Nhạc sĩ Quốc Trung dạy con gái tránh bị xâm hại tình dục

“Tôi nói với con gái là khi bạn có hành vi bạo lực thì con cứ nói là bố sẽ đến tận nhà và nói chuyện với gia đình bạn”, nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.

Tham gia chương trình âm nhạc đường phố “Bạn không đơn độc” tối 29/11 do Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức, nhạc sĩ Quốc Trung đã chia sẻ rất cởi mở về cách dạy con gái tránh bị xâm hại tình dục.

Dạy con nhận diện cái xấu

Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ rằng, là một người đàn ông, khi đọc con số 87% phụ nữ và bé gái tại Việt Nam đã bị quấy rối tình dục nơi công cộng, anh cảm thấy rất khó chịu. Với anh, đây là một việc đáng xấu hổ với đàn ông, đi ngược lại bản chất của phái mạnh. Bởi đàn ông là cần phải bảo vệ, che chở, nâng niu phụ nữ.

Là một ông bố cũng có con gái, nhạc sĩ Quốc Trung cũng lo lắng khi con phải lớn lên trong những môi trường đầy mối nguy về bạo lực. Anh kể rằng, con gái Thiện Thanh cũng từng bị dính vào một vụ bạo lực, không phải bạo lực tình dục nhưng cũng là bạo lực, bạo lực học đường. Cô bé đi học ở trường bị mấy bạn gọi là “đầu gấu” trong trường doạ dẫm, rồi lôi vào nhà vệ sinh, doạ đánh.

“Tôi nói với cháu là việc đầu tiên là không được sợ sệt. Thứ hai, tôi hỏi cháu cái đứa đã gây bạo lực với cháu nhà ở đâu, gia đình như thế nào. Rồi tôi nói với con gái là khi bạn có hành vi bạo lực thì con cứ nói là bố sẽ đến tận nhà và nói chuyện với gia đình bạn. Và sau đấy thì chuyện không xảy ra nữa”, nhạc sĩ kể.

Ông bố nổi tiếng chia sẻ rằng, anh thường xuyên trò chuyện với con gái, kể những câu chuyện giúp nhận diện chuyện lạm dụng tình giục và biết cách phản ứng khi bị lạm dụng.

“Tôi nghĩ, lạm dụng tình dục cũng như bạo lực tình dục đối với bé gái xuất phát từ việc chưa hiểu biết của các cháu.

Thứ nhất là không hiểu thế nào là bị lạm dụng. Và trong những khi chưa được giáo dục cụ thể, chưa có những kinh nghiệm, những kiến thức thì các cháu rất dễ nhầm lẫn giữa việc được yêu thương, được chiều chuộng và nó dẫn tới các hành vi xâm phạm cũng như bạo lực tình dục đối với các cháu.

Ngày xưa các cụ hay dạy con gái là phải giữ ý thì tôi cũng dạy con tôi những cách làm sao để phân biệt những hành vi lạm dụng hoặc là tránh những việc làm tăng nguy cơ mà con có thể bị bạo lực, ở đây có cả bạo lực tình dục”, anh nói.


“Tôi nói với con gái là khi bạn có hành vi bạo lực thì con cứ nói là bố sẽ đến tận nhà và nói chuyện với gia đình bạn, và tôi sẽ làm thật” – nhạc sĩ Quốc Trung.

“Tôi nói với con gái là khi bạn có hành vi bạo lực thì con cứ nói là bố sẽ đến tận nhà và nói chuyện với gia đình bạn, và tôi sẽ làm thật” – nhạc sĩ Quốc Trung.

Theo Quốc Trung, điều quan trọng nhất là người lớn phải dạy con dám nói ra, dám tố cáo những kẻ đã gây bạo lực với mình. Hãy nói cho các con hiểu rằng những kẻ gây bạo lực, lạm dụng tình dục là những kẻ lệch lạc về nhân cách, những kẻ hèn yếu, không có lí do gì chúng ta không tố cáo những kẻ đó. Đừng bao giờ sợ sệt bởi vì đó là những người rất yếu đuối và rất hèn kém thì mới có những hành động như vậy. Các con đừng đưa ra ánh sáng những vụ việc như vậy.

