Nhận biết các loại củ xuất xứ Trung Quốc
(Dân trí) - Với sự chênh lệch giá cả, nhiều tiểu thương không ngần ngại nhập lậu nhiều loại củ quả có nguồn gốc từ Trung Quốc và bán với giá của hàng nội. Điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Áp dụng những thông tin dưới đây khi đi chợ, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết được đâu là củ quả Việt Nam và đâu là củ quả Trung Quốc.
Tỏi
Hình dáng, màu sắc bên ngoài: Tỏi Trung Quốc có hình dáng to, kích thước khá đồng đều, bắt mắt hơn tỏi ta. Vỏ ngoài tỏi màu trắng hơi ngả vàng, láng bóng và dễ bóc. Trong khi đó các loại tỏi ta có củ nhỏ hơn, kích thước các củ không đồng đều. Ví dụ như tỏi Lý Sơn thì củ nhỏ, vỏ ngoài màu trắng, dễ bóc. Tỏi Đà Lạt có củ nhỏ, vỏ ngoài màu nâu tím, dễ bóc.
Hình dáng tỏi tép: Do củ to nên tỏi Trung Quốc có ít tép hơn, các tép tỏi rất to và xòe ra. Tỏi ta củ nhỏ nhưng có nhiều tép, các tép nhỏ chụm lại với nhau, khó bóc hơn.
Mùi vị, độ cay: Tỏi Trung Quốc khi ăn có vị hăng, nhưng lại không thơm. Còn tỏi ta có vị the, có mùi thơm và vị cay nồng đặc trưng (Riêng tỏi Lý Sơn có mùi dễ chịu hơn và cay nồng nhẹ)
Giá cả: Tỏi Trung Quốc có giả rẻ từ 20.000 đến 30.000 đồng /kg, và được bày bán quanh năm. Trong khi đó tỏi ta có giá trung bình từ 45.000- 60.000 đồng/kg. Riêng tỏi Lý Sơn có giá khoảng 80.000 -100.000 đồng/kg.
Hành tây
Theo những người thương lái, hành tây Trung Quốc có củ to và kích cỡ đồng đều, vỏ hành thường nhắn bóng màu xanh. Trong khi đó, hành tây Việt Nam lại có củ nhỏ, kích cỡ không đồng đều, vỏ vàng thẫm, hơi sần sùi. Củ hành thường vẫn còn nhiều rễ và phần cuống dài.
Khi bổ ra, hành tây Trung Quốc đẫm nước, có ruột màu trắng hơi ngả sang màu xanh. Trong khi đó hành tây Việt Nam có màu trắng và ráo nước.
Ngoài việc nhận biết tránh mua phải hành tây Trung Quốc, người tiêu dùng cũng cần chú ý, không mua những củ hành tây đã mọc mầm hay những củ có màu sắc không đồng đều bởi củ hành tây đó sẽ không còn tươi và bị đắng.
Đối với hành taTrung Quốc củ to, chỉ có một tép, không thơm, vỏ mỏng. Hành ta thường cỏ vài tép trên một củ, rất thơm, lớp vỏ dày.
Khoai tây
Hình dáng, màu sắc: Khoai tây Việt Nam có vỏ mỏng, dễ bị trầy xước trong quá trình thu hoạch và vận chuyển nên thường thâm đen. Khoai tây Trung Quốc vỏ nhẵn nhụi, củ to đều nhau và bắt mắt. Hơn nữa, bên ngoài củ khoai tây Việt Nam có rất nhiều mắt khoai to, màu đỏ, khoai tây Trung Quốc ít có đăc điểm này.
Với loại khoai tây da hồng: Ruột khoai Trung Quốc có màu vàng đậm, rất bắt mắt song ở giữa ruột có chấm đen. Trong khi đó, ruột khoai Việt Nam có màu vàng nhạt.
Với loại khoai tây da vàng: Ruột khoai Trung Quốc có màu trắng đục nhưng ruột khoai Việt Nam có màu vàng ươm.
Lượng nước trong khoai: Người tiêu dùng có thể dùng ngõn tay bấm nhẹ trên bề mặt cắt ngang của khoai, nếu khoai có ít nước nhiều tinh bột thì là khoai nội địa, còn khoai Trung Quốc chứa lượng nước lớn.
Khi chế biến: Khoai Trung Quốc dễ bị nát, không bở và cảm nhận được chất tinh bột bên trong. Khoai tây Việt Nam nhiều tinh bột, củ bở và có vị thơm.
Gừng
Kích thước, màu sắc: Một đặc điểm rất dễ nhận biết là gừng Trung Quốc có kích thước lớn, thân tròn, mọng nước hơn rất nhiều so với gừng ta. Một củ gừng Trung Quốc có trọng lượng trung bình 3 - 5 g. Trong khi đó gừng ta chỉ đạt trọng lượng 0,5 - 1 g.
Gừng Trung Quốc vỏ trơn, láng mịn, ít đường vân và dễ bóc vỏ. Gừng ta có vỏ sần sùi, nhiều đường vân và vỏ vẫn còn bám nhiều đất xung quanh.
Mùi vị: Gừng ta rất thơm, có vị cay nồng đặc trưng kể cả khi chưa cạo vỏ. Trong khi đó, gừng Trung Quốc vị cay nhẹ, không thơm dù khi chế biến có cho nhiều gừng.
Cà rốt
Kích thước, màu sắc: Do được chăm bón bằng nhiều chất kích thích nên cà rốt Trung Quốc có kích thước to hơn hàng nội địa, các củ rất đều nhau và thường màu cam sẫm, gần như đỏ. Cà rốt Việt Nam có màu cam hơi nhạt, củ nhỏ, dài và da sần.
Rễ, lá, cuống: Thông thường, cà rốt Việt Nam vẫn còn rễ tỏa bao quanh củ và cuống lá thường còn nguyên. Còn cà rốt Trung Quốc không có rễ, cuống lá được tỉa gọn hoặc cắt sạch sẽ.
Nhữ Trang