyên, hãy thử bắt đầu bằng một chặng đường ngắn, thử sai và hỏi thêm kinh nghiệm. Mark Sander, nhà phát minh người Anh, cha đẻ của chiếc xe đạp gấp Strida bike đã nói rằng "Xe đạp là phát minh vĩ đại nhất của loài người" bạn hãy thử ngẫm nghĩ về câu nói này nhé.
Anh Trần Thế Nam, quản lý nhóm "Xe đạp gấp siêu cấp - Việt Nam Folding Bike", nhận định đi làm bằng xe đạp hay bất kỳ phương tiện nào, cũng sẽ có mặt tích cực và tiêu cực. Theo anh, phong trào đạp xe đi làm là một "làn gió mới", có thể mang tính thời điểm, nhưng nhu cầu là hiện hữu.
"Có một số người đã thử, tuy nhiên không sắp xếp được công việc, thời gian nên đã quay lại phương tiện khác. Tuy nhiên vẫn có người thấy bắt kịp được nên vẫn quyết tâm thử", anh nói.
Anh Nam cho rằng, những người yêu xe đạp, sẽ tìm cách đạp xe đi khắp nơi, không riêng đi làm. Nếu vì một số điều kiện không phù hợp, họ chuyển sang đạp xe thể dục, đi chơi, và sẽ tìm phương án phù hợp hơn để đi làm.
"Giờ giấc văn phòng, chỗ tắm thay đồ và cơ sở hạ tầng - giao thông,… là những trở ngại đạp xe đi làm. Nếu những điều kiện này được kiện toàn, sẽ giúp tăng số lượng người đạp xe đi làm", anh Trần Thế Nam phân tích.
Trước những ý kiến trái chiều cho rằng đạp xe đi làm chỉ là trend, anh Nam cùng nhóm của mình, đón nhận và xác định đó là những đóng góp mang tính xây dựng. Anh hi vọng, phong trào đạp xe đi làm sẽ được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, để mọi người đều hiểu và cùng trải nghiệm.
Dù không còn là thành viên của "chủ nghĩa" đạp xe đi làm, anh Nguyễn Vũ Hồng Quân vẫn tin, đây không chỉ là trend nhất thời, mà sẽ là xu thế của tương lai. Đạp xe vừa rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, khi kết hợp với các phương tiện công cộng khác như tàu điện, xe buýt sẽ tiết kiệm thời gian, đỡ khói bụi, giảm tắc đường.