TPHCM:
Nhạc sĩ đường phố với "dàn nhạc" tự chế độc đáo, chạy xe ôm nuôi đam mê
(Dân trí) - Công việc sáng tác không thể nuôi sống bản thân, anh Dũng quyết định chạy xe ôm công nghệ để mưu sinh và nuôi đam mê. Đôi lúc, anh nhờ khách đi xe nghe và góp ý để anh hoàn thiện tác phẩm.
Tất cả vì đam mê
Thời gian gần đây, nhiều người dân Sài Gòn đã quen với một nghệ sĩ đường phố mang trên mình đủ các loại nhạc cụ, như một ban nhạc quanh mình. Anh vừa đàn hát, vừa kèn trống... khiến người xem không khỏi rời mắt. Người nghệ sĩ đường phố đó là anh Phạm Ngọc Dũng (46 tuổi, ngụ TPHCM).
"Ngay khi còn là cậu bé 12 tuổi, tôi đã thích âm điệu của cây đàn Guitar. Đến khi 18 tuổi, tôi đăng ký nghĩa vụ quân sự để có thời gian và cơ hội học đàn. Sau khi xuất ngũ tôi đã học được cách đánh đàn guitar và thổi kèn harmonica. Từ đó, tôi chọn con đường riêng cho mình là nhạc công kiêm sáng tác nhạc" - anh Dũng chia sẻ.
Anh Dũng chia sẻ thêm, gia đình không ai theo con đường nghệ thuật. Nhà anh có mở một tiệm tóc nữ và mọi người nghĩ anh sẽ theo nghề "gia truyền". Không ai tin anh có thể gắn bó và kiếm sống bằng nghề sáng tác và hát.
"Khi đó, ba của tôi cũng hơi nghiêm khắc và xem những dự định của tôi giống như trò mèo, trò trẻ con. Để chứng minh với ba, tôi cố gắng theo đuổi và trau dồi kiến thức để ba hiểu là tôi yêu thích công việc này một cách nghiêm túc. Những ngày tháng đó đối với tôi rất khó khăn. Nhưng may mắn, tôi được mẹ ủng hộ và động viên, đến tận bây giờ vẫn thế", anh Dũng tâm sự.
Do công việc sáng tác chưa ổn định, chưa có các bài "hot" nên anh Dũng không thể mưu sinh chính bằng công việc này. Anh phải làm thêm nhiều việc để có thể duy trì công việc sáng tác. Và với anh Dũng, âm nhạc là đam mê, nó đem lại nhiều giá trị cho cuộc sống.
"Tôi phải làm thêm nhiều nghề như chạy xe ôm, biểu diễn tại các buổi liên hoan, tiệc cưới để có tiền trang trải chi phí hàng tháng. Những công việc làm thêm đó giúp tôi có tiền để tiếp tục công việc sáng tác nhạc mà mình yêu thích", anh Dũng chia sẻ.
Để theo đuổi con đường âm nhạc, anh Dũng đã phải hy sinh rất nhiều kể cả hạnh phúc gia đình. Thậm chí, có lúc anh phải bán luôn chiếc xe máy để làm nhạc. "Tôi bán luôn chiếc xe, đi bộ để làm nhạc, may mắn có người bạn tặng chiếc xe máy để tôi có phương tiện di chuyển, đi làm", anh Dũng nói.
Dàn nhạc "4 trong 1" và bài hát "Những bông hoa nơi tuyến đầu"
Điều đặc biệt ở người nhạc sĩ này chính là có thể một mình điều khiển "dàn nhạc" kết hợp 4 nhạc cụ trong cùng một lúc, gồm có bộ trống, harmonica, đàn guitar
Theo anh Dũng, anh vô tình xem được dàn trống tương tự của một người nước ngoài, cảm thấy thích nên đã học tập, mày mò sáng tạo thêm để "dàn nhạc" phù hợp với những yêu cầu của bản thân. Để hoàn thiện "dàn nhạc", anh Dũng đã phải bỏ ra 5 năm nghiên cứu và tốn khá nhiều chi phí.
"Khi sáng tạo ra "dàn nhạc" này, tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần đón nhận những ý kiến của mọi người xung quanh. Khi tôi mang bộ nhạc cụ này biểu diễn ngoài đường phố thì có một số khách nói tôi không bình thường, khùng… Tuy vậy, tôi cũng nhận được sự ủng hộ, động viên từ không ít người", anh Dũng cho hay.
Vừa qua, để cổ vũ tinh thần cho những lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19, anh Dũng đã sáng tác bài hát "Những bông hoa nơi tuyến đầu". Đây chính là món quà thể hiện tình cảm, sự ngưỡng mộ và cả lòng biết ơn của người nhạc sĩ 46 tuổi dành cho đội ngũ y, bác sĩ phục vụ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 hiện nay.
Anh Dũng chia sẻ thêm, anh đã ấp ủ ý định sáng tác bài hát này từ 2 năm trước trong đợt dịch đầu tiên, tuy nhiên, còn một số câu từ anh chưa ưng ý nên cứ để đó. Anh hy vọng, thông điệp về lời kêu gọi mọi người chung tay chống dịch để giảm bớt gánh nặng cho những y bác sĩ tuyến đầu của bài hát sẽ được lan tỏa ra cộng đồng.
"Cách đây một tuần, tôi chăm người thân trong bệnh viện, thấy các y bác sĩ quá cực nên quyết tâm phải hoàn thành bài hát đó tặng cho các y bác sĩ. Tôi mong muốn mọi người lan tỏa bài hát này để nhiều người biết thêm về thông điệp tích cực mà bài hát mang đến, cùng nhau vượt qua cơn đại dịch này", anh chia sẻ.