Ông bố hai con cũng thẳng thắn cho rằng, để các nạn nhân dũng cảm công khai tố cáo kẻ xấu, đưa các vụ việc lạm dụng ra ánh sáng, cộng đồng cũng cần có cái nhìn nhân văn, đồng cảm hơn với các nạn nhân. “Nhiều khi chúng ta hiểu lệch lạc là việc bé gái hay phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc bị lạm dụng thì thường là do tác nhân, do những người đó gây ra. Chúng ta cần nhìn sự việc từ sự đồng cảm, nhân văn với nạn nhân”, Quốc Trung chia sẻ.

Hãy phản ứng khi bị lạm dụng

Là đại sứ thiện chí của chiến dịch “Hãy hành động để xóa bỏ bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái”, nhằm góp phần phá vỡ sự im lặng và cam chịu bạo lực tình dục; thúc đẩy trách nhiệm của cộng động, các bên liên quan trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái, Quốc Trung cũng “mách” các bạn nữ cách ứng phó khi bị quấy rối tình dục nơi công cộng, đặc biệt là trên xe bus.

“Thời sinh viên tôi cũng từng đi học bằng xe bus, cũng từng chứng kiến những cảnh đó, tôi biết. Trong trường hợp này, tôi nghĩ, các bạn sinh viên cũng phải xử trí thông minh. Chẳng hạn khi các bạn đi vào giờ học thì chắc chắn sẽ còn nhiều sinh viên khác đi cùng trên chuyến xe, bạn có cộng đồng ủng hộ mình. Và tôi tin chắc người quấy rối không phải là sinh viên.

Vì vậy, khi bị sàm sỡ bạn gái phải phản ứng để họ biết là hành động xấu của họ đã bị đưa ra ánh sáng, cho mọi người biết đấy là một hành động không đàng hoàng, không đứng đắn. Thứ hai, bạn hãy nhớ những kẻ hành động như vậy là những kẻ yếu đuối, thậm chí hèn kém, tâm trạng sợ hãi luôn thường trực trong họ, vì vậy khi bạn nói, bạn không sợ thì họ sẽ là người sợ. Tôi tin khi các bạn nắm tay nhau và cùng phản ứng lại cái hành động như vậy thì tôi nghĩ họ mới là kẻ yếu, chứ các bạn không phải là kẻ yếu”, anh nói.


Nhạc sĩ Quốc Trung và con gái Thiện Thanh.

Nhạc sĩ Quốc Trung và con gái Thiện Thanh.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, khi bị lạm dụng, điều quan trọng nhất là nạn nhân phải phản ứng lại, tỏ thái độ dứt khoát ngay từ đầu, cho kẻ xấu thấy mình không chấp nhận hành động của họ.

“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chúng ta phải tỏ thái độ dứt khoát, những hành động không đàng hoàng cần phải bị phản ứng, nếu người phụ nữ có phản ứng thì tôi tin chắc đối tượng sẽ dừng lại những việc như vậy”, anh nói.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy thực trạng đáng báo động về bạo lực tình dục:

87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng (Khảo sát “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái: Nơi giấc mơ thành sự thật”, CGFED và Action Aid thực hiện 2014. Kháo sát thu thập ý kiến của hơn 2.000 cư dân tại các địa bàn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).

Gần 30% phụ nữ làm dịch vụ tình dục tại Việt Nam cho biết họ đã từng bị bạo lực tình dục và 22% bị cưỡng bức phải quan hệ với khách hàng (Nghiên cứu mại dâm và tính lưu động nhìn từ góc độ giới, IOM, 2012)

10% phụ nữ từng kết hôn tại Việt Nam từng bị bạo lực tình dục trong đời do chồng gây ra. Có khoảng 4% phụ nữ cho thấy khi bị bạo lực tình dục bắt đầu xảy ra, nó sẽ tiếp diễn trong toàn bộ cuộc hôn nhân/mối quan hệ (Kết quả từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam, Liên hiệp quốc tại Việt Nam, 2010)

 

Theo VietnamNet